(SKDS) - Magie là một yếu tố thiết yếu mà cơ thể bạn cần để thực hiện hầu hết các hoạt động cơ bản. Nó giúp duy trì một hệ cơ ổn định và duy trì chức năng của các dây thần kinh. Nhu cầu magie ở mỗi lứa tuổi là khác nhau và cần bổ sung đúng cách.
Những dấu hiệu của thiếu hụt magie
Các triệu chứng thiếu hụt magie có thể rất đa dạng. Những biểu hiện thường thấy là: Cơ yếu, bị run rẩy và đau thắt; loạn nhịp tim hay tim đập nhanh; thiếu cân bằng đường máu; đau đầu; tăng huyết áp; tăng cân; suy nhược cơ thể; buồn nôn, chóng mặt; chán ăn
Những ai có nguy cơ bị thiếu hụt Magie?
Người có bệnh về đường tiêu hóa: Những người có đường ruột dễ bị kích ứng hấp thu kém hơn những người khác.
Người hay bị nôn hay tiêu chảy: Phản ứng nôn và tiêu chảy sẽ “tháo” hết lượng magie được tích trữ trong cơ thể ra và cơ thể lại phải nhờ đến khả năng của hệ tiêu hóa để hấp thu lại.
Người đang trong quá trình điều trị thuốc: Các thuốc lợi tiểu, kháng sinh và các thuốc đặc trị khiến cho khả năng hấp thụ khoáng chất của hệ thống tiêu hóa bị hạn chế.
Đậu nành là thực phẩm giàu magie. Ảnh: H.Thu |
Người bệnh đái tháo đường
sẽ đi tiểu nhiều hơn những người khác. Khi đó magie sẽ bị “trôi” ra khỏi cơ thể theo đường tiểu, càng đi tiểu nhiều thì lượng magie mất càng nhiều.
Người có mức Kali và canxi trong máu thấp. Những chất dinh dưỡng và khoáng chất kết hợp cùng nhau hài hòa trong cơ thể. Nếu bạn đang thiếu cả kali và canxi, thì bạn cũng đang có nguy cơ bị thiếu Magie.
Người cao tuổi: Hoạt động tiêu hóa thay đổi theo tuổi tác, khi bạn càng nhiều tuổi thì hệ thống tiêu hóa càng dễ “có vấn đề”. Như một hệ quả, người cao tuổi luôn có nguy cơ bị thiếu hụt nhiều hơn người trẻ tuổi.
Lượng magie cần nạp hàng ngày
Trẻ sơ sinh (0 - 6 tháng): 30mg/ngày (lúc này magie được cung cấp qua sữa mẹ nên người mẹ phải tăng cường ăn nhiều thực phẩm có chứa magie)
Trẻ em (7 - 11 tháng tuổi): 75mg/ngày
Trẻ em (1- 3 tuổi): 80mg/ngày
Trẻ em (4 - 8 tuổi): 130mg/ngày
Trẻ em (9 - 13 tuổi): 240mg/ngày
Thanh niên (14 - 18 tuổi): 360 - 410mg/ngày
Nam giới (19 - 30 tuổi): 400mg/ngày
Nam giới (31 tuổi trở lên): 420 mg/ngày
Nữ giới (19 - 30 tuổi): 310 mg/ngày
Nữ giới (31 tuổi trở lên): 320 mg/ngày
Hàm lượng magie trong một số loại thực phẩm
Ngũ cốc: chứa 250 - 500mg magie/100g, cacao: 465mg magie/100g, hoa quả khô: từ 130 - 250mg magie/100g, socola: 110mg magie/100g, bánh mì: 80g magie/100g, hoa quả tươi: 10 - 50mg magie/100g, rau quả nấu chín: 50mg magiê/100g…
Magie có mặt trong nhiều loại thức ăn khác nhau: các loại rau lá có màu sẫm như rau ngót, cải xanh, rau mùng tơi...; Trong thịt, sữa, kê, đậu tương, lạc, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm; trong một số trái cây như chuối, quả bơ, quả mơ khô; trong nước cứng, nước khoáng.
Tuy nhiên bổ sung quá nhiều khoáng chất này sẽ gây nên ngộ độc, thường thì đây là hậu quả của việc uống bổ sung thêm hoặc dùng thuốc. Dấu hiệu của ngộ độc là: tình trạng lơ mơ - gà gật, mệt mỏi ốm yếu và bị tiêu chảy. Ngoài ra, khi có biểu hiện thiếu magie thì nên đến gặp bác sĩ để có được lời khuyên.
Bác sĩ Yến Thủy