Thế nhưng, có nhiều vụ người giúp việc bị hành hung một cách tàn nhẫn. Rất nhiều tiêu chí đặt ra cho người giúp việc, nên việc gia chủ không ưng ý và có những mâu thuẫn với người giúp việc là chuyện thường ngày. Và có không ít người giúp việc bị chủ nhà bạo hành dã man, trong một thời gian dài. Mặc dù trong Bộ luật Lao động đã có những quy định rất rõ về quyền lợi của lao động là người giúp việc gia đình. Nhưng câu chuyện người giúp việc bị coi rẻ, bạo hành vẫn diễn ra với mức độ nghiêm trọng.
Mới đây, vụ việc chị Y Nhiêu (SN 1995, trú tại thôn Pêng Siêl, xã Đak Pét, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) bị chủ tra tấn với nhiều vết thương trên cơ thể rất nặng và được đưa đi chữa trị tại Trung tâm y tế huyện Đak Glei. Tại Trung tâm y tế huyện Đak Glei, các bác sĩ cho biết, chị Nhiêu nhập viện với đa vết thương nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai, mu bàn tay trái. Chị cũng bị gãy hở 3 đốt ngón tay, gãy 3 chiếc răng, rạn mỏm cùng vai trái và đặc biệt có di chứng thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng. Hiện trung tâm đang tích cực điều trị ổn định vết thương nhiễm trùng, sau đó sẽ giới thiệu người nhà chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị gãy xương... Trước đó, vào năm 2012, dư luận bàng hoàng, căm phẫn tột độ trước hành vi bạo hành dã man người giúp việc ở quận Ba Đình, Hà Nội. Theo đó, bà Phạm Thị Phương ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội có đơn trình báo gửi Công an phường Kim Mã, quận Ba Bình, tố cáo các hành vi bạo hành dã man của bà Trần Thị Tuyết Minh tại Nhật Tảo, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm - Hà Nội đã dùng tay và dép ghè vào mắt, đá đấm vào người; dùng guốc, máy sấy tóc hành hạ bà... Và có lẽ dư luận không thể nào quên hình ảnh cậu bé Hào Anh cách đây 7 năm khi đó 14 tuổi bị hành hạ như thời trung cổ như: bẻ răng, kẹp đứt môi, dí sắt nung đỏ vào người khiến dư luận phẫn nộ...
Trở lại với vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, chị Y Nhiêu đã làm giúp việc từ năm 2014, tức là chị đã bị gia chủ bạo hành trong một thời gian khá dài. Nhưng người dân xung quanh và chính quyền ở đâu? Chẳng nhẽ họ không đặt dấu hỏi về những vết sẹo đầy mình mẩy của người giúp việc kia?
Vấn đề bạo lực và cưỡng bức lao động đối với người giúp việc đang là một vấn đề gây chú ý quan tâm của toàn dư luận trong những năm gần đây. Giúp việc nhà đã được Nhà nước công nhận là một nghề và được bảo vệ dưới pháp luật. Vì vậy theo các chuyên gia về luật, người lao động cần được trang bị kiến thức pháp luật là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân mình. Bên cạnh đó, trách nhiệm giám sát, quản lý của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể có vai trò rất quan trọng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ bạo hành tại địa phương mình.