Nhức nhối nạn buôn người ở cao nguyên Đá

06-12-2015 14:09 | Pháp luật
google news

SKĐS - Với mối lợi tiền bạc, bọn buôn người luôn tìm cách đưa các phụ nữ, em gái tuổi mới lớn vượt biên. Sự việc đã và đang gây ra biết bao nỗi đau cho bà con dân tộc thiểu số các tỉnh vùng cao, đặc biệt là Hà Giang. Trong khi đó, đời sống người dân còn nghèo nhưng lại hồn nhiên, thật thà nên dễ trở thành nạn nhân. Nhiều chuyên đã tập trung triệt phá các đường dây lớn, nhưng vấn nạn vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ám ảnh vùng cao

Những xóm làng hoang vắng và lo sợ, những em bé ngơ ngác vì mất mẹ khiến dư luận bất bình. Lẽ ra mọi người đều có thể sum vầy, sống vui vẻ, nhưng tất cả đã bị một loại tội phạm tước mất: bọn buôn người. Hành vi chống lại quyền con người, xâm phạm phẩm giá, coi con người như một món hàng của bọn chúng đẩy biết bao gia đình vào cảnh khốn cùng. Nhiều trong số bọn chúng đã phải trả giá cho hành động sai trái và độc ác.

Cháu Chảo Văn Chình (huyện Mèo Vạc) được giải cứu.

Ngày 1/9/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Sùng Quáng Sử (sinh năm 1983), ngụ tại xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần (Hà Giang). Mặc dù đã có vợ, nhưng Sử vẫn chịu làm ăn. Dù chị Sùng Thị May là vợ của Sử đã rất chịu khó để tổ ấm được yên ổn, nhưng rồi chính chị cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Điều đó càng khiến Sử buồn rầu chán nản. Đầu năm 2014, Sử đã xuống huyện Quang Bình chơi và gặp chị Làn Thị Hàng, trú tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình. Sử đã lấy chị Hàng làm vợ và cùng về quê Sử sinh sống. Hai người có với nhau được một mặt con, nhưng con chết, chị Hàng lại thường xuyên ốm đau nên đời sống khó khăn. Sử đã vượt biên đi làm thuê, rồi tại đó Sử đã bị bà chủ trồng mía gạ bán vợ. Sau hai lần gạ gẫm, bà chủ đã thuyết phục được Sử bán vợ cho em trai mình. Bà chủ nói: “Mày bán nó cho tao, để thằng em tao nó lấy làm vợ, còn mày được trả 13 triệu đồng để đi lấy vợ khác”. Nghe bùi tai, Sử đồng ý.

Ngày 12/2/2015 Sử về nói với vợ là đưa vợ sang Trung Quốc chữa bệnh. Chị Hàng không một chút nghi ngờ đã đi theo chồng để được chữa bệnh. Tại đó Sử đã bán vợ. Trước tòa, Sử đã khai nhận toàn bộ sự việc. Sử khai: “Bán vợ xong, mấy ngày sau tôi lại đi làm thuê, đến nhà mà tôi đã bán vợ để xin cơm ăn. Lúc đó vợ tôi mới biết”.

Sùng Quáng Sử đã bị kết án 7 năm tù giam, phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị Hàng số tiền 9 triệu đồng. Hiện chị Hàng đã về nhà mẹ đẻ sống nhờ, nhưng nỗi đau vẫn còn chưa dứt. Suốt buổi nói chuyện chị khóc ròng và chẳng dám ngẩng mặt lên. “Mình tin tưởng, theo chồng, vậy mà chồng còn bán cả vợ. Còn gì khủng khiếp hơn thế!”

Một vụ án khác mà Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang mới xử, là Ma Ly Thành trú tại huyện Mèo Vạc đã bán chị Nguyễn Thị Sang trú tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và Hoàng Thị Lĩnh trú tại huyện Thường Tín (Hà Nội) đều là những người làm thuê ở huyện Mèo Vạc. Ma Ly Thành đã nhiều lần xuất cảnh trái phép, tìm cách móc ngoặc để lừa những cô gái trẻ bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Trong đó, nạn nhân Nguyễn Thị Sang đã bị ép làm gái mại dâm hơn một tháng thì được Hoàng Thị Lĩnh (cô gái đang tiếp tục bị lừa) đã kịp thời báo công an và cả hai được giải cứu thành công.

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Nguyễn Thị Khuê.

