Hà Nội

Như một người cha

06-12-2015 13:14 | Y tế
google news

SKĐS - Câu chuyện về một người thầy thuốc tận tâm với nghề, đào tạo thế hệ trẻ ân cần như một người cha bên dòng sông Lam, Nghệ An

Câu chuyện về một người thầy thuốc tận tâm với nghề, đào tạo thế hệ trẻ ân cần như một người cha

Ngày tôi đến cơ quan nhận công tác, chú mới chỉ là quyền giám đốc, đón tiếp tôi tại phòng họp cơ quan, chất giọng xứ Nghệ trầm ấm, mái tóc xoăn vuốt ngược bộc lộ rõ khuôn mặt rắn rỏi, từng trải vì cuộc sống. Khi biết tôi quê Nghệ An, ánh mắt chú hiện lên niềm vui lớn.

- Tôi cùng quê với cậu đấy!

Chưa hỏi đến việc học tập, việc cơ quan, chú hỏi thăm luôn về quê nhà, về cuộc sống dân “quê choa”, về gia đình bố mẹ tôi. Rồi chú tâm sự với tôi: Chú sinh ra bên cạnh dòng sông Lam, dòng chảy của những chiến công, một dòng Lam trong xanh hiền hòa vào những ngày hè, nhưng cũng hung dữ cuốn trôi tất cả vào những ngày mưa lũ. Rời bỏ quê hương theo gia đình đến vùng kinh tế mới từ những ngày còn thơ bé, cuộc sống của chú lăn lộn từ đó. Từ bến tàu, sân ga hay những bãi bồi, cuộc sống tạm bợ với bao công việc vất vả để giúp đỡ bố mẹ nuôi các em và kiếm tiền ăn học. Tuổi thơ trôi qua vội vã và vất vả, với quyết tâm không làm được bác sĩ sẽ không lấy vợ, xác định được khả năng của bản thân, chú phấn đấu từng ngày, tốt nghiệp trung cấp y, mọi khó khăn gian khổ tiếp tục song hành cùng chú. Tình nguyện đến với một trạm xá sát biên giới Trung Quốc làm việc, khó khăn vất vả càng hun đúc lòng quyết tâm của chú. Tốt nghiệp bác sĩ hệ chuyên tu, rồi bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về ngoại khoa, chú trở về cơ quan, tưởng rằng từ đây sẽ được hết lòng cống hiến và sống cho chuyên môn. Tỉnh Lào Cai tái thành lập, cùng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, những cán bộ chủ chốt được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Những người ở lại đa phần rất trẻ hoặc những người đã chuẩn bị về hưu. Cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực thiếu thốn, lượng bệnh nhân ít đi. Gánh nặng quản lý lại đè lên đôi vai chú.

Một ca phẫu thuật tại BV đa khoa Bảo Thắng Lào Cai (ảnh minh họa)

Với quyết tâm xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ tin cậy với người bệnh, nhiều chính sách được đưa ra và xây dựng. Các bác sĩ trẻ thay phiên nhau đi học sau đại học, các y sĩ được gửi đi đào tạo bác sĩ tại các trung tâm lớn. Những người còn lại ở nhà làm việc tích cực, gánh thay phần những người đi học với châm ngôn “sáng về y đức, giỏi về chuyên môn, tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”.

Sự phấn đấu không mệt mỏi đã được đền đáp. Về cá nhân, chú đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Còn về tập thể, nhiều lần đạt Huân chương Lao động. Hiện tại, cơ quan có hơn 200 cán bộ với 30 bác sĩ, trong đó có 10 bác sĩ sau đại học, các bác sĩ đã qua các lớp sơ bộ. Nhiều kỹ thuật vượt tuyến và kỹ thuật khó đã được triển khai. Các phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu và mới đây nhất, đơn vị đã triển khai phẫu thuật nội soi; công suất giường bệnh lên tới 140%.

Ai đã từng làm việc với chú, được nghe về chú đều nói chú là một người nghiêm khắc, tận tâm với công việc, hết mình vì bệnh nhân... Nhưng với tôi, tôi lại thấy chú rất dễ gần và sống tình cảm, những ngày đầu đi mổ cùng chú, chú dạy tôi từ cách buộc chỉ, từ khâu một vết thương, nhiều hôm đi phụ với chú, tôi mệt quá ngủ gật làm hỏng hết cả miệng nối đang khâu, chú nhẹ nhàng nhắc nhở, chỉ bảo và hướng dẫn lại.

Sau gần 5 năm sống và làm việc cùng chú, tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều, được giao nhiều công việc và trọng trách hơn. Cuộc sống của bản thân tôi và các đồng nghiệp đã được cải thiện, nhưng mái tóc chú đã nhiều sợi bạc, đôi mắt hằn sâu thêm, đôi vai cũng oằn xuống. Cháu mong sao cháu lớn nhanh hơn, phát triển vững vàng hơn để sẻ chia cùng chú. Chúng cháu tri ân chú!

BS. Minh Thủy


Ý kiến của bạn