Những ai dễ bị phình mạch não?

24-08-2012 07:28 | Phòng mạch online
google news

Phình mạch não (Aneurysm) là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Bệnh có thể gây xuất huyết khoang dưới nhện, tụ máu não, tổn thương não, liệt, hôn mê hay tử vong.

(SKDS) - Phình mạch não (Aneurysm) là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Bệnh có thể gây xuất huyết khoang dưới nhện, tụ máu não, tổn thương não, liệt, hôn mê hay tử vong.

Những người dễ bị bệnh

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phình mạch não khoảng 5% dân số, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, riêng vỡ phình mạch hay gặp nhất ở lứa tuổi 50-60, nữ có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nam. Đến nay, cơ chế chính xác gây nên túi phình động mạch vẫn chưa được hiểu một cách cặn kẽ. Trước đây, người ta cho rằng do khiếm khuyết bẩm sinh ở thành mạch gây phình.
 
Hiện nay, người ta thấy rằng sự hình thành túi phình là một quá trình thoái hóa mạch não, trong đó có các yếu tố liên quan đến bệnh như: tuổi càng cao càng bị bệnh nhiều; hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ làm cho mắc bệnh rất cao; bị xơ vữa mạch máu làm suy thành mạch dễ bị phình; bệnh tăng huyết áp dễ gây phình mạch não; người uống nhiều rượu; người nghiện ma túy; bệnh nhân bị chấn thương hoặc tổn thương mạch máu; biến chứng từ một số loại bệnh nhiễm khuẩn máu.
 Sơ đồ tổn thương phình mạch não.

Biến chứng do xuất huyết dưới nhện

Các biến chứng do xuất huyết dưới nhện có thể gồm: co thắt mạch não, do khi máu chảy từ túi phình bị vỡ sẽ tiếp xúc với mạch máu bình thường gây kích thích dẫn đến co thắt mạch máu. Nếu co thắt mạch nặng làm thiếu máu não sẽ dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong. Co thắt mạch não dễ xảy ra từ ngày thứ 7-10 sau khi vỡ túi phình, kéo dài tới 2-3 tuần. Não úng thủy do máu từ túi phình vỡ vào não thất, làm tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy dẫn đến ứ trệ dịch não tủy và gây nên não úng thủy. Hậu quả là áp lực trong sọ sẽ tăng lên, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng khác là phù não, động kinh, hội chứng tăng tiết ADH bất thường (SIADH), phù phổi do thần kinh, các rối loạn tim mạch.

Lựa chọn điều trị

Mục tiêu cấp thiết của việc xử lý bệnh nhân bị vỡ phình mạch não là ngăn chặn xuất huyết lần 2, chảy máu lại giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật nặng lên đến 60-80%. Một nghiên cứu cho biết, nguy cơ chảy máu lại khoảng 1,5% mỗi ngày, 20% vào cuối tuần thứ 2 và là 50-60% vào cuối 6 tháng.

Hiện nay có 2 phương pháp điều trị là phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch hay đặt coil (dây xoắn). Phẫu thuật kẹp túi phình mạch não sử dụng kính vi phẫu, nhiều clip (kẹp) bằng kim loại để kẹp vào cổ túi phình. Sau đó kiểm tra kết quả bằng cách chụp mạch máu não để xem đã đóng kín túi phình và giữ lưu lượng máu não bình thường hay chưa. Can thiệp nội mạch hay dây xoắn là thủ thuật dùng một ống thông luồn qua động mạch đùi ở bẹn và được đưa cẩn thận lên não. Bằng cách đưa một dây xoắn vào túi phình mạch từ bên trong, làm tắc nghẽn lòng mạch nên máu không chảy vào túi phình, ngăn chặn việc vỡ lại túi phình lần thứ 2. Các tổn thương do lần đầu xuất huyết cần phải điều trị nội khoa giúp bệnh nhân hồi phục các thương tổn và ngăn ngừa các biến chứng phát sinh sau này.

Để phòng ngừa co thắt mạch, cần sử dụng nimodipine trong 21 ngày, bệnh nhân cần được truyền nhiều dịch và giữ ổn định huyết áp.

Quá trình hồi phục sau khi vỡ túi phình khác nhau giữa các bệnh nhân, phụ thuộc và mức độ tổn thương trong lần vỡ phình mạch não đầu tiên. Nếu bệnh nhân bị tổn thương nặng từ đầu thì tiên lượng nặng. Trường hợp tổn thương ban đầu nhẹ và điều trị kịp thời thì bệnh nhân mau hồi phục. Tuy nhiên, quá trình hồi phục phải từ vài tháng đến trên một năm.
 

Triệu chứng báo hiệu và cấp cứu

Túi phình mạch não thường có hai loại triệu chứng: một là các triệu chứng từ khi có túi phình đến trước khi bị vỡ; hai là triệu chứng sau khi vỡ túi phình. Tuy nhiên vẫn có một số người dù bị túi phình mạch não nhưng vẫn không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ. Dấu hiệu quý báu nhất là triệu chứng báo hiệu trước khi bị vỡ túi phình. Có khoảng 30-60% bệnh nhân thấy "đau đầu cảnh báo" từ nhiều ngày đến nhiều tuần trước khi vỡ túi phình.
 
Vì vậy, giai đoạn này mà phát hiện triệu chứng cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện khám nhằm phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tại chỗ túi phình, thành mạch máu trở nên mỏng và yếu hơn. Do thành mạch quá mỏng nên dễ vỡ. Nếu vỡ phình máu tràn vào khoang ở xung quanh não, gọi là khoang dưới màng nhện gây nên xuất huyết khoang dưới nhện. Máu có thể tràn vào dịch não tủy hoặc vào nhu mô não gây nên tụ máu trong não. Khi đó có thể gây tổn thương hoặc phá hủy các tế bào não. Nếu vỡ phình nặng, tình trạng xuất huyết có thể gây tổn thương não, liệt, hôn mê và tử vong.
 
Túi phình thường bị vỡ đột ngột, tại thời điểm vỡ túi phình mạch não bệnh nhân thường có các triệu chứng như sau: đột ngột đau đầu dữ dội, cảm giác đau như bị dao đâm; cứng cổ; buồn nôn và nôn thực sự; mờ mắt và rối loạn lời nói; tê và yếu một phần cơ thể; có thể có co giật; nhạy cảm với ánh sáng; mất ý thức. Các triệu chứng này là rất nguy cấp, bệnh nhân cần được đưa vào viện cấp cứu ngay.
 
Ðể chẩn đoán túi phình mạch não, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não. Ðối với bệnh nhân tự nhiên đột ngột đau đầu dữ dội là khi túi phình vỡ, chảy máu xảy ra ở trong khoang dưới màng nhện, lúc đó chụp cắt lớp não sẽ phát hiện được tổn thương này. Vị trí máu dưới màng nhện trên phim CT có thể cho biết vị trí túi phình. Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) là kỹ thuật tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán phình mạch não.
 
Chụp động mạch não xác định được kích thước, hình ảnh và vị trí chính xác của túi phình. Chụp CT mạch máu não (CTA) có thể phát hiện tới 97% các túi phình mạch não. Chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp MR mạch máu (MRA) giúp dựng hình não trong không gian 3 chiều. Chụp MRA có thể phát hiện túi phình mạch não với độ nhạy 87% và độ đặc hiệu là 92%.

ThS.Nguyễn Mạnh Hà


Ý kiến của bạn