Nhựa sống tràn trề đến từng mắt lá

11-02-2019 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cái Tết còn in đậm trong trí não tôi đến bây giờ là khi tôi biết nhớ những gì diễn ra xung quanh mình. Buổi sáng thức dậy tôi háo hức tung chăn và nhảy ngoéo xuống đất mặc dù trời rất lạnh.

Tôi muốn chạy sang ngay nhà cái Hoa. Tối qua bố đã cho tôi hai chiếc kẹo mà vỏ kẹo được vẽ hoa rất đẹp. Tôi để nó trong túi áo, cái vẻ đẹp của nó khiến tôi không nỡ ăn. Hai đứa em tôi đã bóc luôn kẹo để thưởng thức vị ngọt ngào thơm nựng mùi vani. Mẹ gọi với tôi lại:

- Con ơi đừng đến nhà ai chơi nhé. Hôm nay là ngày mùng 1 Tết người ta không muốn con gái xông nhà đâu.

- Sao thế ạ?

- Con còn bé cứ nghe lời mẹ đã nhé. Rồi sau này lớn lên con sẽ hiểu.

Tôi bần thần đi ra đi vào. Bố và hai đứa em trai chùm kín chăn rúc rích với nhau.

Tôi học lớp vỡ lòng. Tôi lên 5 tuổi. Bố bảo, cho con đi học sớm vì con gái hay yêu sớm, yêu rồi còn học hành gì được nữa. Tôi bé như cái kẹo và tôi có chiếc trán dô, đôi mắt xếch. Tôi không muốn ở trong nhà, ngoài đường luôn có thứ rất lạ mời gọi tôi. Tôi ở nông thôn nhưng nhà tôi không có thóc, không có cối xay cối giã gạo. Bố mẹ tôi làm ở bệnh xá. Năm 1965, Mỹ ném bom ở cầu Đại Tám nhà tôi không thể ở thị trấn Liễu Đề mà phải sơ tán về xã Nghĩa Thái.

Nhà tôi ở nhờ trong một căn nhà lợp ngói có những cánh cửa bằng gỗ lim. Đằng trước có sân gạch rộng, có bể nước mưa hứng từ mái ngói bằng ba ống máng luồng nối với nhau. Phía đằng sau có một chiếc ao rộng, cầu ao bắc bằng ba phiến đá xanh. Tôi rất thích căn nhà ở nhờ này tuy có một nỗi sợ hãi không hề nhẹ, đó là căn buồng phía bên trái. Căn buồng đó rất tối, cho dù nắng rờ rỡ ngoài sân gạch thì trong buồng cũng chỉ thấy nhờ nhờ. Trong buồng có một chiếc rương rất to. Tôi quá bé để dù có rất tò mò cũng không thể nào nhòm vào được chiếc rương đó.

Tôi đứng tựa vào cửa buồn bã nhìn ra chiếc sân rộng trước mặt, Tết mà thế này sao, bầu trời xám xịt và lạnh lẽo. Cây cam trong vườn ỉu xìu chẳng còn quả nào. Mẹ nhìn tôi, trong ánh mắt mẹ có ánh cười.

- Xuống bếp với mẹ cho ấm nào. Mẹ luộc gà làm một mâm cơm cúng trước rồi chúng ta sẽ ăn nhé.

Tôi xuống bếp với mẹ. Mẹ rút một nắm rạ to trải xuống nền bếp rồi vỗ nhẹ:

- Ngồi lên đây đi con cho ấm.

Tôi ngồi khoanh chân nhìn ngọn lửa reo ràn rạt dưới đít nồi. Mẹ vơ rạ đút vào bếp rất khéo, cái que cời trong tay mẹ cời liên tục để bới tro nóng đắp lên nắp nồi cơm vừa được vùng xuống bên cạnh bếp lửa. Nhìn lửa nhảy múa một hồi lâu tôi thấy chán. Tôi muốn đi ra ngoài. Tôi len lén đứng dậy. Tôi rảo bước thật nhanh để mẹ không gọi lại. Tôi đi ra đường. Đường vắng tanh không một bóng người, cũng không có mấy chú cún hay sủa hóng. Đi qua ngõ nhà cái Hoa tôi rất muốn rẽ vào nhưng bỗng nhớ lời mẹ dặn nên tôi đi thẳng. Tôi bước chân trên những phiến đá xanh lát đường. Bước chân lũn cũn. Tôi đi thẳng ra bờ mương. Mương đầy nước trong  vắt. Mấy cây dừa in bóng xuống mặt nước dường như vẫn còn đang say ngủ. Ruộng cũng đang ngủ. Cỏ ở các bờ ruộng cũng đang ngủ. Chán thế, Tết mà sao không thức dậy đi chứ. Tôi không có cách gì đánh thức cây và đất tỉnh ngủ. Tôi đi về nhà. Mẹ đang bày mâm cơm cúng. Hai đứa em, đứa bốn tuổi đứa ba tuổi chỉ chực đưa tay ra rón vụng. Mẹ nghiêm giọng ra lệnh:

- Rụt cái tay vào, mẹ chưa cúng xong.

