Như đã phản ánh trong bài viết "Nhức nhối tình trạng học sinh hút thuốc lá từ thành thị đến nông thôn", hiện tượng học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lào hiện nay vẫn đang được diễn ra công khai. Không chỉ ở những khu vực thành thị, mà khói thuốc lá đã len lỏi đến cả những khu vực nông thôn hay miền núi.
Không ít những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi học sinh khi sử dụng thuốc lá hay thuốc lá thể hệ mới… Nhiều bậc cha mẹ "sốc" khi phát hiện con hút thuốc nhưng vẫn loay hoay không biết phải làm sao để ứng xử và giúp con thoát khỏi cám dỗ… Vậy dưới góc nhìn từ phía nhà trường và các chuyên gia, cần phải có những biện pháp gì để đẩy lùi tình trạng nêu trên?
Cần triệt tiêu nguồn cung thuốc lá, thuốc lá điện tử
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Hoàng Kim Ninh – Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện tình trạng học sinh hút thuốc diễn ra rất phổ biến. Không chỉ ở học sinh THPT mà các em học sinh THCS cũng đã "tập tành" hút thuốc, không chỉ là thuốc lá thường, mà hiện nay thuốc lá điện tử cũng đang tràn ngập trong "góc tối" của học sinh.
Theo ông Hoàng Kim Ninh, nguyên nhân của vấn đề này là do những sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lào được bày bán khá công khai, học sinh có thể dễ dàng mua được. Công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động của toàn hệ thống xã hội chưa được thực hiện đầy đủ, khiến các em học sinh dễ dàng sa đà vào cám dỗ.
"Ngoài việc thường xuyên có những buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá hay thuốc lá thế hệ mới cho các em học sinh, thì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là điều không thể thiếu. Hơn nữa, để ngăn chặn triệt để thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, ngăn chặn việc sản xuất và kinh doanh những mặt hàng nguy hiểm này", Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, hiện nay các hàng quán ở xung quanh trường bán rất nhiều thuốc lá hay thuốc lá điện tử. Học sinh có thể dễ dàng mua được những loại thuốc độc hại này mà không gặp phải bất cứ trở ngại gì.
Cũng theo bà Thúy, mặc dù mới ở lứa tuổi học sinh THCS, nhưng tại trường cũng đã phát hiện ra một số trường hợp các em học sinh hút thuốc lá. Và để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện, thì việc ngăn chăn nguồn cung là điều vô cùng cần thiết.
"Nếu việc mua thuốc lá hay thuốc lá điện tử là không thể với các em học sinh, thì chắc chắn việc hút thuốc cũng khó có thể xảy ra. Cần ngăn chặn tình trạng các hàng quán công khai bán thuốc cho học sinh một cách triệt để, để làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng", Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Phong Sắc bày tỏ.
Cha mẹ cần nâng cao giáo dục ý thức đạo đức và kỹ năng cho con để tránh xa thuốc lá
Theo chuyên gia giáo dục TS. Vũ Thu Hương, hiện nay các con không thể nào tìm nổi một môi trường thực sự trong sạch, không bao giờ gặp các nguy cơ, chính vì thế các con chỉ có thể tự mình phòng tránh, khi cần thì tự phát hiện và ứng phó kịp thời.
Thuốc lá hay thuốc lá điện tử cũng chỉ là một nguy cơ chứ không phải là duy nhất, vậy nên dạy con về các nguy cơ là điều vô cùng cùng cần thiết.
Với thuốc lá hay thuốc lá điện tử, dựa trên các thông tin khoa học nghiêm túc, cha mẹ và con cần cùng tìm hiểu kĩ càng các vấn đề: Thuốc lá điện tử là gì, thuốc lá thường là gì; Sự khác biệt của thuốc lá và thuốc lá điện tử; Các loại hóa chất có thể được sử dụng trong thuốc lá điện tử; Các tác hại của thuốc lá thường, thuốc lá điện tử; Hình dáng thuốc lá điện tử; Các nguồn cung cấp thuốc lá và thuốc điện tử trong trường học; Thảo luận với con về các cách phát hiện và ứng phó khi bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử.
"Phương pháp là bố mẹ dựng lên các kịch bản dụ dỗ khác nhau và cho con ứng xử xem có ổn không. Làm liên tục trong vài lần là các con sẽ có kĩ năng nhận diện và ứng phó kịp thời khi bị dụ dỗ.
Ngoài ra, các con cần các hoạt động nhiều hơn. Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động khác của cuộc sống như trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng... Khi đó, các con sẽ giảm quan tâm đến các trò nguy hiểm", TS. Vũ Thu Hương phân tích.
Điều 26, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, quy định về mức phạt tiền đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Mức phạt tiền đối với hành vi trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tức là từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng).