Nhức nhối Iraq - 10 năm sau cuộc chiến

18-06-2014 08:24 | Quốc tế

Hơn 6.000 tỷ USD chi phí, gần 4.500 sinh mạng binh sĩ, hơn 100.000 sinh mạng dân thường. Đó là những con số sau 10 năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein.

Ngày 19-3-2003, với lý do phá hủy kho vũ khí giết người hàng loạt do chính quyền Saddam Hussein sở hữu, nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho quốc gia “trái tim” của Trung Đông này, Mỹ đem 150.000 binh sĩ cùng với 46.000 lính Anh đến Iraq. Tổng thống Mỹ khi đó, ông George Bush ước tính cuộc chiến sẽ tiêu tốn của nước Mỹ khoảng 60-70 tỷ USD. Theo quyết định của đương kim Tổng thống Barack Obama, tháng 9-2010, Mỹ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu tại Iraq và cuối tháng 12-2011 các lực lượng chiến đấu Mỹ rút hoàn toàn.

 

Ảnh minh họa: CNN

Ảnh minh họa: CNN

 

Nhìn lại cuộc chiến sau 10 năm, sự ổn định, hòa bình và dân chủ ở Iraq vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, khi những gì đang diễn ra vẫn là xung đột và bạo lực. Tại nhiều thành phố, nhất là thủ đô Baghdad, vẫn xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu trong sự bất lực của giới chức an ninh, tình trạng thất nghiệp tăng cao và nền kinh tế trì trệ. Trong khi đó, xung đột sắc tộc giữa ba cộng đồng người Shiite, Sunny và người Kurd trở nên sâu sắc đến mức người ta phải đặt ra câu hỏi liệu có thể đoàn kết dân tộc ở Iraq

Trong những tháng cuối năm 2012, đầu 2013, các cuộc biểu tình của những người Sunny đã bùng phát tại nhiều khu vực trên cả nước Iraq để phản đối chính quyền của Thủ tướng Nuri al-Maliki thuộc cộng đồng người Shiite, cho rằng chính quyền luôn “chĩa mũi dùi” vào cộng đồng Sunny.

Một số bộ trưởng trong chính phủ đã từ chức để phản đối các hành động bạo lực của lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình. Trong khi đó, nhiều thành viên trong chính phủ chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, người Sunny và người Kurd liên tục yêu cầu Thủ tướng al-Maliki từ chức, chỉ trích ông thâu tóm quyền lực, thao túng lực lượng an ninh và để cho tình trạng lập pháp trì trệ những năm qua.

Trước năm 2003, nền kinh tế Iraq vốn đã khó khăn do các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây. Thế nhưng, sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, mặc dù có nguồn thu 100 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu dầu mỏ, tại thủ đô Baghdad hầu như không có tòa nhà dân sự nào được xây mới, thay vào đó là các đồn bốt và trạm gác quân sự. Đa số người dân Iraq cho rằng tình trạng tham nhũng cũng như thất nghiệp ngày càng tồi tệ.

Một cuộc chiến mà Mỹ đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và tổn thất hàng nghìn sinh mạng binh lính, song đến nay ở Iraq vẫn chưa có bóng dáng của hoà bình và ổn định như Mỹ đã tuyên bố khi phát động cuộc chiến. Tổng kết về cuộc chiến Iraq, tờ “Le Monde Diplomatique” của Pháp nhận định: Đó là một thất bại, không chỉ với phương Tây mà còn với chính lợi ích của người Iraq. Cuộc chiến đã khiến hàng trăm nghìn người trở thành nạn nhân, đẩy đất nước Iraq vào bất ổn triền miên, chia rẽ cả về chính trị lẫn tôn giáo.

P. Thùy

 

 


Ý kiến của bạn