Được tạp chí Time của Mỹ miêu tả là "người đàn ông trí tuệ kiệt xuất, không bao giờ có đủ kiên nhẫn cho những thứ tầm thường", Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, bằng hành động và lời nói của mình, luôn thể hiện ông là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Học vấn là nền tảng
Ông Lý Quang Diệu luôn đứng trong danh sách 150 sinh viên xuất sắc nhất Singapore, thường xuyên dẫn đầu về điểm số tại các kỳ thi và nhận nhiều học bổng danh giá suốt thời gian đi học.
Ông theo đuổi ngành luật và tốt nghiệp hạng ưu từ trường Fitzwilliam thuộc Đại học Cambridge của Anh. Tấm bằng luật này đã dẫn ông tới điểm xuất phát trên con đường hoạt động chính trị của mình khi ông trở thành một trợ lý pháp lý cho Laycock & Ong, một trong những hãng luật ra đời sớm nhất ở Singapore.
Kiên định với lựa chọn dù đi ngược số đông
Ông Lý được cho là đã áp dụng nhiều biện pháp tương đối cực đoan trong quá trình xây dựng, kiến thiết Singapore. Nhưng ông làm tất cả những điều đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất: kiến tạo sự phú cường, đưa đất nước đi lên từ khốn khó, trở thành một đô thị phát triển vượt bậc, theo Vulcan Post.
Trong hơn 30 năm cầm quyền, ông Lý áp dụng rất nhiều chính sách khác nhau và gặt hái không ít thành công. Ông tiến hành đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa.
Ông biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. Theo Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Groningen, GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng.
Tuy nhiên, một số chính sách của ông cũng vấp phải sự chỉ trích của dư luận. Các nhóm nhân quyền cho rằng ông kiểm soát quá chặt chẽ truyền thông trong nước và hạn chế tự do dân sự, thông qua các quy định nghiêm ngặt về phát ngôn và tụ tập ở nơi công cộng. Nhưng ông kiên định con đường của mình.
"Chúng ta sẽ không đạt được những tiến bộ về kinh tế nếu không quan tâm tới các vấn đề cá nhân. Ai là hàng xóm của bạn, cuộc sống của bạn ra sao, những âm thanh bạn tạo ra, thậm chí bạn nhổ nước bọt như thế nào và ở đâu", Vulcan Post dẫn lại một câu nói nổi tiếng của ông. "Tôi kiên định với suy nghĩ của mình. Tôi mạnh tay để mọi việc trở nên đúng đắn, đúng là khắc nghiệt nhưng rất nhiều giá trị đang bị đe dọa. Cuối cùng cái mà tôi đạt được là gì? Một Singapore thành công".
Tập trung vào cốt lõi vấn đề
Theo ông Heng Swee Keat, một người từng có cơ hội làm việc dưới quyền Thủ tướng Lý, câu hỏi mà ông thường xuyên đặt ra là "thì sao nữa?". Nếu bạn báo cáo cho ông ấy một thông tin nào đó mới mẻ, ông sẽ ngay lập tức đáp lại bằng câu hỏi "thì sao nữa" và lặp lại những câu tương tự như: "vậy nên?" hay "kết quả là?" để dồn bạn tiến thẳng vào cốt lõi của vấn đề và đúc rút ra ý nghĩa của từng mẩu thông tin. Thói quen của ông là bỏ qua tất cả những chi tiết gây nhiễu, không liên quan, để trực tiếp đi vào trọng tâm, xác định điểm mấu chốt của vấn đề.
Ông Heng từng có lần viết bản báo cáo dài ba đoạn để trả lời một câu hỏi mà ông Lý đưa ra. Theo Heng, câu trả lời của ông khá toàn diện. Nhưng thay vì khen ngợi, thủ tướng chỉ hỏi: "Tôi yêu cầu một lời giải đáp ngắn gọn, tại sao anh lại đưa lên một bản trình bày quá dài như vậy".
Sức mạnh trong lời nói
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thường xuyên có những bài diễn văn đầy nhiệt huyết, lay động lòng người do chính ông viết trước công chúng. Khi ông nói, rất khó để không lắng nghe. Sự trọng vọng mà người dân dành cho ông một phần xuất phát từ những điều như vậy.
Ông Lý Quang Diệu phát biểu phản đối cuộc biểu tình của nhân viên hãng hàng không Singapore Airlines vào năm 1980
Cứng rắn trong công việc
Giới chuyên gia từ lâu đã đánh giá ông Lý là một nhà lãnh đạo với nghiêm khắc. Ông từng bị phê phán vì áp dụng những biện pháp cứng rắn với phe đối lập và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để chống lại đối thủ chính trị.
Năm 2010, ông cùng con trai, Thủ tướng Lý Hiển Long, kiện New York Times tội phỉ báng vì một bài viết liên quan đến gia đình ông của một nhà báo tự do. Tờ báo và tác giả sau đó phải trả tổng cộng khoảng 11.000 USD tiền bồi thường cho ông.
"Tại sao ta không đánh bại họ trước khi họ kịp làm điều đó với ta? Khi họ bắt đầu sẽ càng khó khăn hơn cho ta để có thể phá hủy họ hoàn toàn", ông nói.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng hay ám ảnh bởi những cuộc trưng cầu ý kiến hay thăm dò mức độ được dân chúng yêu mến. Theo tôi, người tỏ ra e ngại trước những thứ như vậy là một lãnh đạo yếu đuối. Giữa việc được yêu quý và bị người khác e dè, kiêng nể, tôi luôn cho rằng Machiavelli đã đúng. Nếu không ai sợ tôi thì tôi sẽ trở nên vô nghĩa", ông chia sẻ, nhắc đến một triết lý của nhà ngoại giao, triết học gia chính trị Niccolo Machiavelli: nhà lãnh đạo kiệt xuất luôn là một người đáng sợ.
Tình cảm trong đời sống
Ông Lý và vợ, bà Kha Ngọc Chi, có một chuyện tình rất đẹp và cảm động. Cuộc hôn nhân của hai người kéo dài 63 năm. Những ngày tháng cuối đời bên giường bệnh của vợ, chính ông là người chăm sóc cho bà. Mỗi ngày ông đều tận tay đo huyết áp cho vợ mình bởi bà không để ai khác làm việc đó. Thỉnh thoảng ông còn bị trầy xước cả mặt vì ngủ gật trong lúc đọc sách cho vợ nghe mỗi tối.
Sau khi bà Kha trải qua cơn tai biến thứ hai, con gái của hai người đã chia sẻ một đoạn đối thoại đầy xúc động giữa cha và mẹ mình:
"Chúng ta sống bên nhau đã gần nửa cuộc đời. Bà không thể bỏ tôi mà đi lúc này được đâu nhé. Tôi sẽ khiến mỗi ngày bà sống đều có ý nghĩa dù bà bị tàn tật đi chăng nữa", ông nói.
"Ông lại hứa quá rồi đấy", bà đáp.
"Tôi đã bao giờ để bà thất vọng chưa", ông nhẹ nhàng nói.
Vũ Hoàng