không được làm chặt. Hậu quả là nạn khai thác cát trái phép diễn ra triền miên, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng, đồng thời tình hình an ninh trật tự cũng không được bảo đảm.
Đại công trường
Chỉ một khúc sông Lô chảy qua địa phận huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), còn bên kia là huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) mà có tới hàng trăm tàu thuyền đang hút cát. Đứng quan sát ở một góc sông thuộc khu Dương Thọ - xã Đức Bác (huyện Sông Lô), chúng tôi nhận thấy tàu thuyền vẫn “cày” suốt ngày. Anh Nguyễn Mạnh Phức cho biết: “Người ta cứ hút sâu xuống, sâu bao nhiêu chẳng ai kiểm tra. Kết quả là bãi bồi cát sẽ sụt xuống. Sụt rồi lại bị hút. Tàu cát cứ ăn dần vào bờ bãi trồng hoa màu của người dân. Kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. Tiến sát ra bờ sông với khuôn mặt bần thần khi một khối đất bãi vừa sụt xuống, anh Phức xót xa: “Tàu thuyền hút cát đông như trảy hội thế này chẳng mấy chốc các bãi ngô hai bên bờ sẽ bị “nuốt” chửng!”.
Đại công trường khai thác cát trái phép trên sông.
Chung nỗi buồn với anh Phức, một người dân hớt hải cho biết thêm: “Dưới xã Đôn Nhân, nước vừa làm ụp kè đầu tư gần 20 tỉ đồng cơ”. Anh này dẫn tôi men theo con đê, qua các xã Cao Phong, Tứ Yên, Phương Khoan, Bạch Lưu, Đôn Nhân… với tổng chiều dài sông Lô chảy qua huyện Sông Lô là 28km, chỗ nào cũng thấy tàu cuốc hoạt động.
Vậy trách nhiệm của chính quyền ở đâu, vì sao có chuyện người dân lo lắng kiến nghị, vẫn cố gắng vác đơn đi kêu gọi bảo vệ sông, bãi bồi nhưng chỉ nhận được câu nói: “Đây là vấn đề không đơn giản”? Trả lời câu hỏi này, ông Dương Tiến Liên - trước đây là Trưởng công an xã, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Yên giãi bày: “Cát tặc lộng hành, người dân kiến nghị thì các đối tượng lạ mặt còn đánh dân và người dân sợ bị trả thù. Đầu năm 2017 còn xảy ra một trận hỗn chiến. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên, từ đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấm các doanh nghiệp khai thác đêm, chỉ cho hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày! Lực lượng công an xã cũng túc trực, nắm tình hình, nhắc nhở tàu thuyền chấp hành. Chúng tôi cũng đã nỗ lực, nhưng rất khó bởi lực lượng khai thác lớn lắm!”.
Để rộng nguồn thông tin, chúng tôi đến tìm hiểu tại các khu dân cư bên bờ sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cảm giác rờn rợn cũng ập đến khi thấy dưới lòng sông tàu múc cát, trên các bờ bãi người dân vẫn gắng gỏi sản xuất. Ông Hoàng Văn Hùng - người dân Long Châu (xã Vĩnh Phú, Phù Ninh) cho hay: “Cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm dừng khai thác phần thuộc sự quản lý của tỉnh Phú Thọ, nhưng tàu do bên Vĩnh Phúc cấp phép vẫn sang bên này hút trộm cát. Người dân phải cắt cử người canh giữ để bảo vệ bờ bãi làm kế sinh nhai. Nhiều xã khác cũng bị cuốn mất hoa màu ở bãi bồi”.
Nhìn nhận đây là vấn đề khó, phức tạp, gây mất an ninh trật tự địa phương, ông Hoàng Công Đạo - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú cho biết lĩnh vực này vượt xa tầm của xã. Ông Đạo thốt lên: “Cơ quan chức năng hai tỉnh nên có sự phối hợp xử lý dứt khoát. Tàu nào được cấp phép phải ghi mã, đăng ký phương tiện khai thác. Cát tặc thì phải dẹp hẳn, không thể để cả đại công trường hoạt động rầm rầm thế này mà việc hút cát ở độ sâu bao nhiêu không ai kiểm soát hết”.
Ông Đạo cũng chia sẻ, đầu năm 2017, người dân thôn Long Châu đã tổ chức bắt và đốt một tàu khai thác cát. Nay con tàu đó vẫn được neo ở đất Long Châu, có lực lượng công an trông giữ chờ giải quyết. “Nhưng còn một nỗi khác là thôn Long Châu nằm sát sông với hơn 200 hộ. Hoạt động khai thác cát đã diễn ra 8 năm qua rồi. Trong làng đã có những vết nứt to rồi! Chúng tôi và người dân lo lắng không chỉ an ninh trật tự mà còn cả vấn đề đê điều, đất đai bị ảnh hưởng”, ông Đạo bức xúc.
Khai thác cát triền miên khiến bờ sông sạt lở rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến đất đai, đê điều ven sông.
Siết chặt quản lý hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh trật tự
Tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi đã bị lên án và đến nay, tình hình trên các tuyến sông Hồng đi qua tỉnh Vĩnh Phúc, các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (TP. Hà Nội); huyện Tam Nông, TP. Việt Trì (Phú Thọ) hay sông Đuống qua địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh… vẫn “nóng”.
Mang những nỗi bức xúc của các cơ sở lên gặp lãnh đạo huyện Sông Lô, ông Hoàng Đức Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên-môi trường (TN-MT) cho biết: Việc cấp phép là do UBND tỉnh. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên tỉnh. Theo ông Dũng, hiện nay, trên địa bàn có 8 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Dù có quy định về diện tích của mỗi được vị được cấp phép, trữ lượng cát cũng được đánh giá, song các đơn vị không đăng ký phương tiện khai thác, không có mốc giới các điểm được cấp phép nên khó khăn xử lý vi phạm.
Nạn khai thác bừa bãi, chưa kiểm soát tốt dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể tại xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô) đầu năm 2017 đã bị “nuốt” hơn 6.000m2 đất “bờ xôi ruộng mật”, được xác định do nạn khai thác cát bừa bãi liên tục nhiều năm. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực kiểm soát tình hình. Từ năm 2014 đến cuối 2016, lực lượng Công an Vĩnh Phúc đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ khai thác cát sỏi trái phép, tịch thu hơn 10 phương tiện tàu, thuyền, công nông. Đại diện Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến sông Lô có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự do một số đối tượng khai thác trái phép hoạt động.
Trước tình hình ấy, ngày 18/5/2017, ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng xốc lại công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, đồng thời cũng yêu cầu các huyện, thị, xã chú trọng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác để bảo vệ môi trường, đất đai, xử lý vi phạm…
Chiếc tàu khai thác bị người dân giữ chờ giải quyết.
UBND tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy thực hiện tuần tra trên tuyến sông Lô, kiểm tra việc chấp hành của các đơn vị được cấp phép khai thác, đồng thời điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân làm sạt lở đất, sạt lở kè, phá vỡ kết cấu kè trên sông. Đặc biệt, ngày 10/6/2017, phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ phương tiện tàu cuốc số đăng ký TQ - 0816 có hành vi khai thác cát trái phép trên tuyến sông Lô thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh với huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Qua tìm hiểu, tỉnh Phú Thọ có 3 tuyến sông do Trung ương quản lý là sông Đà, sông Lô và sông Hồng với tổng chiều dài 227,8km. Ngoài ra, còn một số sông nhỏ khác. Thời gian gần đây, nhận thấy tình hình khai thác cát sỏi trên các tuyến sông có những diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đã ra kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến sông Lô. Từ tháng 12/2016 đến nay, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ khai thác cát trái phép, trong đó tập trung chủ yếu trên tuyến sông Hồng.
Là người lo lắng trước những nguy cơ và diễn biến bất thường của thời tiết, đồng thời do tác động trực tiếp của hoạt động khai thác cát gây ra, ông Nguyễn Tiến Phú - Chủ tịch UBND xã Phương Khoan (huyện Sông Lô) cho hay: “Bây giờ, tình hình còn đỡ chứ 2 năm trước, cát tặc hoành hành ghê lắm. Cơ quan chức năng cần có chiến lược lâu dài chứ cứ để cho khai thác, dù là có phép hay không phép thì cát cũng hết”.
Lúc này có nên điều chỉnh quy hoạch khai thác hay không, biện pháp nào giúp hoạt động khai thác cát trên các dòng sông đi vào quy củ? Câu hỏi này cần có một câu trả lời thỏa đáng, đáp ứng với niềm mong mỏi của hàng vạn người dân hai bên bờ sông Lô.
Tôi trở lại với những người dân cày ruộng cạnh những cỗ máy khai thác cát ở xã Đôn Nhân (Sông Lô), họ bần thần: “Sông lở, sông đang giận. Vậy ai sẽ là người giúp các bờ bãi hoa màu tồn tại nếu không phải là các cơ quan chức năng?”.