Hà Nội

Những bài tập tốt cho sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

01-11-2024 11:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập thể dục đều đặn không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể mà còn chuẩn bị cho cơ thể của bạn một cách tốt nhất để mang thai. Việc chọn lựa những bài tập phù hợp và duy trì cường độ hợp lý sẽ giúp phụ nữ cải thiện khả năng sinh sản, có một thai kỳ khỏe mạnh và suôn sẻ.

1. Vai trò của tập luyện với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Theo chia sẻ của ThS.BS. Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có những thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới. Hiện nay, do lối sống ít vận động dẫn đến thừa cân, béo phì. Thừa cân hoặc thiếu cân đáng kể cũng được biết là làm gián đoạn khả năng sinh sản. Tập thể dục quá mức hoặc không tập thể dục cũng có thể gây ra vấn đề khó mang thai.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa ra lời khuyên, để cải thiện khả năng thụ thai, các cặp vợ chồng cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Ngoài ra, việc duy trì cân nặng lành mạnh cũng rất quan trọng. Nên kiểm soát cân nặng của mình bằng cách tập thể dục thường xuyên và kiêng ăn các loại thức ăn không tốt cho sức khỏe.

Đối với nữ đang điều trị vô sinh việc chỉ tập luyện không thể giúp tăng khả năng thụ thai tuy nhiên, tập luyện sẽ giúp nâng cao thể trạng và sức khỏe tổng thể, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào và lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh sao cho phù hợp.

Những bài tập tốt cho sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản- Ảnh 1.

Cần đi khám kiểm tra sức khỏe để được các bác sĩ đưa ra lời khuyên về tình trạng bệnh.

2. Các bài tập tốt cho phụ nữ

2.1. Đi bộ

Đi bộ là một bài tập lý tưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một bài tập có tác dụng hỗ trợ tim mạch và giúp làm săn chắc chân, lưng và bụng. Tất cả những điều này rất quan trọng trong hỗ trợ điều trị vô sinh vì cơ thể khỏe mạnh là phần không thể thiếu trong kế hoạch thụ thai.

Ở phái nữ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ 10 phút đi dạo thường xuyên hoặc đi bộ một cách nhàn nhã có thể tăng gần 80% khả năng mang thai trong vòng 6 chu kỳ. Đối với người mới bắt đầu: Bắt đầu với 15 phút mỗi ngày, 3 lần/tuần. Đối với người đã quen: Tăng lên 4 - 5 lần/tuần và thời gian tập luyện lâu hơn.

2.2. Bơi lội

Bơi lội là bài tập an toàn nhất và được ưu tiên trước và trong khi mang thai. Khi bơi, cơ thể sẽ xây dựng sức bền và giảm các yếu tố độc hại một cách dễ dàng. Các chuyên gia y tế cũng khuyến khích chị em tiếp tục bơi lội khi đang điều trị vô sinh vì chúng sẽ mang đến những tác động tích cực như nạp năng lượng cho toàn bộ cơ thể và giúp tâm trạng sảng khoái.

2.3. Tập Yoga

Theo các nhà khoa học, yoga là bài tập giúp chị em đối phó với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày và có khả năng giữ cho buồng trứng khỏe mạnh. Những tư thế yoga có thể cải thiện lưu thông máu ở các bộ phận bên trong cơ thể bao gồm cả hệ thống sinh sản. Yoga còn được cho là có công dụng cải thiện sức khỏe sinh sản, ngay cả với các trường hợp vô sinh.

Sau đây là các tư thế yoga làm tăng khả năng thụ thai:

Tư thế Staff Pose

Các bước thực hiện:

- Ngồi trên thảm hoặc gối, hai chân duỗi thẳng, lưng thẳng. Úp bàn tay hai bên hông để hỗ trợ cho bạn ngồi thẳng lưng nếu cần.

- Xoay cổ chân theo chiều kim đồng hồ 5 lần rồi làm theo chiều ngược lại.

- Duỗi ngón chân ra phía trước 10 lần.

- Gập duỗi ngón chân, xoay tròn và gập cổ chân.

- Rung cả hai chân lên xuống nhịp nhàng.

Những bài tập tốt cho sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản- Ảnh 2.

Tập luyện yoga giúp tăng khả năng thụ thai ở nữ giới.

