Có thể ít ai còn nhớ hay ít ai biết, nhưng chắc những người yêu văn học, yêu chương trình “Đọc truyện đêm khuya” và “Đọc truyên thiếu nhi” của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng lứa tuổi của tôi không thể quên giọng đọc truyền cảm mê hoặc của bà, nhất là ở những câu chuyện tình yêu nhiều kịch tính, những câu chuyện số phận nhiều cung bậc cảm xúc..., có thể vui buồn cùng nhân vật trong truyện qua giọng đọc của bà.
Không rõ ông Trời có sắp đặt gì không, đúng sinh nhật thứ 80 của bà 24/2/1938- 24/2/2018 bà rời cõi tạm, về miền an lạc thần tiên để đoàn tụ với người chồng tài hoa là nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Tên của bà - Tuệ Minh, ứng với tài năng nghệ thuật, không chỉ đẹp, một vẻ đẹp “mai cốt cách tuyết tinh thần”, bà còn là một tài năng diễn xuất phim điện ảnh, sân khấu cùng nhiều tài năng nghệ thuật khác.
Bà Tuệ Minh thời trẻ.
Đam mê cống hiến cho nghệ thuật
NSND Tuệ Minh sinh năm 1938 trong gia đình trí thức ở Hà Nội. Là thế hệ diễn viên Khóa I của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, cùng một thế hệ với các nghệ sĩ Trà Giang, Phi Nga, Lâm Tới, Mai Châu, Thanh Thủy, Ngọc Lan, Hoàng Yến... Bà được đánh giá là một nghệ sĩ đa năng, đa tài không chỉ có tài diễn xuất nhập vai các nhân vật trong phim điện ảnh rất xuất sắc, từng đoạt Giải Bông Sen vàng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II với vai Hương trong phim Vợ chồng anh Lực, bà còn tham gia hoạt động nhiều loại hình nghệ thuật khác. Ngoài việc lồng tiếng cho phim, MC nhiều chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà còn giảng dạy, viết kịch bản và làm phim video, đặc biệt là diễn kịch sân khấu với nhiều vai để đời, ấn tượng nhất là vai Phượng trong vở kịch Cách mạng của nhà văn Nguyễn Khải.
Những phim nối tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chung một dòng sông, Một ngày đầu thu, Nguyễn Văn Trỗi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh, Vợ chồng anh Lực, Dòng sông âm vang... đều có dấu ấn diễn xuất của bà trong nhiều vai chính và thứ chính. Nghệ sĩ Tuệ Minh còn đóng vai dân công trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam do đạo diễn Matsuda người Nhật thực hiện tại Việt Nam.
Bà thật sự là một tài năng trong diễn xuất phim điện ảnh. “Trong Ngày lễ thánh, chỉ cần một cái ngước nhìn, chị Tuệ Minh đã thể hiện được sự tận tụy đến mức mê muội của một con chiên. Diễn xuất bằng mắt của chị ấy rất đặc biệt. Tôi đánh giá diễn xuất của chị Tuệ Minh trong phim này ngang với diễn xuất chị Trà Giang” - Nhà biên kịch phim Trịnh Thanh Nhã. “Tôi vẫn nhớ mãi cảnh cận trong phim Nguyễn Văn Trỗi, Tuệ Minh đóng vai một người bị địch tra tấn. Đôi mắt của chị ấy toát lên sự chịu đựng, sự kiên cường đến ám ảnh” - NSND Trà Giang.
Khi không làm diễn viên đóng phim bà cũng không từ bỏ đam mê nghệ thuật, vẫn muốn mình là một người có ích cho nền nghệ thuật nước nhà. Bà tham gia giảng dạy, một cách truyền kinh nghiệm, kiến thức diễn xuất cho các thế hệ diễn viên trẻ, đồng thời lấy bản thân như tấm gương truyền cảm hứng sáng tạo và cống hiền với các diễn viên tương lai. Không chỉ giảng dạy, vốn kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đóng phim, rồi vốn kiến thức trong thời gian được đào tạo chính quy ở Nga về đạo diễn, bà tham gia lĩnh vực nghệ thuật “thời thượng” với một tâm thế hào hứng, nhiều kịch bản, nhiều phim video do bà thực hiện cũng tạo nên nhiều dấu ấn ở thời kỳ này.
