Theo Y học cổ truyền, hoa cúc có hai loại, trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn và hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn; đi vào ba kinh phế, can, thận; có tác dụng tán phong thấp, giáng hỏa giải độc.
Dùng hoa cúc để chữa cảm mạo trúng phong mà sinh ra hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt, đinh nhọt…
Hiện nay trong dân gian dùng hoa cúc để làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, tăng huyết áp, sốt.
Liều dùng 10 - 15g dưới dạng thuốc sắc, ngoài ra còn dùng để ướp trà hay ngâm rượu uống.
1. 3 nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi uống trà hoa cúc
1.1. Dùng quá nhiều hoa cúc: Trà hoa cúc có chứa một lượng lớn vitamin, các loại dầu dễ bay hơi, flavonoid, acid amin, inulin và các thành phần khác. Những thành phần này có tác dụng thanh hỏa rất tốt, đặc biệt đối với người gan hỏa mạnh.
Uống một ít trà hoa cúc một cách thích hợp có thể cải thiện sức khỏe, cải thiện các chứng bệnh như táo bón, nước tiểu đỏ vàng, loét miệng, giảm thị lực...
Tuy nhiên, khi dùng trà hoa cúc, chúng ta thông thường chỉ được dùng 10 -15g trong ngày. Nếu dùng quá liều hoặc dùng nhiều lần trong ngày sẽ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và đầy hơi.
1.2. Uống sai cách: Do thời tiết nóng bức, nhiều người đã bỏ trà hoa cúc vào tủ lạnh để uống cho mát mà không biết rằng trà hoa cúc có tính lạnh, nếu uống nguội hoặc uống lạnh sẽ gây ra tiêu chảy.
Ngoài ra, nhiều người pha một ấm trà hoa cúc lớn một lần và uống tiếp vào ngày hôm sau. Điều đó làm cho các hoạt chất của hoa cúc thay đổi, hàm lượng vitamin C và giá trị dinh dưỡng cũng giảm đi. Vì vậy sau khi uống sẽ khiến lá lách và dạ dày bị kích thích, gây tiêu chảy nhiều lần.
1.3. Uống hoa cúc thời gian dài: Khi thời tiết quá nóng hoặc nóng trong người, nên dùng trà hoa cúc trong một, hai ngày để giảm nóng cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu uống trà hoa cúc thời gian kéo dài sẽ khiến cơ thể tích tụ khí hàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của lá lách và dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài ra, một số người dị ứng với trà hoa cúc khi uống vào có thể bị tiêu chảy.
2. Những người nào không nên uống trà hoa cúc?
2.1. Người tiêu hóa kém: Đối với những người tiêu hóa kém không nên uống trà hoa cúc, vì chức năng dạ dày tiêu hóa, chức năng lá lách vận chuyển nước kém nên dễ gây ra khó tiêu, tiêu chảy. Một khi uống vào sẽ khiến tình trạng suy nhược của lá lách và dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến tiêu chảy.
2.2. Người bị dị ứng: Đối với những người bị dị ứng thì không nên uống trà hoa cúc, sẽ có thể kéo theo tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
2.3. Người cao tuổi: Trà hoa cúc có khả năng kiểm soát huyết áp và hàm lượng cholesterol. Tuy nhiên, dạ dày của người cao tuổi tương đối kém nên loại trà này có thể gây rối loại tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy.
2.4. Huyết áp thấp: Trà hoa cúc có thể gây hạ huyết áp. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo rằng, người bị bệnh huyết áp thấp không nên sử dụng trà hoa cúc trong quá trình sử dụng các loại thuốc ổn định huyết áp.2.5. Phụ nữ đang mang thai: Trà hoa cúc có tính chất hàn, do đó có thể khiến cơ thể bị lạnh, đặc biệt là bà bầu. Trà hoa cúc có thể khiến phụ nữ mang thai bị giảm hệ miễn dịch, tỳ vị hư yếu. Không những vậy còn gây ra triệu chứng khó chịu, đầy hơi, chướng bụng. Bên cạnh đó, trà hoa cúc còn ảnh hưởng đến thai nhi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dùng hoa cúc phòng ngừa tăng huyết áp thế nào?