Nhuệ Giang vẫn... tắc

06-06-2018 11:44 AM | Xã hội

SKĐS - Sông Nhuệ thời hoàng kim từng trong xanh, tàu thuyền đi lại tấp nập. Những người dân nay là trung niên đều cho biết thời thanh niên họ từng xuống tắm táp, dạo thuyền trên dòng sông lãng mạn.

Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, con sông quan trọng trong việc thoát lũ, tưới tiêu cho hơn 10 quận nội, ngoại thành Hà Nội chẳng khác nào một con kênh, dòng nước đen ngòm. Lội xuống lòng sông Nhuệ đoạn chảy qua xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), cảm giác ngộp thở bởi các công trình nhà tạm và kiên cố đang “nuốt” không gian của sông. Có điều lạ là không ít hộ dân khi được hỏi đã cãi lý: “Chúng tôi đã ở đây từ năm 1980. Đương nhiên có quyền sinh sống!?”. Ông Tưởng Văn Chúc - Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa khẳng định: Tất cả các công trình xây dựng tạm bợ dọc bờ sông Nhuệ trên địa bàn đều vi phạm hành lang bảo vệ sông, chiểu theo Luật Đất đai đều thuộc diện lấn chiếm. Ông Chúc cũng chia sẻ câu chuyện, từ chục năm trước, có hơn chục hộ dân xây dựng nhà trong làng, đến gặp chính quyền mượn đất rìa sông làm nhà ở tạm, nhưng sau khi được tạo điều kiện, các hộ dân xây nhà xong, chính quyền yêu cầu trả lại hiện trạng đất thì họ chây ỳ không muốn trả.

Cảnh tượng lấn chiếm sông Nhuệ diễn ra nhiều năm.

Cảnh tượng lấn chiếm sông Nhuệ diễn ra nhiều năm.

Cũng theo ông Chúc, từ đầu năm 2017 đến đầu 2018, các ban, ngành đoàn thể của xã đã phối hợp, tuyên truyền tháo dỡ được 20 công trình. Song, đó vẫn là con số quá nhỏ so với hơn 200 công trình lấn sông.

Thực tế tại xã Tả Thanh Oai, tình trạng nhức nhối cũng diễn ra nhiều năm với 369 trường hợp lấn sông, chưa kể các hộ phát sinh, “giằng co” với chính quyền xã bằng cách nay đập mai dựng hoặc đập đằng trước lấn đằng sau. Nhiều hộ dân và chính quyền xã cho biết, đây là vấn đề do “lịch sử để lại”, nhiều năm chưa xử lý dứt điểm. Không ít hộ thừa nhận do đời cha ông lấn đất làm nhà tạm, hứa sẽ chấp hành việc di dời, nhưng còn nghe ngóng, chờ các hộ xung quanh tháo dỡ mới chấp hành. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết: “Những hộ có sổ đỏ hoặc có hiển thị trên bản đồ năm 1994 thì chúng tôi sẽ để từ từ xin ý kiến chỉ đạo, còn các trường hợp khác dần dần phải tuyên truyền tháo dỡ”.

Theo tìm hiểu, từ các năm 1995, 2008, 2011, TP. Hà Nội đều có những chiến lược giải tỏa các công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Tuy nhiên, việc thực thi không triệt để, chỉ một số ít trường hợp bị xử lý nên khi chiến lược lắng xuống, người dân lại tái lấn chiếm và sông Nhuệ đã chẳng những không được cứu mà hiện tượng xả rác thải, phế thải công trình xây dựng còn làm dòng sông thêm nghẹn ứ. Hay như năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”. Năm 2009, Chính phủ tiếp tục có Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy để tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung của Đề án trên. Song, việc triển khai đã không mấy hiệu quả, phía các địa phương gần như lâm vào bế tắc.

Tại Quyết định 5168/QĐ-UBND, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng giao cho các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình. Thế nhưng, Dự án kè bờ sông Nhuệ đã được triển khai từ năm 2015 nhưng hết sức chậm chạp, các địa phương còn lúng túng, buông lỏng quản lý.


Dương Khánh Thảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH