Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, hiện tượng học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lào hiện nay diễn ra công khai. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh mặc áo đồng phục hút thuốc ở nơi công cộng, các quán trà đá vỉa hè, các khu dân cư gần trường học. Để tránh con mắt của mọi người, nhiều học sinh còn không mặc áo đồng phục khi hút thuốc.
Em N.H.H., học sinh lớp 9 tại một trường THCS (Yên Bái) cho biết, thường bắt gặp một nhóm học sinh tụ tập ở giờ ra chơi hoặc sau giờ tan học ở bãi đất trống gần trường để cùng nhau hút thuốc lá điện tử. Khi thấy người lạ đến thì đám đông này sẽ giãn ra và coi như không có chuyện gì xảy ra. Hành động của nhóm học sinh đến nay chưa bị các thầy cô hay phụ huynh phát hiện.
Em H.H.M., một học sinh THPT tại Hà Nội chia sẻ: "Dù biết việc hút thuốc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân và những người xung quanh, nhưng nhiều bạn vẫn hút thuốc như là để thể hiện cái "tôi" của mình. Và khi bắt gặp các bạn hút thuốc thì gần như học sinh chúng em không dám lên tiếng, bởi có thể sẽ gây xích mích không hay".
Cha mẹ biết con hút thuốc nhưng… "bất lực"
Không ít những bậc cha mẹ đã phải "đứng hình" khi bất ngờ phát hiện việc con hút thuốc. Khoảng cách thế hệ khiến nhiều bậc cha mẹ lúng túng trong việc ứng xử với con và giúp con tránh xa "cám dỗ". Nhiều phụ huynh tâm sự, khi biết con mình hút thuốc, sau cảm giác bất ngờ họ sẽ chuyển sang cảm xúc cáu giận và cuối cùng nhiều khi đành phải kết thúc bằng sự "bất lực".
Chị N.H.G. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên chị phát hiện ra con trai mình hút thuốc lá là khi con học lớp 10, trong một lần vô ý mở cửa phòng của con.
"Lúc đó là học kỳ I lớp 10, tức là việc hút thuốc có thể đã có từ trước. Lần đó tôi vô ý mở cửa phòng của con để hút bụi, thì thấy con đang ngồi hút thuốc trên bàn học. Nhà tôi là gia đình gia giáo, từ thế hệ ông bà đều không có ai rượu chè hay hút thuốc, nên khi thấy con trai đang hút thuốc tôi bất ngờ đến mức không thể thốt nên lời", chị G. chia sẻ.
Cũng theo chị G., từ sau lần bắt gặp con hút thuốc, chị đã nhiều lần nói chuyện với con, con hứa sẽ bỏ thuốc, nhưng chị biết con chỉ "bỏ thuốc trước mặt chị", sau lưng vẫn lén hút cùng đám bạn. Dù đã phải nhờ đến cả cô giáo, ông bà nói chuyện với con, nhưng đến nay sau 4 năm con chị từ lén lút đã công khai hút trước mặt cả gia đình. Chị G. đành ngậm ngùi chấp nhận dù lòng chẳng thể vui.
Đồng cảnh ngộ, nhưng chị N.T.T.Q. (Hoài Đức, Hà Nội) còn cảm thấy choáng váng hơn khi phát hiện con gái hút thuốc lá từ hình ảnh một người bạn gửi cho.
Chị Q. cho hay, cách đây gần một năm khi chị đang làm việc tại cơ quan như thường ngày thì nhận được tin nhắn của một người bạn gửi. Mở tin nhắn ra chị không khỏi choáng váng, khi thấy hình ảnh con gái mình cùng đám bạn đang tụ tập trong một quán trà sữa để hút thuốc.
"Một nhóm gồm cả nam và nữ ngồi trong quán trà sữa để hút thuốc là hình ảnh khiến tôi không thể nào quên. Toàn những gương mặt xinh đẹp, còn non nớt như vậy mà lại thay nhau phì phèo điếu thuốc lá. Thực sự lúc đó tôi chỉ muốn gọi con về rồi lao ngay về nhà đánh cho một trận. Nhưng may sao tôi lại bình tâm được để suy nghĩ. Tối hôm đó sau giờ cơm, tôi vào phòng con để nói chuyện, thật may mắn con tôi đã hiểu và không bị sa đà…", chị Q. tâm sự.
Theo TTƯT, ThS.BS Quan Văn Hùng – nguyên Chủ nhiệm khoa Ung thư, Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM, có khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm ở nước ta (hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày). Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Tại hội thi sáng kiến truyền thông "Gia đình có sức khỏe, không có khói thuốc" do Bộ Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Riêng đối với tỷ lệ hút thuốc trong học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%).
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn nêu rõ: Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao. Đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ, trong đó có các em học sinh.
Nước ta có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá thấp so với nam giới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha, tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng gia tăng nhanh chóng, kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi. Vì vậy, công tác phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ phụ nữ trẻ em khỏi tác hại của thuốc lá là việc làm hết sức cần thiết.