Ra mắt năm 1998, bộ phim từng được xem là cuộc cách mạng truyền hình, không chỉ vì cách thể hiện tình dục, cuộc sống độc thân và cái tôi cá nhân, mà còn vì cách phim mô tả hành trình sự nghiệp của phụ nữ.

Bốn nữ nhân vật trong Sex and the City: Carrie (tóc xoăn), Miranda (áo vàng), Samantha (vòng cổ vàng), Charlotte (áo đen). Nguồn: Getty Images)
Dù hiếm khi mô tả chi tiết công việc thường ngày, nhưng Sex and the City vẫn truyền tải rất rõ tinh thần "làm hết mình, chơi hết sức" – tinh thần này sau này trở thành nền tảng cho phong trào #RiseAndGrind và văn hóa "hối hả để thành công".
Từ những bộ vest quyền lực của Samantha, vị trí cao trong giới luật của Miranda, giá nhuận bút 1 USD/từ của Carrie đến phong cách sống nghệ thuật, đậm chất thị dân của Charlotte, dễ hiểu vì sao nhiều người gọi Sex and the City là "bộ phim khiêu khích về sự nghiệp" của đầu những năm 2000, theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.
Miranda: Làm việc chăm chỉ không đồng nghĩa với việc phải xin lỗi
Trong nhóm bạn, Miranda là người theo đuổi sự nghiệp nghiêm túc nhất. Một luật sư tốt nghiệp Harvard, làm việc trong ngành vốn do nam giới thống trị, cô không ít lần cảm thấy bị coi thường, bị đánh giá thấp chỉ vì mình là phụ nữ.
Trong mùa hai, Miranda từng nói một câu đầy ám ảnh: "Tôi muốn tận hưởng thành công của mình, không phải xin lỗi vì điều đó". Câu nói ấy vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay.
Samantha: Tự tin là lợi thế, dù người khác không thấy vậy
Samantha là chuyên gia PR quyền lực, sở hữu mạng lưới khách hàng nổi tiếng và luôn kéo hội bạn vào những bữa tiệc sang trọng. Nhưng ngay cả cô cũng không tránh khỏi định kiến giới tại nơi làm việc.
Khi muốn hợp tác với ông trùm khách sạn Richard, cô bị đánh giá là "không phù hợp" chỉ vì lịch sử tình cảm cá nhân. Nhưng cũng chính những mối quan hệ cá nhân ấy đã giúp cô ký được hợp đồng và bắt đầu mối quan hệ tình cảm với Richard sau đó. Samantha cho thấy, đôi khi, sự tự tin và thái độ "không ai cản được tôi" chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thành công.
Charlotte: Lựa chọn từ bỏ công việc cũng là một quyền năng
Ở mùa 4, Charlotte gây sốc khi quyết định nghỉ việc quản lý một phòng tranh để toàn tâm lo cho cuộc sống gia đình sau khi kết hôn với Trey. Miranda, người bạn luôn đề cao sự nghiệp, đã phản ứng dữ dội, cho rằng Charlotte đang trở thành kiểu phụ nữ "chỉ làm việc đến khi lấy chồng". Nhưng Charlotte phản pháo một cách kiên quyết: "Tôi chọn lựa chọn của mình!"
Quyết định rời bỏ công việc không làm Charlotte yếu đuối hơn, nó thể hiện rằng cô làm chủ cuộc sống của mình và không ai có quyền đánh giá điều đó.
Carrie: Làm việc để sống, không sống để làm việc
Carrie với chuyên ngành báo chí và lịch trình tự do là hiện thân của triết lý "làm việc để sống", không phải "sống để làm việc". Khi cô quyết định theo người yêu Petrovsky sang Paris, bỏ lại chuyên ngành yêu dấu, cô nhanh chóng rơi vào trạng thái lạc lõng và mất phương hướng, không phải vì thiếu người yêu, mà vì thiếu đi công việc gắn bó với bản thân mình.
Khi công việc không định nghĩa toàn bộ con người bạn
Ngay cả trong phần And Just Like That, sự nghiệp vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của các nhân vật. Miranda bỏ việc, quyết định học lại để trở thành luật sư nhân quyền. Carrie và Samantha mâu thuẫn vì trộn lẫn giữa công việc và tình bạn, khi Samantha bị Carrie "buông tay" giữa lúc ngành xuất bản gặp khó. Samantha, một lần nữa, thể hiện sự kiêu hãnh của mình khi chọn cắt đứt mối quan hệ thay vì chấp nhận bị nghi ngờ năng lực.
Dù là các nhân vật hư cấu sống giữa lòng Manhattan hào nhoáng, họ vẫn đại diện cho những gì rất thật: phụ nữ có quyền lựa chọn, theo đuổi sự nghiệp, lùi lại nghỉ ngơi, thử một con đường mới, hoặc giữ vững ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân.
Cuối cùng, giữa tất cả những tranh cãi, lỗi lầm và khoảnh khắc "gây lú", không thể phủ nhận rằng Sex and the City đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ. Nó khẳng định: bạn có giá trị, bất kể bạn đang ở độ tuổi nào, có đang yêu, kết hôn, độc thân hay đang định hình lại con đường sự nghiệp của mình.