Nhức nhối vấn nạn hàng nhái, hàng giả 

09-04-2021 09:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc về buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, nhất là trên môi trường mạng ngày càng phức tạp, tinh vi. Tình trạng hàng giả, hàng nhái bày bán công khai tại một số địa bàn, tụ điểm vẫn tiếp tục diễn ra. Điều đáng nói, ngay cả các trung tâm mua sắm lớn, cao cấp, nổi tiếng cũng có những chiêu trò “hô biến” hàng giả thành hàng thật, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.

Mới đây, lực lượng liên ngành đã phát hiện cơ sở kinh doanh đang chứa trữ hàng nghìn sản phẩm giày dép giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam, tại phố Thạch Cầu, Long Biên. Đáng chú ý, các kho hàng bị phanh phui kể trên đều hoạt động chủ yếu bằng hình thức bán online trên mạng xã hội facebook và qua nền tảng thương mại điện tử Lazada, Shopee... Tại thời điểm kiểm tra, một lượng lớn hàng hóa đều đã được đóng gói, dán mã vận đơn để chuẩn bị giao cho đơn vị vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh buôn bán hàng giả là thường di chuyển, đổi vị trí kho hàng liên tục nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Các kho hàng giả thường ngụy trang hoặc đóng cửa 24/24, chỉ khi có người giao hàng đến lấy hàng mới mở cửa để chuyển đồ, giao đi cho khách. Điều đó khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý.

Nhức nhối vấn nạn hàng nhái, hàng giả Lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng.

Hay đơn cử như vụ việc lực lượng QLTT Hà Nội bắt giữ hơn 2.000 sản phẩm pin dự phòng giả mạo nhãn hiệu Samsung tại một cơ sở kinh doanh ở Khu đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội vừa qua. Cục QLTT Hà Nội đánh giá là một hoạt động kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu rất tinh vi. Cụ thể, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Samsung được ngụy trang và đựng trong các vỏ hộp bình thường không có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Nếu như quá trình kiểm tra không kỹ, không sâu sát sẽ rất khó phát hiện hành vi vi phạm. Dù lực lượng QLTT cùng các lực lượng chức năng khác đã xóa sổ nhiều cơ sở, xưởng sản xuất hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Uniqlo, The North Face, LV, Chanel... nhưng tình trạng vi phạm hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường...

Thậm chí, các đối tượng vi phạm còn thuê các địa điểm khuất tầm kiểm tra của lực lượng chức năng để “hành nghề”. Ngày 30/3 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho hàng giả “khổng lồ” nằm khuất trong một con ngõ tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Kho hàng này chứa hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, sách truyện... Toàn bộ số hàng đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Điển hình, gần đây nhất, sáng ngày 6/4/2021, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm T&T Á Châu tại Sóc Sơn, Hà Nội. Thời điểm lực lượng chức năng ập đến kiểm tra, các công nhân tại xưởng sản xuất đang làm việc bình thường. Tại hiện trường, Đội QLTT số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc môtơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

Để diệt tận gốc hàng giả cần có sự phối hợp, đồng lòng của các cơ quan chức năng, người dân, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Đây là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

 


Phương Trà
Ý kiến của bạn