- Hay em chặt gà ra đĩa đi, đĩa để cúng, đĩa cho các con ăn, trời lạnh thức ăn nguội hết. Bố đề nghị.

- Ý kiến hay, đợi em một tí, em dọn mâm cúng trước, anh cúng nhé.

- Anh không biết cúng.

- Thì để em cúng vậy. Anh trải chiếu bố con ăn trước đi.

Sáu cái tay khoắng vài khoắng đã hết sạch đĩa thịt gà. Chúng tôi không bốc bằng một tay mà bằng cả hai tay. Bố ngồi yên lặng nhìn chúng tôi ăn rồi cười. Mẹ cúng xong cũng ngồi xuống chiếu. Mẹ cũng cười.

- Bu hay đọc câu gì ấy nhỉ, anh nhớ không?

- Miếng thịt lại tỏ miếng gan. Mười quan cũng đáng còn kêu oan nỗi gì.

- Nghĩa là sao anh?

- Thì đấy em nhìn đĩa thịt gà nhà mình xem.

Sau này tôi còn được nghe bà nói đi nói lại nhiều lần nữa đến thuộc lòng. Và câu chuyện miếng thịt lại tỏ miếng gan kia không có liên quan gì đến việc đĩa thịt gà hết vèo mà là liên quan đến bọn trẻ con, nhất là trẻ con thời chiến tranh luôn đói ăn.

- Gà lọt dậu ngon nhưng hơi ít anh ạ.

Hính như tôi đã nghe thấy tiếng lao xao. Tôi vội buông bát và phi ra đường. Tôi hẫng, ngoài đường vẫn vắng tanh không một bóng người. Tôi không muốn lại quay về, thuận chân tôi đi thẳng ra ruộng. Tôi nhìn ra xa rất xa, xa qua hết cánh đồng. Phía có lũy tre xanh. Hình như đang có một vạt nắng từ phía ấy. Rồi một vài chấm nhỏ. Những chấm nhỏ to dần to dần và những vạt áo điều phấp phới. Sau này khi đã lớn tôi bắt gặp một câu thơ của Nguyễn Bính: Bắt đầu bằng chiếc thắt lưng xanh, thì tôi đồ rằng chàng thi sĩ đồng quê cũng đã có một buổi sáng Mùng Một trên cánh đồng như tôi chăng? Tim tôi bắt đầu ngân lên những nốt nhạc. Tôi đứng nhìn và cười như một con bé ngẩn ngơ. Qua giờ kiêng cữ, những người họ hàng đang đi đến nhà nhau để chúc Tết. Tiếng cười nói râm ran đã nổi lên rất rõ trong cái thinh không yên ả thanh bình. Tôi nhảy chân sáo và muốn hét thật to. Tôi chờ những người họ hàng đi đến, tôi nhập vào đoàn người ấy. Họ đi vào làng tôi và vào nhà bác Quý đầu tiên. Tôi chỉ vào đến ngõ nhà bác Quý. Tôi nghe bên nhà bác Thạo cũng đang có tiếng chào hỏi nhau. Tôi chạy vù sang. Tiếng cười rểnh rang, vui ơi là vui. Cái Hoa thấy tôi bèn đến bên, nó hơn tôi hai tuổi. Tôi lấy trong túi đưa cho nó chiếc kẹo. Hai đứa nắm tay nhau nhảy cẫng. Sau rồi nó đưa tôi ra vườn. Nó biết tôi thích cây mà. Nó đi bói nụ chanh. Vườn chanh nhà bác Thạo chưa đơm cái nụ nào. Năm nay rét lâu quá. Cái Hoa bỗng reo lên:

- Ban ơi, nụ hoa này, nảy nụ rồi này.

Giữa đám lá xanh cái Hoa đã tìm ra cho tôi một nụ chanh, một cái nụ tấm nhưng đã có màu phơn phớt tím.

- Sắp đầy một cây hoa rồi nhá mày tha hồ ngắm. Tiếc năm nay không nở một bông hồng nào. Cái Hoa nói giọng y người lớn.

Ừ tại nó nhắc đến hoa hồng, tôi bèn đi đến bụi hồng leo nhà nó. Giữa đám dây hồng đầy gai quấn quýt tôi nhìn thấy một cành lộc đâm chồi vâm vao, trên đó có một nụ hồng.

- Đây.

Tôi reo lên, rồi cười không dứt. Tôi muốn bay lên.

Sau này thì tôi biết rằng, tôi cũng như cái cây kia, giây phút ấy nhựa sống đang dâng tràn đến từng mắt lá. Tôi reo cười vì biết rằng cây sắp sửa dâng cho tôi những nụ hoa và quả ngọt. Còn  cây, cây có biết cái nhựa sống tràn trề trong cơ thể cô bé lên 5 để khiến cô bé hay cất lên tiếng cười man dại ấy sau này sẽ thành một bà nhà văn?


Nhà văn Y Ban
Ý kiến của bạn