Đầu dây bên kia, anh bạn suy nghĩ rồi đáp: “Ừ!... Có lẽ đúng là thế! Mà tại sao nhỉ? Tôi và anh cùng nghĩ và lý giải với nhau sau nhé!”.
Về phía tôi, tôi cho rằng: Phải chăng lý do thứ nhất là dân ta có truyền thống thơ ca. Ngôn ngữ đa âm, mang tính nhạc, nói lên đã có âm điệu thơ, lại chuộng chữ nghĩa, nên già trẻ lớn bé, ai trong cuộc đời cũng thuộc ca dao hoặc làm vài câu thơ. Lại có cả một dòng thơ nữ tuyệt vời chẳng kém gì thơ của phái nam với tên tuổi Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… (mặc dầu xưa nữ ít được học và không được đi thi). Tuyển tập thơ nữ tiếng Pháp xuất bản ở Paris Hương Bưởi (Francoise và Hữu Ngọc, 1984) giới thiệu khoảng hai chục nhà thơ nữ. Tuyển tập thơ nữ Việt Nam do Lady Borton dịch sang tiếng Anh (xuất bản 2007 ở Mỹ và Việt Nam) gồm 100 tác giả. Có thể khẳng định nữ ở Việt Nam (kể cả thơ bình dân) làm thơ nhiều hơn phương Tây chăng?
Lý do thứ hai là: Văn hoá Việt Nam truyền thống, đậm màu Khổng học, trọng nam khinh nữ trong xã hội phụ quyền. Với tứ đức tam tòng, đàn bà không muốn và không có cơ hội phát triển cái “tôi” như ở xã hội cá tính phương Tây. Họ gắn mình với sự nghiệp, quyền lợi của chồng. Theo nhà trí thức uyên bác Tây học Đặng Phúc Thông, họ có ý thức thể hiện cái tôi (se réaliser) không theo con đường chủ nghĩa cá nhân phương Tây mà bằng cách tự nguyện hy sinh vì chồng con. Vì vậy, khi mất người chồng thì phụ nữ cảm thấy mất chỗ dựa, bơ vơ, có thể đau khổ hơn đàn bà cùng cảnh ngộ ở phương Tây. Do đó mà ta có những áng văn chương khóc chồng lâm ly, không kể tác phẩm Chinh phụ ngâm tả nỗi đau xa chồng. Điển hình là hai tác phẩm, một thuộc thời phong kiến (Ai tư vãn của công chúa Ngọc Hân), một vào thời kỳ đầu ảnh hưởng Tây học (Khúc thu hận của bà Tương Phố).
Trong Lịch sử và tuyển tập văn học Việt Nam tiếng Pháp (Paris, 2008), học giả Lê Thành Khôi đánh giá Ai tư vãn giản dị hơn, đẹp hơn, cảm động hơn hai tác phẩm cùng thời là Tây Hồ tụng của Nguyễn Huy Lượng và Chiến tụng Tây Hồ của Phạm Thái.
Bài vãn ca Ai tư vãn (1792) có 164 câu thơ Nôm viết theo thể song thất lục bát nên âm điệu như tiếng khóc nức nở. Công chúa kể lại một cuộc tình duyên đẹp cho đến khi vua Quang Trung qua đời, nói lên nỗi đau khổ của người vợ và ca ngợi một người anh hùng có công với nước. Nàng không nỡ chết theo chồng vì phải nuôi hai con thơ:
Hơn một trăm năm sau, bà Tương Phố khóc chồng trong bài Khúc thu hận (1931) vào thời Pháp thuộc. Đó là thời điểm chữ quốc ngữ đã thay hẳn Hán - Nôm, văn chương lãng mạn đề cao cái tôi (ảnh hưởng văn hoá Pháp) đang nhen nhóm trào lưu Thơ Mới. Bà Tương Phố, nữ giáo viên lấy chồng là y sĩ đi du học ở Pháp. Chờ đợi 3 năm, khi chồng về đến Huế, chưa kịp gặp vợ con thì bị bệnh chết. Nỗi buồn khôn giải của người cô phụ trẻ gắn với mùa thu, mang tính hiện đại và cái buồn lãng mạn của thế hệ trí thức đương thời. Tuy vậy, Khúc thu hận cũng không xa dòng cổ điển Chinh phụ ngâm là bao:
Chắc hẳn phụ nữ Việt Nam làm thơ khóc chồng trước đây và bây giờ không phải là hiếm. Bản thân tôi cũng biết vài trường hợp đàn bà goá làm thơ khóc chồng để giải nỗi sầu riêng. Thí dụ trường hợp bà Nguyễn Thị Bính làm thơ khóc chồng là kỹ sư Đặng Phúc Thông - Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính đầu tiên của Chính phủ Cụ Hồ, sau con cái đưa in vào cuốn sách xuất bản về Đặng Phúc Thông (2011). Lời thơ chất phác nhưng giàu cảm xúc:
Tôi sẽ trao đổi những suy nghĩ này với ông bạn soạn giả tuyển thơ Pháp!...
Hữu Ngọc