Tư thế Half Ankle to Knee

Các bước thực hiện:

- Ngồi trong tư thế Staff Pose, uốn cong đầu gối chân phải và đặt mắt cá chân phải ngay phía trên đầu gối chân trái.

- Co giãn chân phải, dùng lòng bàn tay trái ấn vào lòng bàn chân phải. Tay còn lại đặt trên gối phải và ấn nhẹ phần đùi xuống, giữ trong khoảng 3 nhịp thở.

- Nhẹ nhàng nâng đầu gối phải lên xuống; Sau đó, ngả người về phía trước hết mức có thể, dùng thêm cơ bụng để tăng thêm sức mạnh cho cột sống.

- Đổi bên và lặp lại động tác.

Tư thế Alternating Knee to Chest

Các bước thực hiện:

- Trong tư thế nằm, duỗi thẳng chân trái và co dãn chân phải.

- Uốn cong đầu gối phải chạm vào ngực, chắp hai tay quanh ống chân để giữ được tư thế trong 5 nhịp thở, sau đó buông ra.

- Lặp lại sau khi đổi bên.

- Cuối cùng, co cả hai gối lên đến ngực, dùng tay bao quanh giữ hai đùi khép vào nhau, hít thở đều, giữ tư thế trong 5 nhịp thở.

Những bài tập tốt cho sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản- Ảnh 3.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục làm tăng khả năng thụ thai ở phụ nữ.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, người bệnh hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Theo các chuyên gia, nên tập thể dục ít nhất 3 - 4 lần mỗi tuần. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể và tăng khả năng thụ thai.

Luôn bắt đầu với các bài tập khởi động trong vòng khoảng từ 2 đến 3 phút, chẳng hạn như nhún vai, nâng cánh tay qua đầu, chạy nâng cao gối tại chỗ… Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi nếu cần. Mỗi buổi tập nên kéo dài từ 30 đến 60 phút.

Bắt đầu tập thể dục với thời gian ngắn và dần dần tăng lên khi cơ thể quen dần với cường độ tập luyện. Tập luyện ở mức độ trung bình là lý tưởng. Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém. Đảm bảo có đủ thời gian nghỉ ngơi giữa các buổi tập để cơ thể phục hồi và sẵn sàng cho các buổi tập tiếp theo.

Những bài tập tốt cho sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản- Ảnh 5.

Bố sung nước rất quan trọng khi tập thể dục.

4. Khi nào thì không nên tập thể dục?

Không tập thể dục khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no. Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Không tập thể dục nếu cảm thấy chóng mặt, đứng không vững hoặc gặp vấn đề về việc giữ thăng bằng.

Nếu cảm thấy đau, tức ngực, đặc biệt khi kèm theo cảm giác buồn nôn, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi nhiều khi đang tập thể dục thì bạn hãy dừng lại và kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, không nên tập tạ nặng hoặc tập các bài tập gây căng thẳng quá mức cho xương. Khi tập luyện quá sức, cơ bắp cũng sẽ thường xuyên bị đau nhức.

Nhịp tim là một chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe. Vì vậy, nếu không tập các bài tập cường độ cao mà vẫn cảm thấy nhịp tim tăng đột ngột hoặc đập loạn nhịp thì chắc chắn phải dừng tập và nghỉ ngơi.

Cách tốt nhất để biết mình có vấn đề về khả năng sinh sản hay không là tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa/nam khoa. Với các trường hợp gặp khó khăn trong việc thụ thai, đều cần được bác sĩ thăm khám để đánh giá về các vấn đề sinh sản và điều trị. Càng sớm tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ sớm, các phương pháp điều trị sinh sản càng có hiệu quả.

Xem thêm:

3 dấu hiệu vô sinh ở nữ giới, chị em cần biết3 dấu hiệu vô sinh ở nữ giới, chị em cần biết

SKĐS - Vô sinh do nữ chiếm 40% tổng số trường hợp vô sinh nói chung, tình trạng này ảnh hưởng xấu lên đời sống tình cảm, tinh thần và hôn nhân của 2 vợ chồng. Vậy nguyên nhân do đâu và biểu hiện thế nào khi nữ giới bị vô sinh.


Đỗ Quyên
Ý kiến của bạn