Nhức nhối thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán

13-01-2023 15:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...

Nhức nhối các vụ buôn lậu thực phẩm bẩn

Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm tăng lên, nạn buôn lậu thịt, nội tạng, các sản phẩm chế biến từ nông sản thực phẩm cũng gia tăng đến mức báo động. Cơ quan chức năng đã liên tiếp vào cuộc, kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn.

Điển hình như ngày 9/1/2023, đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - CATP Hà Nội phối hợp cùng Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 1 tấn nầm lợn có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.

Sau khi tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa tại trước số nhà 158 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải dứa, bên ngoài có in nhãn mác bằng tiếng nước ngoài. Đấu tranh khai thác tại chỗ, chủ số hàng là Trịnh Văn Chung Công (SN 1995, thường trú tại tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật.

Nhức nhối các vụ thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hàng tấn nầm lợn có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.

Chủ hàng khai nhận, số nội tạng động vật này được thu mua trổi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội thì bị phát hiện và thu giữ.

Hay mới đây, vào chiều 24/12/2022, đội 4 - Phòng CSMT phối hợp cùng đội 2 Cục QLTT Hà Nội, Công an phường Đồng Xuân - Hoàn Kiếm cũng đã kiểm tra tại cơ sở kinh doanh động vật tại 46 Trần Nhật Duật, do ông Nguyễn Bật Tuyền (SN 1985, quê ở Nhuế Dương, Khoái Châu, Hưng Yên) làm chủ, thu giữ nửa tấn nầm lợn không có hóa đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng đang trong tình trạng phân hủy, bốc mùi hôi thối, nấm mốc.

Đối tượng khai nhận số nầm lợn được thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó, bán lại cho các quán ăn, lẩu nướng tại Hà Nội để kiếm lời. Tổ công tác đã tiến hành thu giữ toàn bộ hàng hóa liên quan và tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Đầu giờ chiều ngày 12/12/2022, Đội 4 - Phòng CSMT phối hợp với Đội QLTT số 7 - Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại 20BT2, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội). Quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ của chủ cơ sở kinh doanh là Trần Quỳnh Châm (SN: 1991, thường trú tại BT3-21, B42,B57 Tổng cục V - BCA, xã Tân Triều) 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chiều 1/12/2022, Đội 4 - Phòng CSMT cũng phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm và Đội QLTT số 22 – Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện khoảng 1 tấn cánh gà và ức vịt đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Nhức nhối các vụ thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Phòng CSMT Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị kiểm tra, xử lý

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là ông Vũ Văn Định thừa nhận tất cả số thực phẩm nhập từ trên mạng, thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lẻ cho các nhà hàng quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động tinh vi, công tác kiểm tra, xử lý gặp khó khăn

Thông tin từ Phòng CSMT Hà Nội, tính đến ngày 14/12/2022, CATP Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra, phối hợp kiểm tra 3.572 vụ việc liên quan đến thực phẩm. Chuyển cơ quan điều tra 04 vụ, trong đó khởi tố 01 vụ theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, 01 vụ xử phạt vi phạm hành chính, 01 vụ đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Trung Tá Nguyễn Thành Trung - Phó đội trưởng Đội 4 - Phòng CSMT - CATP Hà Nội cho biết, các cơ sở kinh doanh ngoài việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa là lương thực thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP thì còn thường có các vi phạm khác như: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP cho người lao động; không đeo găng tay, bảo hộ lao động, không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều….

"Thời điểm sát Tết là thời điểm căng thẳng nhất về vấn đề vệ sinh ATTP. Chúng tôi phải thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị, năm nay tập trung kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về nội tạng động vật (nầm lợn; tràng, trứng gà non…), các loại đồ uống như rượu thủ công, các loại bánh kẹo… Công tác kiểm tra, xử lý khá khó khăn bởi các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Thường vận chuyển lén lút vào ban đêm hoặc sáng sớm, thời điểm lực lượng chức năng nghỉ ngơi; cất giấu thực phẩm, hàng hóa tại những địa điểm mà lực lượng chức năng khó ngờ đến…", Phó đội trưởng Đội 4 cho biết.

Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua và sử dụng sẽ tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không chấp hành đầy đủ quy định về điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng...

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

6 Loại Thực Phẩm Bạn Nên Ăn Để Có Hàm Răng Khỏe Mạnh - SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn