Hà Nội

Nhức nhối tội phạm buôn bán người

29-10-2014 10:00 | Thời sự
google news

Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng trở nên nghiêm trọng và tinh vi.

Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng trở nên nghiêm trọng và tinh vi. Đặc biệt, vấn nạn này đang trở nên nhức nhối hơn khi những nạn nhân bị chúng lừa bán đang có xu hướng trẻ hóa.

Đủ các thủ đoạn, chiêu lừa

Đã nhiều ngày trôi qua, em Lò Thị O. (16 tuổi, trú tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên, Lai Châu) vẫn chưa hết sợ hãi sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Chỉ vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, O và em họ là Lò Thị P. (13 tuổi) đã bị một đối tượng tự xưng là Dũng làm quen, tán tỉnh qua điện thoại rủ đi chơi. Lợi dụng các em không biết đường, hắn cùng đồng bọn dùng vũ lực khống chế và bán sang Trung Quốc. Bị nhốt tại một khu lán tập trung, O. liều mình bỏ trốn; may mắn gặp người tốt trình báo Công an Trung Quốc nên em được giải cứu trở về.

Nhóm đối tượng mua bán người bị lực lượng biên phòng tỉnh Lào Cai triệt phá, bắt giữ.

Trước đó, sự việc đau lòng xảy ra với gia đình anh chị Lường Văn H. và Lò Thị T. (ở xã Phúc Than, huyện Than Uyên, Lai Châu) khi hai cô con gái sinh đôi (Lường Thị X. và Lường Thị Nh. (đều 14 tuổi) đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Cụ thể, vào cuối tháng 3/2014, hai chị em và 1 bạn gái cùng lớp bị một đối tượng giả danh là thầy giáo lừa đưa đi thi Hội khỏe Phù đổng trên tỉnh rồi “bặt vô âm tín”. 2 tháng sau, ngày 24/5, gia đình anh nhận được tin báo từ Đồn Biên phòng huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận cháu Lường Thị Nh được Biên phòng Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giải cứu mới biết cả ba cháu đều bị bọn buôn người bán sang Trung Quốc.

Đặc biệt, theo cơ quan công an cho biết, các đối tượng tội phạm mua bán người có những chiêu lừa khó ai có thể ngờ tới như đối tượng Giàng Seo Vu, trú tại xã Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) đã sang tận Hà Giang giả vờ yêu rồi dẫn người nhà đến hỏi cưới cô gái trẻ ở huyện Xín Mận. Khi cả hai họ đã yên tâm về chàng rể quý thì gã này dẫn cô dâu sắp cưới sang bán bên Trung Quốc. Hoặc như đối tượng Phàn Vần Xà, 25 tuổi, trú tại xã Thắng Mố (Yên Minh, Hà Giang) thì cùng đồng bọn lừa bán các cô gái trẻ sang các động mại dâm bên Trung Quốc, sau đó dụ các cô trốn ra, rồi giả làm “người hùng cứu mỹ nhân”, bán tiếp các cô vào sâu bên trong nội địa. Với cách thức này, gã đã lừa bán được 6 cô gái sang Trung Quốc.

Còn đó những ảo vọng đổi đời

Theo số liệu của ngành chức năng, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam xảy ra hàng trăm vụ mua bán phụ nữ, trẻ em. 60% số nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại sang các nước khác. Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước phát hiện 301 vụ mua bán người - tăng 42 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy diễn biến của tình trạng mua bán người đang khá phức tạp. Bên cạnh đó, trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, các cơ quan chức năng luôn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng nông thôn còn thấp; nhận thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình không đúng đắn, nhắm mắt chạy theo ảo vọng về một cuộc sống huy hoàng mà không cần phải tốn nhiều mồ hôi, công sức, vì thế dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Khi sự việc xảy ra, do mặc cảm, xấu hổ, nhiều nạn nhân và gia đình không chịu báo cho chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng biết. Mặc dù trong thời gian qua, ngành công an và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức cảnh giác về tội phạm mua bán người, các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên đưa tin, cảnh báo về những trường hợp cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị sát hại ở nước ngoài…, thế nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ giấc mộng đổi đời bằng các cuộc hôn nhân với người nước ngoài vì mục đích vật chất.

Đại úy Phạm Văn Năm - Đội trưởng Đội phòng chống buôn bán người và TNXH, Phòng CSĐTTP và TTXH Công an tỉnh Lào Cai cho biết, các đối tượng hoạt động phạm tội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội và thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Các đối tượng buôn bán người lợi dụng vào phong tục tập quán, thuận lợi của tuyến đường biên thường xuyên đưa phụ nữ và trẻ em sang buôn bán. Mặt khác, phần nhiều nạn nhân có trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lười lao động nhưng lại có mong muốn đổi đời. Do đó, các đối tượng phạm tội đã lợi dụng tình trạng này để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này không những gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân dân mà còn gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra… Không những vậy, đây còn là nguyên nhân chính gây mất an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh giáp biên.

T. Phong – H.Tuấn

 


Ý kiến của bạn