Trước đó, một chuyên án mà Công an tỉnh Hà Giang chặt đứt đường dây của 5 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân gây xôn xao Hà Giang. Mấu chốt của chuyên án này được gợi mở bắt đầu từ việc con gái ông Sải Chúng Quyết (thôn Tà Chải, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì) là Sải Thị Liêm, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Su Phì đã bị đối tượng Hứa Văn Trưởng lừa bán. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, em Liêm đã quen với Hứa Văn Trưởng trong lần gã này làm thợ xây. Khi Liêm ra thị trấn trọ học thì Trưởng đã có số điện thoại trao đổi và yêu nhau. Mấy ngày sau khi Liêm bị lừa đi, cô gái ở cùng em mới gọi điện về cho gia đình Liêm, nói em đi chơi tối mấy ngày nay chưa về. Ông Quyết đã báo công an. Từ các tin nhắn còn lưu trong máy của Liêm khi cô để quên điện thoại ở phòng trọ. Các trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hà Giang đã phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu dụ dỗ, lừa gạt nữ sinh cấp 3 bán ra nước ngoài và sự mất tích của một số nữ sinh trên địa bàn tỉnh. Phòng PC45 đã thành lập chuyên án đấu tranh và bóc gỡ một đường dây mua bán phụ nữ trẻ em do các đối tượng Hứa Viết Trưởng, Lù Văn Xanh, Đinh Thị Bình, Đinh Thị Lan (cùng sống ở huyện Vị Xuyên) câu kết với đối tượng Vinh Triều Binh (ở Diền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Từ việc bóc gỡ đường dây này, Sải Thị Liêm được giải cứu. Dù đã được giải cứu cách đây ít tháng, nhưng đến giờ Liêm vẫn chưa hết lo sợ về những ngày bị bán vào một động mại dâm. Tổng số các đối tượng phải chịu mức án hơn 100 năm tù.

Công tác đấu tranh còn nhiều gian nan

Không chỉ các cơ quan chức năng, mà chính người dân cũng thừa nhận công tác đấu tranh với bọn tội phạm còn nhiều vấn đề phức tạp. Ông Giàng Thào Chứ ở xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) cho biết: “Trước hết, trình độ người dân còn thấp, đời sống lạc hậu nên họ dễ bị dụ dỗ. Thêm nữa, đường biên dài, bà con sống khuất nẻo lại thiếu kiến thức nên tạo kẽ hở cho bọn tội phạm buôn người hoạt động”.

Băng nhóm của Hứa Văn Trưởng trước vành móng ngựa  (ảnh phải).

Chung quan điểm ấy, đồng thời lo ngại trước những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này, Đại tá Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho rằng, công tác thông tin tình hình tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn gặp nhiều khó khăn, lực lượng phòng chống tội phạm còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác nên cần sâu sát và chủ động hơn trong phối hợp đánh án. “Từ nay đến cuối năm, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Lực lượng công an, biên phòng tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp; Tòa án nhân dân cần phối hợp mở các phiên tòa xét xử lưu động tại địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm, có nguy cơ cao để phục vụ tuyên truyền, răn đe nhằm kiềm chế tội phạm gia tăng”, Đại tá Hầu Văn Lý nhấn mạnh.

Theo số liệu báo cáo tổng kết chương trình hành động phòng, chống mua bán người (2011-2015) của UBND tỉnh Hà Giang, từ năm 2011 đến nay phát hiện 562 phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng; 2.839 phụ nữ bỏ địa bàn không rõ lý do; 192 phụ nữ, 27 trẻ em nghi bị mua bán, chiếm đoạt; trên 68.800 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do; 84 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán người. Lực lượng công an, Biên phòng phối hợp các ban ngành đoàn thể tổ chức tiếp nhận công dân do Công an Trung Quốc trao trả, giải cứu tổng số 1.683 trường hợp. Nhưng còn rất nhiều người “mắc kẹt” chưa được giải cứu, vẫn đang chịu đói khổ thì ai có thể thống kê cho được.

Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn, Phó trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Hà Giang, người có nhiều kinh nghiệm đánh giá, nhìn nhận, đây là vấn nạn quốc tế chứ không riêng gì ở Việt Nam hay Hà Giang. Bọn mua bán người vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới, các đối tượng hoạt động ẩn, công tác giải cứu gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi mong cả xã hội vào cuộc, quyết liệt đánh bạt loại tội phạm này, bởi đây là công việc vô cùng phức tạp gian nan và có ảnh hưởng lâu dài đến an ninh khu vực, đời sống của nạn nhân và gia đình họ”.

Gặp các nạn nhân, những người từng bị lừa đưa ra nước ngoài làm vợ, làm việc vất vả và làm cả gái mại dâm, dẫu sự việc đã qua đi nhưng họ vẫn không thôi sợ hãi. Em Sải Thị Liêm, tâm sự: “Chúng em nhận thấy cần phải cẩn thận trước khi nhận lời yêu và đi chơi với người khác. Những ngày đó, em đã sống thật khổ và chỉ ước được trở về nhà. May mắn là chúng em đã được giải cứu”.

Nạn buôn người đã khiến người dân nghèo, lại thêm nghèo và lo lắng. Không thể chậm trễ hơn, các cơ quan chức năng cần cố gắng hơn trong vấn đề kiềm chế sự gia tăng của tội phạm này, đồng thời giải quyết tốt cho các nạn nhân được hòa nhập, có công ăn việc làm ổn định.


Bài, ảnh: Anh Khoa
Ý kiến của bạn