Những bài tập tốt cho người lỗ tiểu đóng thấp

23-02-2025 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đối với người mắc tình trạng lỗ tiểu đóng thấp, tập thể dục có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ cải thiện chức năng cơ vùng chậu, kiểm soát tiểu tiện và phục hồi sau quá trình phẫu thuật.

1. Vai trò của tập luyện đối với người lỗ tiểu đóng thấp

Lỗ tiểu đóng thấp (hypospadias) là một dị tật sinh dục tiết niệu bẩm sinh, trong đó lỗ tiểu không mở ra đúng vị trí ở đầu dương vật mà nằm thấp hơn trên thân dương vật hoặc vùng bìu.

Bệnh thường được phát hiện sớm khi trẻ còn nhỏ và có thể cần can thiệp phẫu thuật để điều chỉnh. Việc thực hiện các bài tập có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, hỗ trợ cải thiện chức năng cơ vùng chậu và giúp kiểm soát tiểu tiện tốt hơn:

- Hỗ trợ phục hồi cơ sàn chậu, giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và tiểu tiện.

- Tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện lưu thông máu đến vùng chậu, giúp phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật.

- Giảm nguy cơ biến chứng, hạn chế tình trạng són tiểu, rối loạn chức năng bàng quang.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc chứng lỗ tiểu đóng thấp, giúp trẻ và người lớn có thể hoạt động bình thường mà không gặp trở ngại về tiểu tiện.

2. Các bài tập cho người lỗ tiểu đóng thấp

Tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bị lỗ tiểu đóng thấp. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ có những bài tập phù hợp riêng.

Dưới đây là một số bài tập hỗ trợ phục hồi và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh:

2.1. Bài tập cho trẻ nhỏ bị lỗ tiểu đóng thấp

Trẻ nhỏ thường được phát hiện và điều trị lỗ tiểu đóng thấp từ sớm, nhưng quá trình hồi phục sau phẫu thuật cũng như việc phát triển cơ vùng chậu vẫn cần được hỗ trợ bằng các bài tập phù hợp, cụ thể như:

2.1.1. Bài tập co duỗi chân giúp kích thích vùng chậu

Thực hiện bài tập co duỗi chân giúp tăng cường lưu thông máu đến vùng chậu, phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật.

Cách thực hiện:

  • Cho trẻ ở tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng chân.
  • Từ từ nâng một chân trẻ lên, co sát bụng, sau đó duỗi ra; lặp lại với chân còn lại.
  • Thực hiện luân phiên mỗi bên 10 - 15 lần. Nếu trẻ có thể tự thực hiện, khuyến khích trẻ làm đều đặn mỗi ngày.

2.1.2. Bài tập siết cơ sàn chậu

Bài tập này có tác dụng tăng cường chức năng cơ bàng quang và cơ vùng chậu, hỗ trợ trẻ kiểm soát tiểu tiện tốt hơn.

Cách thực hiện:

  • Cho trẻ ở tư thế nằm ngửa thoải mái trên giường hoặc sàn.
  • Hướng dẫn trẻ siết chặt cơ hậu môn giống như đang nhịn tiểu.
  • Giữ nguyên tư thế siết cơ trong 3 - 5 giây, sau đó thả lỏng.
  • Thực hiện 8 - 10 lần mỗi lần tập, 2 - 3 lần/ngày.

2.1.3. Bài tập chơi bóng

Khi trẻ thực hiện bài tập chơi bóng, cơ vùng chậu và cơ bụng sẽ được kích hoạt, giúp cải thiện khả năng kiểm soát tiểu tiện. Các hoạt động vận động với bóng giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vùng chậu, hỗ trợ quá trình hồi phục sau phẫu thuật; đồng thời, chơi bóng ngoài trời giúp trẻ vui vẻ hơn, hỗ trợ tâm lý thoải mái cho trẻ.

Cách thực hiện:

  • Cho trẻ ngồi trên bóng thể dục mềm.
  • Hướng dẫn trẻ nhún lên xuống nhẹ nhàng.
  • Thực hiện trong 5 phút mỗi ngày, đều đặn hàng ngày để có kết quả tốt nhất.

2.2. Bài tập cho trẻ lớn và vị thành niên bị lỗ tiểu đóng thấp

Trẻ lớn và vị thành niên có thể thực hiện các bài tập nâng cao hơn so với trẻ nhỏ. Các bài tập này không chỉ giúp phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật mà còn hỗ trợ phòng tránh các vấn đề về bàng quang và tiết niệu trong tương lai.

2.2.1. Bài tập Kegel - tăng cường cơ sàn chậu

Bài tập Kegel giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, kiểm soát tốt hơn quá trình tiểu tiện, hỗ trợ hạn chế són tiểu và tiểu không tự chủ; đồng thời, bài tập này còn cải thiện tuần hoàn máu đến vùng chậu, giúp cơ quan tiết niệu hoạt động hiệu quả hơn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi hoặc nằm thoải mái, thư giãn cơ thể.
  • Siết chặt cơ vùng chậu (cảm giác như đang cố nhịn tiểu), giữ trong 5 giây rồi thả lỏng.
  • Lặp lại 10 - 15 lần, thực hiện 2 - 3 lần/ngày.

2.2.2. Bài tập Squat - kiểm soát sức mạnh cơ vùng chậu

Bên cạnh Kegel, bài tập Squat cũng là bài tập phù hợp cho người lỗ tiểu đóng thấp, giúp cải thiện sự linh hoạt vùng cơ hông - chậu, kiểm soát bàng quang và hạn chế són tiểu.

Cách thực hiện:

  • Tư thế đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai.
  • Từ từ hạ người xuống như ngồi trên ghế, giữ lưng thẳng, không để đầu gối vượt quá mũi chân.
  • Giữ nguyên tư thế trong 3 - 5 giây, sau đó đứng thẳng lại.
  • Tiếp tục thực hiện 10 - 15 lần, lặp lại 2 - 3 lần/ngày.
Những bài tập tốt cho người lỗ tiểu đóng thấp- Ảnh 2.

Bài tập cây cầu hỗ trợ người lỗ tiểu đóng thấp phòng tránh các vấn đề về bàng quang (ảnh minh họa).

2.2.3. Bài tập nâng hông tư thế cây cầu (Bridge Pose)

Cách thực hiện:

  • Người bệnh ở tư thế nằm ngửa, co hai đầu gối, đặt bàn chân phẳng trên sàn, hai tay đặt xuôi theo thân.
  • Nhấn bàn chân xuống sàn, từ từ nâng hông lên cao.
  • Giữ nguyên tư thế trong 5 - 10 giây, sau đó hạ xuống từ từ.
  • Thực hiện 10 - 12 lần, tập 2 - 3 lần/ngày.

2.3. Bài tập cho người trưởng thành bị lỗ tiểu đóng thấp

Ở người trưởng thành, ngoài việc hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật, các bài tập còn giúp cải thiện khả năng kiểm soát tiểu tiện, nâng cao chức năng bàng quang, giảm nguy cơ rối loạn cương dương và nâng cao chức năng sinh lý.

Một số bài tập có thể áp dụng như: Bài tập Kegel, bài tập Plank, bài tập Bridge Pose… tương tự cho trẻ lớn và vị thành niên.

Ngoài ra, có thể thực hiện thêm các bài tập như:

2.3.1. Bài tập nâng chân Leg Raises

Tác dụng giúp tăng cường cơ bụng dưới, hỗ trợ kiểm soát tiểu tiện và tăng cường chức năng sinh lý, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và vận động vùng chậu.

Cách thực hiện:

  • Tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, tay đặt bên hông.
  • Từ từ nâng một chân lên cao (khoảng 45 độ), giữ trong 5 giây, rồi hạ xuống.
  • Lặp lại với chân còn lại, thực hiện 10 - 15 lần mỗi chân, đều đặn ngày 2 - 3 lần. Khi đã quen, có thể nâng hai chân cùng lúc để tăng độ khó.

2.3.2. Bài tập Yoga - Tư thế con bướm (Butterfly Pose)

Yoga có tác dụng tốt cho người có lỗ tiểu đóng thấp, giúp thư giãn và tăng độ linh hoạt cho cơ vùng chậu, cải thiện tuần hoàn máu đến cơ quan sinh dục.

Cách thực hiện:

  • Tư thế ngồi thẳng lưng, hai lòng bàn chân chạm nhau, đầu gối mở rộng sang hai bên.
  • Dùng tay giữ chặt hai bàn chân, từ từ đẩy đầu gối xuống sàn.
  • Giữ nguyên tư thế trong 10 - 15 giây, sau đó thư giãn.
  • Lặp lại 10 - 12 lần, thực hiện đều đặn 2 lần/ngày.
Những bài tập tốt cho người lỗ tiểu đóng thấp- Ảnh 3.

Bài tập con bò -con mèo giúp thư giãn và tăng độ linh hoạt cho cơ vùng chậu.

2.3.3. Bài tập con bò - con mèo

Cách thực hiện:

  • Chống hai tay và hai đầu gối xuống sàn, giữ lưng thẳng.
  • Khi hít vào, cong lưng xuống, đẩy mông lên cao (tư thế con bò).
  • Khi thở ra, cuộn lưng lên, hóp bụng lại (tư thế con mèo).
  • Lặp lại 10 - 12 lần, tập 2 lần/ngày.

3. Những lưu ý khi tập luyện cho người lỗ tiểu đóng thấp

- Nên tập vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ, thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Khởi động nhẹ trước khi tập và thả lỏng sau khi tập.

- Tránh tập ngay sau khi ăn để không gây áp lực lên vùng bụng dưới.

- Không nên tập luyện khi đang sốt, mệt mỏi hay có triệu chứng khó chịu vùng bàng quang - sinh dục; tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiếp tục tập.

- Không tập quá sức, đặc biệt với trẻ nhỏ cần có sự giám sát của người lớn.

- Kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để hỗ trợ chức năng bàng quang và sinh lý.

- Nếu gặp vấn đề tiểu tiện kéo dài, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đơn giản mà hiệu quả: Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện tình trạng bệnh "Hay quên" | SKĐS


BSNT. Hương Trà
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn