Nhức nhối tình trạng người lao động thành “con tin” giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp

08-04-2016 21:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại cuộc gặp gỡ báo chí mới đây của BHXH Việt Nam, ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, trong năm 2015...

Tại cuộc gặp gỡ báo chí mới đây của BHXH Việt Nam, ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thông tin, trong năm 2015, ngành BHXH Việt Nam đã khởi kiện 7.111 đơn vị với số tiền nợ BHXH là 3.029 tỉ đồng. Số tiền thu được chỉ là 817 tỉ đồng (chiếm hơn 30%), gồm: 632 tỉ đồng từ các đơn vị xin hòa giải và chủ động tự nộp, 185 tỉ đồng từ công tác thi hành án. Số tiền còn lại khả năng khó xử lý được. Trong số doanh nghiệp nợ BHXH, khoảng 3.300 doanh nghiệp bị khởi kiện và không có khả năng thu hồi tiền. Cơ quan BHXH đã có nhiều nỗ lực để truy thu nhưng thực tế các hành vi vi phạm không thuyên giảm…

Theo ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam, điểm nhức nhối nhất của công tác thu BHXH là tình trạng nợ còn cao. Đặc biệt, tình trạng 160 chủ doanh nghiệp (DN) nước ngoài bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho khoảng 4.000 lao động đã diễn ra hơn 6 năm nay…

“DN chỉ đi thuê nhà xưởng, hợp đồng lao động và sổ BHXH DN giữ. Khi họ không đóng sau 1 tháng, cơ quan BHXH tới kiểm tra thì không còn gì. Trong khi đó, cơ chế liên thông với hải quan chưa được rõ. Chúng tôi không nắm được việc chủ DN bao giờ ra vào Việt Nam” - ông Trần Đình Liệu giải thích thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc họp mới đây về vấn đề nợ đọng BHXH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đã rất bức xúc cho rằng: Có tình trạng một số DN bán chui nhà xưởng và tài sản để trốn nợ BHXH. DN cũ “biến mất”, còn DN mới thì chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH của người lao động. Từ đó, người lao động vẫn trở thành “con tin” giữa cơ quan BHXH với DN. DN bị cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa, nhưng việc thi hành án không khả thi vì DN chỉ còn là cái “xác”.

Được biết, BHXH Việt Nam đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ về tình trạng này. Tuy nhiên, tìm ra một cơ chế để giải quyết dứt điểm rất khó. “Đặc biệt là việc xác định thời gian và số tiền đã đóng của người lao động tại DN để qua đó chốt sổ BHXH. Bởi DN bỏ trốn không còn lưu giữ giấy tờ gì” - ông Trần Đình Liệu nói

Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho rằng nguyên nhân nợ đọng BHXH lớn như hiện nay có từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của DN chưa cao. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo Nghị định 95/2013 còn chưa nhiều và chưa đủ sức răn đe; công tác hậu kiểm và khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa còn nhiều vướng mắc do DN  sau khi thanh tra, kiểm tra, xử phạt không liên lạc với cơ quan BHXH hoặc không còn khả năng thanh toán nợ BHXH. Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa, nhưng hành vi vi phạm BHXH không giảm. Có những vụ tòa đã xử nhưng không thể thi hành án vì DN không còn tài sản. Cần có biện pháp quyết liệt hơn, như yêu cầu cơ quan công an khởi tố hình sự các DN chây ỳ không thực hiện BHXH, có số nợ BHXH lớn.

Tại Hội nghị Sơ kết chương trình Giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật BHXH năm 2015 do Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và Thanh tra Chính phủ diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đề xuất: Ngành BHXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu thêm các kiến nghị có tính hệ thống về các giải pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động ở DN không thu được BHXH. Đặc biệt, cần tính tới cả những ràng buộc với DN mới thành lập phải đảm bảo thực hiện đóng BHXH cho người lao động. Trong năm 2016, 5 cơ quan phải chọn từ 2-3 trường hợp DN có vi phạm pháp luật về BHXH điển hình để khởi kiện ra tòa, xử lý hình sự và sẽ theo đến cùng để răn đe nhằm tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật về BHXH đối với các DN, bảo vệ quyền lợi người lao động.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn