Nhức nhối vi phạm tác quyền âm nhạc

06-03-2017 07:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Làng nhạc Việt thời gian qua nhiều ca sĩ vẫn thường “quên” xin phép tác giả hoặc mua bản quyền ca khúc trước khi thể hiện ca khúc đó.

Làng nhạc Việt thời gian qua nhiều ca sĩ vẫn thường “quên” xin phép tác giả hoặc mua bản quyền ca khúc trước khi thể hiện ca khúc đó. Điều này vi phạm luật bản quyền tác giả và nhiều ca sĩ đã bị lên án mạnh mẽ. Mới đây, nữ ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện bài hát  Anh thì không cũng chưa xin phép tác giả viết lời Việt - nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và qua đây cho thấy chuyện tác quyền âm nhạc ở nước ta vẫn còn nhiều nhức nhối...

Vô tư hát, “quên” chuyện tác quyền

Không khó để chỉ ra những vụ vi phạm tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc ở nước ta thời gian qua. Sự việc của ca sĩ Mỹ Tâm gần đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ca sĩ hát ca khúc của người khác mà “quên” xin phép tác giả. Cuối tháng 1/2017, Mỹ Tâm đã tung MV Anh thì không lên trang Youtube, chỉ sau 3 tuần phát hành, MV Anh thì không đã thu hút 3 triệu lượt xem, MV được đánh giá có số người xem kỷ lục của giới ca sĩ. Tuy nhiên, khi biết MV Anh thì không phát hành trên mạng, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng - chủ nhân lời Việt (nhạc Pháp có tên gọi Toi Jamais) do Mỹ Tâm thể hiện và làm MV cho biết, Mỹ Tâm chưa xin phép cũng như chưa đóng tác quyền để sử dụng ca khúc Anh thì không vào việc thu âm và quay MV. Bức xúc vì đây không phải lần đầu tiên Mỹ Tâm vô tư hát nhạc của mình (trước đó là ca khúc Búp bê không tình yêu), nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đề nghị Mỹ Tâm gỡ bỏ MV Anh thì không khỏi trang Youtube và đề nghị nữ ca sĩ này “từ nay không nên hát nhạc của tôi nữa!”.

Nhức nhối vi phạm tác quyền âm nhạc

Sau khi bị tố vi phạm tác quyền, ca sĩ Mỹ Tâm (bên phải) đã gỡ bỏ MV Anh thì không trên trang Youtube.

Ngay sau đó, ca sĩ Mỹ Tâm đã chia sẻ trên trang cá nhân và báo giới đúng là khi hát và thực hiện MV Anh thì không cô đã chưa xin phép, trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Ca sĩ Mỹ Tâm cũng đã gửi lời xin lỗi chân tình đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và thừa nhận cô là người sai trong chuyện này. “Tại vì từ ngày nhỏ đến lớn, Tâm đã nghe bài này nên cứ nghĩ rằng bài này xưa quá rồi. Xong rồi Tâm cứ làm mà chẳng để ý đến tác quyền” - ca sĩ Mỹ Tâm bày tỏ. Cũng rất cầu thị và có cách ứng xử khôn khéo, ca sĩ Mỹ Tâm lập tức dỡ MV Anh thì không khỏi trang Youtube. Hành động này của Mỹ Tâm dù hơi muộn màng nhưng được nhiều người ủng hộ, bởi nữ ca sĩ thấy sai đã sửa chứ không “cố đấm ăn xôi” để tiếp tục dẫn đến những tranh cãi, lùm xùm trong dư luận.

Ngược dòng thời gian, công chúng từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự của ca sĩ Mỹ Tâm kể trên. Trong chương trình The Remix - Hòa âm ánh sáng, ca khúc Người đàn bà hóa đá do đội của nữ ca sĩ Tóc Tiên thể hiện cũng chưa xin phép tác giả, để rồi chủ nhân của bài hát - nhạc sĩ Trần Lập (1974 - 2016) đã phải lên tiếng “nhắc nhở”. Sau đó, giám đốc sản xuất âm nhạc của chương trình The Remix đã thay mặt cả ê-kíp xin lỗi nhạc sĩ Trần Lập và mong nhạc sĩ thông cảm bỏ qua sai sót. Bên cạnh đó, có lần ca sĩ Tuấn Hưng và nhạc sĩ Khắc Việt phải lên tiếng khi ca khúc Tìm lại bầu trời được sử dụng tại cuộc thi Nhân tố bí ẩn mà Ban Tổ chức không xin phép tác giả. Trong khá nhiều cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình, những ca khúc độc quyền của các ca sĩ cũng bị “đánh cắp” và “xài chùa” nhan nhản: ca sĩ Thảo Trang (ca khúc Nơi ấy bình yên),  Hải Yến (Những ngày yêu như mơ), ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm (Chạy mưa)...

Vì đâu nên nỗi?

Tình trạng ca sĩ, nghệ sĩ... sử dụng nhạc phẩm của tác giả hoặc ca khúc độc quyền ở nước ta mà không xin phép, không trả tiền tác quyền như những trường hợp nói trên đã không còn mới, nhưng dù đã được nhắc đến và tốn nhiều giấy mực báo chí song đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là sự thật nhãn tiền khiến nhiều người phải bận tâm và muộn phiền. Dẫn đến sự việc này có nhiều nguyên nhân nhưng theo giới làm nghề thì ý thức, trách nhiệm của một số ca sĩ, nhạc sĩ trong lĩnh vực tác quyền còn chưa cao. Tất cả đều “tiền trảm hậu tấu”, khi chuyện đã rồi thì người sai phạm mới đăng đàn xin lỗi, mong tác giả hoặc người hâm mộ thông cảm. Khi tác giả nhận thấy người khác có hành vi ăn cắp hoặc “xài chùa” sản phẩm trí tuệ của mình thì lại không đi đến cùng, không nhờ pháp luật hoặc cơ quan bảo vệ quyền tác giả vào cuộc để làm rõ trắng đen. Vì thế, đây là một trong những tác nhân dẫn tới vi phạm tác quyền âm nhạc ở nước ta bấy lâu.

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từng cho biết, hơn 10 năm nay ít có vụ việc xâm phạm bản quyền các ca khúc độc quyền được đưa ra giải quyết công khai, cũng như chưa khởi kiện bất kỳ tổ chức, cá nhân vi phạm nào. Trong khi đó, từ năm 2015, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với chức năng và nhiệm vụ của mình đã tiến hành rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm trên mạng xã hội như Youtube, Facebook... và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, yêu cầu dỡ bỏ nếu không thực hiện quyền tác giả... Việc làm này đã thu về hàng trăm triệu đồng cho các tác giả, đảm bảo tính công bằng và đúng với giá trị mà tác giả đã bỏ chất xám để có một sản phẩm nghệ thuật.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn