Những ai cần bổ sung vitamin?

12-10-2024 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vitamin là chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Cơ thể chúng ta không thể tự tạo ra vitamin, vì vậy phải bổ sung vitamin qua chế độ ăn uống. Vậy những ai cần bổ sung vitamin?

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), vitamin có thể tan trong chất béo hoặc tan trong nước.

- Các vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E và K được lưu trữ trong mô mỡ, gan và cơ của cơ thể, vì vậy chúng được hấp thụ tốt hơn khi dùng cùng với thực phẩm béo.

- Vitamin tan trong nước không được lưu trữ trong cơ thể, do đó lượng dư thừa thường được bài tiết qua nước tiểu.

Có 13 loại vitamin được coi là "thiết yếu". Những chất này bao gồm vitamin A, C, D, E, K và các vitamin nhóm B (thiamine, riboflavin, niacin, axit pantothenic, biotin, B6, B12 và folate). Đối với hầu hết mọi người, chế độ ăn uống cân bằng là đủ để đáp ứng nhu cầu vitamin hàng ngày.

Vitamin A dễ dàng hấp thụ được thông qua chế độ ăn uống cân bằng, vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm thông thường và hầu hết mọi người đều hấp thụ đủ vitamin C nếu ăn trái cây, rau quả như cam, dâu tây, ớt chuông. Tuy nhiên, một số người không nhận đủ vitamin từ nguồn thực phẩm, cần bổ sung.

Vitamin tay người đàn ông

Có 13 loại vitamin được coi là "thiết yếu" với cơ thể.

1. Đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin 

Sự thiếu hụt một số loại vitamin có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Ví dụ, vitamin A giúp duy trì thị lực tốt. Trẻ em không bổ sung đủ lượng vitamin A sẽ có nguy cơ bị mù. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D hỗ trợ sức khỏe xương và chức năng miễn dịch, nên những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể dễ mắc các bệnh về xương như loãng xương hơn.

Vitamin B12 rất cần thiết cho quá trình sản xuất tế bào hồng cầu và chức năng thần kinh. Folate hỗ trợ tổng hợp DNA và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh (dị tật bẩm sinh ở não, cột sống hoặc tủy sống), do đó, phụ nữ cần bổ sung đủ lượng folate trước và trong thời kỳ đầu mang thai.

Người phụ nữ uống thuốc

Nhu cầu bổ sung của mỗi cá nhân sẽ khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe…

Nhu cầu bổ sung của mỗi cá nhân sẽ khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống, vấn đề hấp thu và thiếu hụt chất dinh dưỡng… Một số nhóm có thể có nhu cầu bổ sung vitamin nhiều hơn những nhóm khác, ví dụ:

- Mặc dù chế độ ăn thuần chay có thể đáp ứng nhiều nhu cầu dinh dưỡng, nhưng có một số loại vitamin nhất định, chẳng hạn như vitamin B12 và vitamin D, có thể cần được chú ý nhiều hơn.

- Những người cần tránh một số loại thực phẩm do dị ứng hoặc không dung nạp cũng có thể cần bổ sung.

- Những người mắc một số bệnh về đường tiêu hóa như bệnh Celiac, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, có thể bị suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin tan trong chất béo.

- Bệnh gan cũng có thể làm suy yếu khả năng dự trữ một số vitamin của cơ thể, đặc biệt là những loại vitamin tan trong chất béo.

- Bệnh thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của một số loại vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Người phụ nữ đang dùng thuốc bổ sung

Chất lượng và độ an toàn của các loại thực phẩm bổ sung có thể khác nhau rất nhiều vì chúng không được quản lý chặt chẽ như thuốc.

- Các vận động viên có khối lượng tập luyện cao cũng có thể cần thêm vitamin để hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng và sức khỏe xương.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung. Chỉ cần làm một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho bạn biết có thể có bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cụ thể nào hay không, để bổ sung cho hợp lý.

2. Cần đảm bảo bổ sung vitamin an toàn

Các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K có thể tích tụ trong cơ thể và dẫn đến ngộ độc nếu dùng quá nhiều. Các vitamin tan trong nước (như vitamin B và C) thường được bài tiết ra ngoài nếu dùng quá liều, nhưng liều lượng lớn vẫn có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Bên cạnh đó cần chú ý đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Do không được quản lý chặt chẽ như thuốc nên có sự khác biệt về lượng chất dinh dưỡng được liệt kê trên nhãn, cũng như nguy cơ nhiễm bẩn… Do đó, nên chọn những thương hiệu và sản phẩm có uy tín.

Chỉ bổ sung lượng vitamin D cần thiết nếu xét nghiệm xác nhận tình trạng thiếu hụt. Sẽ rất nguy hiểm nếu nồng độ vitamin D duy trì ở mức cao trong thời gian dài vì lượng quá nhiều có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả sỏi thận.

Ngoài ra, cần phải nhận thức được bất kỳ tương tác tiềm ẩn nào giữa vitamin và các loại thuốc khác… Ví dụ, tương tác thuốc xảy ra khi các vitamin như vitamin K làm giảm hiệu quả của thuốc làm loãng máu hoặc canxi, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ kháng sinh.

Để bổ sung vitamin được an toàn, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung mới nào.

Mời độc giả xem thêm:

Bổ sung vitamin B có giúp giảm rụng tóc ở phụ nữ?Bổ sung vitamin B có giúp giảm rụng tóc ở phụ nữ?

SKĐS - Rụng tóc rất thường gặp ở phụ nữ và do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có thiếu hụt chất dinh dưỡng vitamin B. Vậy bổ sung vitamin B có giúp giảm rụng tóc?


DS. Hoàng Thu
Ý kiến của bạn