Cảnh sát Malaysia thông báo đã phát hiện 139 hố chôn tập thể cùng với 28 lán trại. Tất cả đều nằm trong khu vực hẻo lánh nằm sát cạnh biên giới với Thái Lan. Người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar đã đưa ra nhiều thông tin chi tiết liên quan tới những phát hiện mới nhất về các hố chôn tập thể có thể là nơi chôn cất xác dân nhập cư Bangladesh và Rohingya Myanmar.
Nạn buôn người đang trở thành một mối đe dọa cho châu Á.
Ông Khalid Abu Bakar cho biết, chính quyền đã phát hiện 139 hố chôn tập thể, song chưa biết chi tiết số lượng xác trong mỗi hố. Các lán trại đã phát hiện có khả năng chứa khoảng vài trăm người. Khu lán trại lớn nhất có thể chứa tới 300 người nhập cư, một khu khác chừng 100 người và các khu còn lại có sức chứa khoảng 20 người. Chính quyền Malaysia hiện đang khai quật xác chết để khám nghiệm. Vẫn theo quan chức này, các lán trại và hố chôn tập thể được tìm thấy nằm tại một vùng hẻo lánh ở phía Bắc Malaysia, đi lại rất khó khăn do địa hình hiểm trở và rừng rậm. Ông từ chối đưa ra bình luận làm thế nào mà một số lượng lớn các lán trại được dựng lên mà chính quyền không hay biết và liệu có tình trạng tham nhũng trong vấn đề này không. Những phát hiện này khẳng định lần nữa quy mô và tính chất nghiêm trọng của tình trạng buôn người tại Đông Nam Á.
Tại Thái Lan, sau lần phát hiện các hố chôn người đầu tiên vào đầu tháng 5 vừa qua, chính quyền Bangkok đã quyết định nghiêm trị vấn nạn này. Các đường dây buôn người rơi vào tình trạng mất tổ chức và hàng ngàn người đã bị những kẻ dẫn đường bỏ rơi ngoài khơi. Làn sóng tị nạn ở Đông Nam Á đang làm công luận quốc tế xúc động chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cả một hệ thống buôn người từ kẻ dẫn mối, ngư phủ Bangladesh cho đến quan chức chính quyền Thái Lan lợi dụng tình cảnh bất hạnh của đồng loại để làm giàu. Nếu chính quyền quân sự Thái Lan không vì áp lực ra tay trấn áp nạn nhập cư bất hợp pháp có lẽ công luận quốc tế sẽ vẫn mơ hồ về tệ nạn buôn người ở Đông Nam Á. Theo tổ chức nhân quyền Freeland, hỗ trợ cảnh sát Thái điều tra nạn buôn người, mỗi chiếc tàu chở 400 thuyền nhân mang về cho đường dây xã hội đen 800.000 đô-la. Một khi đến được miền Nam Thái Lan, những di dân xuống tàu từ miền Tây Myanmar hoặc từ bờ biển Bangladesh bị đưa vào rừng tạm trú, trong khi chờ đợi gia đình trả thêm từ 2.000-3.000 đô-la để được tự do. Nếu không, họ sẽ bị bán cho các nhà máy hay nông trại ở Malaysia và Thái Lan.
Hàng ngàn di dân ước mơ tìm được công ăn việc làm đã bị đường dây buôn người giam giữ nhiều tháng có khi hàng năm trong những lán trại thô sơ, bị đánh đập, bị bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc mạng. Dựa theo lời khai của các nạn nhân và các tổ chức nhân quyền, ít nhất 250.000 người Bangladesh và Rohingya Myanmar đã rơi vào đường dây nô lệ mới từ năm 2007 đến nay.
Nạn buôn người đang trở thành một mối đe dọa cho châu Á và đem lại món tiền lên đến 2 tỉ đô-la mỗi năm cho các nhóm tội phạm. Đó là báo cáo được Văn phòng Liên hợp quốc chống ma túy và tội phạm tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương vừa đưa ra. Ông Jeremy Douglas - đại diện cho văn phòng nói rằng, càng ngày càng có nhiều người thuê bọn buôn người để vượt biên vì hiện nay việc thông thương ở châu Á trở nên dễ dàng hơn nhờ vào các dự án cơ sở hạ tầng cũng như các quốc gia mở cửa biên giới nhiều hơn.
Báo cáo ghi nhận là nhiều người ở khu vực Đông Nam Á trả tiền cho bọn buôn lậu để mong tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các quốc gia phát triển, nhưng cuối cùng lại bị bọn gian lợi dụng. Số tiền trả cho bọn chúng trên mỗi đầu người được dự đoán lên đến 50 ngàn đô-la.
Văn phòng Liên hợp quốc kết luận rằng, không thể chống lại vấn nạn này một cách đơn giản mà việc này đòi hỏi các quốc gia trong vùng phải có những biện pháp đồng bộ như tăng cường hiệu lực của pháp luật, kiểm tra vùng biên giới, bảo vệ quyền của người di dân.
(Theo The Nation, AFP)
Quỳnh Diệp