Như một lời tri ân

21-06-2018 09:24 | Y học 360

SKĐS - 26 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên thành công tại Học viện quân y 103, đến nay những thành tựu ghép tạng của Việt Nam đã được “ghi danh” trên bản đồ thế giới với những điểm nhấn ấn tượng về kỹ thuật ghép của Việt Nam như ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép phổi, giác mạc… Để có được thành tựu ấn tượng đó chính là những câu chuyện cảm động,những nghĩa cử cao đẹp và cả những hi sinh thầm lặng được lan tỏa trong cộng đồng qua kênh thông tin báo chí.

Có lẽ những hi sinh sẽ vẫn mãi là thầm lặng nếu như những câu chuyện thấm đẫm tinh thần nhân văn ấy không được chuyển tải lên mặt báo và các phương tiện truyền thông đại chúng để lan tỏa đến xã hội và cộng đồng. Câu chuyện của thiên thần nhỏ Hải An là một minh chứng. Hải An và nghĩa cử của con đã làm lay động trái tim hàng triệu người, ở đó đã có những thổn thức, những khoảng lặng của tất cả những ai đã một lần biết về con, một cô bé 7 tuổi gửi đến mọi người thông điệp của lòng nhân ái. Đó còn là hình ảnh của một người mẹ với nỗi đau tột cùng khi mất con, nỗi đau đã đi quá giới hạn của sự chịu đựng nhưng vẫn quyết định hiến giác mạc của con để mang lại ánh sáng cho các em bé khác. Bé Hải An như ngọn lửa thắp lên niềm tin yêu vào cuộc sống vào những điều tử tế trong cuộc đời!.

Khi chưa hết những xúc cảm này lại lan toả thêm những câu chuyện xúc động khác, đó là câu chuyện của người lính ở Ninh Bình ra đi ở tuổi 45 để lại người vợ trẻ và đàn con thơ nhưng anh cũng đã để lại món quà vô giá cho đời đó là sự sống cho 6 người trong đó có 2 đồng đội của anh…

Không ai làm điều tốt để mong kể công, nhưng đối với câu chuyện này thì cần phải được tôn vinh và lan tỏa. Bởi họ và cả gia đình họ những người đang còn sống đã dũng cảm vượt qua được định kiến, đã dám đối mặt với dư luận để trao những “giọt sáng” cho những người bệnh đang mỏi mòn trong “bóng tối”…

Hày chung tay vì sự sống được sẻ chia và tinh thần nhân văn được lan tỏa (ảnh minh họa)

Bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng và gia đình họ, cũng thể không kể đến sự lặng lẽ âm thầm của các cán bộ ngành y tế, của cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia và các trung tâm điều phối tạng ở các bệnh viện trong hành trình đầy gian nan nhưng lại vô cùng ý nghĩa này. Đó là những giây phút lắng đọng chia sẻ cùng gia đình nạn nhân sau tai nạn để cùng gia đình viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó còn là những nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng một danh sách chờ ghép tạng trên khắp cả nước và xen lẫn những phút giây lựa chọn sinh – tử đưa ra quyết định tối khẩn cấp để điều phối tạng xuyên việt mang tạng đến với những người đang mỏi mòn chờ được tái sinh….và còn nhiều những câu chuyện thầm lặng khó nói thành lời.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốC Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia chia sẻ, vai trò của báo chí đặc biệt quan trọng trong hoạt động truyền thông, vận động hiến mô, tạng, bởi thông qua báo chí những điều tử tế được lan tỏa, cộng đồng đã biết nhiều hơn đến công việc đặc thù mà vô cùng nhân văn.  Theo đó, hoạt động ghép tạng đến giờ phút này đã có nhiều thành tựu khởi sắc từ số lượng ghép tạng được tăng lên, số lượng người chết não hiến tạng, số lượng người đăng ký hiến tạng khi còn sống…

Ông Phúc nhớ lại, nếu trước đây thông tin về ca ghép tạng hoặc về người chết não hiến tạng xuất hiện rất hiếm bởi nhiều rào cản chưa được làm sáng tỏ,  thì giờ đây đã có thêm nhiều sự đồng thuận và thông tin về hiến ghép tạng được chia sẻ, đăng tải  thường xuyên hơn.  Những ca ghép tạng xuyên việt, những câu chuyện hậu trường về lấy và vận chuyển tạng được truyền tải chân thực sống động trong từng con chữ dưới góc nhìn của những nhà báo nhiệt huyết cháy hết mình vì những điều tử tế đã như chạm đến trái tim của độc giả để từ đó lan tỏa sự tử tế tinh thần nhân văn cao cả.

Đã có những tờ báo làm riêng một tuyến bài như một sự tổng kết trong vòng 20 năm của ngành hiến tạng xuyên suốt từ Bắc Trung Nam. Có những phóng viên đã đồng hành với Trung tâm từ khi lấy tạng, nhận tạng đến hành trình vận chuyển tạng và cùng chờ khoảnh khắc trái tim đập lại trong lòng ngực của người bệnh…

Cũng theo Phó giám đốc trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia, nhờ báo chí và truyền thông mà những gia đình có người hiến tạng đã được “giải oan”. Nếu trước đây gia đình nào hiến tạng để cứu người thì thường sống trong mặc cảm, sự dè bỉu của xã hội, thậm chí họ còn phải nấp vào bóng tôi để tự mình gặm nhấm những nỗi buồn đau nhân đôi. Nhưng sau 5 năm trở lại đây, điều ấy đã không còn, những người thân của người hiến tạng đã “bước ra ánh sáng” đã được minh oan. Họ đã tự tin đứng trước công luận để cùng với các cơ quan báo chí các nhà báo lan tỏa lòng tốt, thắp sáng lên ngọn lửa nhân văn. Để có được sự “thay đổi “vượt bậc” ấy  là đóng góp không nhỏ của các anh chị phóng viên báo chí.

Theo thống kê của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tặng mô tạng; đến năm 2015 số người đăng ký hiến tặng đã tăng lên 3.542 người; năm 2016 là 6.726 người; 2017 là 11.663 người, đến nay là hơn 15.000 người. Đáng nói là số ca hiến tạng từ người cho chết não cũng ngày một tăng lên, đồng nghĩa với nhiều sự sống được hồi sinh kỳ diệu. Đó là những con số mà các cán bộ ở Trung tâm Điều phối chưa từng nghĩ đến.

“Nhân ngày 21/6, như những lời tri ân của các cán bộ làm công tác y tế nói chung và công tác vận động hiến ghép tạng nói chung gửi đến các nhà báo, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình mở ra những cánh cửa tương lai cho rất nhiều người không may mang trọng bệnh.”, ông Phúc nói.


Vi Cầm (ghi)
Ý kiến của bạn