Ở một nước nghèo và chậm phát triển như nước ta, sự bùng phát sân gôn nêu trên là không hợp lý và thật đáng kinh ngạc. Nông dân mất nhiều đất đai vào loại bờ xôi ruộng mật. Đây là cơ hội rất tốt để các chủ đầu tư lợi dụng dự án sân gôn để chia lô, bán nền, kinh doanh khách sạn và các dịch vụ vui chơi giải trí, mỗi chủ dự án chiếm đoạt vài trăm tỷ đồng một cách ngon lành! Theo báo cáo của các địa phương và điều tra của các cơ quan báo chí, các địa phương đứng đầu bảng về số sân gôn là Hà Nội: 18 sân gôn; Thành phố Hồ Chí Minh: 13; Long An là tỉnh nghèo mà cũng... xài tới 18 sân gôn! Tỉnh Tiền Giang: lãnh đạo địa phương trao cả cù lao Thới Sơn rộng 1.200ha cho nhà đầu tư, trong đó có công trình trọng điểm là làm sân gôn, dồn 6.000 dân, trường học và trạm y tế vào cái đuôi cù lao - gọi là khu tái định cư chỉ có 3ha! Nhưng theo tin gần đây, tỉnh này đã quyết định dừng triển khai dự án làm sân gôn này bởi lấy đi 390ha đất nông nghiệp là quá lớn. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 sân gôn: sân Tam Đảo 12 lỗ, diện tích 137ha; sân Đầm Vạc (TP. Vĩnh Yên) ban đầu có 50ha, nay lên tới 126ha; sân Đại Lải 19 lỗ, diện tích 298,8ha, nằm sát sân gôn Minh Chí (Sóc Sơn, Hà Nội). Tỉnh này giao cho một công ty 123ha đất làm sân gôn, công ty này dành 96ha chia làm 290 lô, bán với giá 1 tỷ/lô, phần còn lại để làm sân gôn. Tỉnh Hòa Bình: sân gôn Long Sơn (huyện Lương Sơn) 54 lỗ được xem là sân gôn lớn nhất Đông Nam Á, có vốn đầu tư hơn 20 triệu USD, thời gian hoạt động 50 năm, bắt đầu sử dụng từ năm 2004. Nông dân chỉ được nhận tiền đền bù từ 6.400 đồng/m2 đến 31.000 đồng/m2 từ mấy năm trước! Để lấy đất của dân, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hứa hẹn tạo việc làm, ổn định đời sống cho nông dân nhưng đến nay, người dân địa phương đã thất vọng, lâm vào cảnh nghèo khổ. Tỉnh thuần nông Hưng Yên cũng gắng gỏi “lên đời” (?!) bằng cách cấp giấy phép cho một sân gôn với diện tích 180ha...
Hoá ra, đất đai xứ mình thật quá rộng lớn và quá… dư thừa (?!). Cho nên, quan chức các địa phương rất giỏi việc “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”, quá hào phóng và... lịch thiệp (?!) cấp đất quốc gia và lấy đất của dân cho các chủ doanh nghiệp, các chủ đầu tư làm sân gôn để giới thượng lưu (?!) - trong đó có các quan chức - hưởng thú chơi trưởng giả!
Đất nước còn nghèo, kinh tế đang ở thời kỳ đầy cam go thách thức, lạm phát gia tăng, đại đa số nhân dân (kể cả cán bộ - viên chức đồng lương ít ỏi) đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, trong đó nông dân là người nghèo khổ nhất, thất nghiệp tràn lan, thiên tai hoành hành dữ dội gây tang tóc, âu lo cho nhiều triệu con người; còn các “đại gia” (?) và nhiều quan chức “đức mỏng, tài hèn, trí đoản” nhưng nhiều bổng lộc thì rửng mỡ, “nổi máu” chơi gôn thật là bừng bừng khí thế (!). Việc đó là một sự thật tàn nhẫn, một nghịch lý không thể chấp nhận! Năm kia, trong một hội nghị của đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN, có Thường trực Chính phủ tham dự, GS. Vũ Đình Bách đã phát biểu: “Việc phát triển ồ ạt các sân gôn như trong thời gian qua tại nhiều địa phương trong cả nước là “có vấn đề”. Bởi lẽ, nhu cầu chơi môn thể thao “quý tộc” này ở VN chắc chắn chưa lớn đến mức các địa phương phải cấp phép một cách vô tội vạ. Nếu không dừng lại, hàng vạn nông dân phải chịu khổ thêm vì sân gôn”. Đại biểu QH - GS.TS. Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XII: “Cần dừng ngay việc lấy đất ruộng lúa để làm KCN, KCX, làm sân gôn và khu du lịch”. Là nhà sinh học có tên tuổi, ông giải thích rõ: những đất lấy làm sân gôn hầu hết là đất có “cấu tượng”, rất tốt cho việc trồng lúa và cây cối. Muốn có đất “cấu tượng”, phải mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm do cấu tạo và biến đổi tự nhiên. Và ông nhấn mạnh: “Nếu bê tông hóa hoặc lấy cát lấp lên, lấy cỏ trồng lên sẽ là hành động thiếu trách nhiệm đối với muôn đời con cháu!”.
Việc bùng phát sân gôn làm giảm một cách đáng lo ngại diện tích canh tác và sản lượng lương thực, gia tăng thất nghiệp và đói nghèo, kiệt quệ nguồn nước sạch, phá hoại môi trường sinh thái, đồng thời làm thất thoát và lãng phí nghiêm trọng quỹ đất của mỗi quốc gia. Vì vậy, trên thế giới diễn ra phong trào phản đối làm sân gôn. Năm 1993, có 20 đoàn đại biểu các nước châu Á đã họp và đề xuất phong trào chống sân gôn toàn cầu. UB Tổ chức Thế vận hội quốc tế (IOC) cũng bác bỏ việc đưa môn gôn vào thi đấu quốc tế Olympic Atlanta-1996 dù Mỹ là đất nước nổi trội của môn chơi gôn. Từ năm 2000 đến nay, phong trào chống sân gôn lan rộng ở các nước kinh tế-xã hội phát triển. Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã kêu gọi những người chơi gôn ở nước này hãy tạm dừng chơi gôn để đồng cảm với nhân dân đang gặp khó khăn vì nền kinh tế Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng suy giảm. Ở ta, mới rồi, Bộ trưởng Đinh La Thăng khuyến cáo cán bộ chủ chốt của Bộ GTVT không chơi gôn. Đây là điều rất đúng đắn, mang tính nhân văn, được nhiều người kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành đồng tình, ủng hộ; không thể coi là vi phạm văn bản pháp luật về quyền lợi của con người. Nhiều nước Đông - Tây văn minh và giàu có thật sự, chân chính mà họ còn chống sân gôn, huống hồ xứ ta?
Đào Ngọc Đệ