Bà là vợ của nhà văn Nguyễn Đình Thi, sống bên ông hơn 20 năm, không biết có phải vì thế mà cảm xúc văn chương với bà như mạch ngầm được nuôi dưỡng? Bà có rất nhiều cảm hứng sáng tác, và đầu tiên là ghi lại chuyện tình, chuyện đời của bà và ông trong những tác phẩm văn xuôi và thơ. Bài thơ Người Hà Nội trở về Hà Nội, Chiều đông như câu chuyện tình của hai ông bà. Hay truyện ngắn Anh và em được bà viết trong hai năm 2009-2010, lấy bối cảnh trong thời gian bà học đạo diễn điện ảnh ở nước Nga Xô viết những năm 1970, cũng là câu chuyện của hai người đầy cảm xúc.
Ngay từ những đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân bà đã có tên trong danh sách đề nghị, nhưng mãi tới năm 2016, bà mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Một người phụ nữ tình cảm
Bà là người sống tình cảm và nhân hậu. Có lẽ thế mà ngay từ khi còn là con gái, bà đã được nhà văn Nguyễn Đình Thi cảm mến và tin tưởng, giao giúp trông nom mẹ vợ và hai đứa con vừa mồ côi mẹ của mình để đi công tác chiến dịch Điện Biên Phủ. Và rồi cũng vì cảm mến cô gái Tuệ Minh mà ông mai mối gả chồng cho cô là một đạo diễn học hành tử tế... Cho dù thầm yêu trộm nhớ, mãi đến năm 1983 khi bà góa chồng, ông cũng là người đàn ông độc thân thì họ mới nên nghĩa chồng vợ. Và thiên tình sử trong 20 năm chung sống của họ là những trang đẹp trong cuộc đời bà. Và phải rất yêu ông, yêu từ sâu thẳm trái tim, mà khi bà ngã bệnh, nằm trên giường cử động khó khăn, bà luôn đọc cuốn Văn mới 2010-2011 hàng ngày, bởi trong đó có in câu chuyện bà viết về mối tình của ông và bà Anh và em, như để hoài niệm hình ảnh ông ngày hai người chớm yêu, thầm thương nhau. Tôi cũng nhớ một kỷ niệm với bà, khi ông mất, có một lần gặp bà, bà cảm ơn tôi vì đã viết về ca khúc Người Hà Nội và kể câu chuyện về ông khi sáng tác ca khúc trên báo. Tôi còn nhớ bà đã nói: “Cảm ơn cháu, thi thoảng cô lại đọc lại bài đó để nhớ ông. Vì đó cũng chính là thời gian cô gặp và quen ông...”.
Ngay cách bà yêu con cái cũng đáng để cho mọi người ngưỡng mộ. Bà không áp đặt con cái bất cứ điều gì và để cho con thỏa sức đam mê, thỏa sức thực hiện những hoài bão nghệ thuật của mình trong vai trò người truyền cảm hứng, người đồng thuận. Chính vì thế mà cô con gái Phương Phương trở thành một nghệ sĩ diễn xuất rất độc đáo. Ngay cả với những con riêng của ông, bà là một kế mẫu rất mực yêu thương con chồng và bà cũng được yêu thương như là mẹ của họ. Chỉ có thể là tình thương và lòng nhân hậu của một người phụ nữ nhân hậu mới có thể làm nên một không khí an hòa trong gia đình như bà.
Còn với bạn bè đồng nghiệp, bà luôn là một người chân tình và biết chia sẻ. Dù sống khá kín đáo, nhưng bà được mọi người cảm mến. Những ngày bà bệnh nằm trên giường, bạn bè vẫn thường xuyên tới lui thăm hỏi, như một động lực để bà yêu cuộc sống.
Bà như cái tên Tuệ Minh của mình. Sống và đam mê nghệ thuật trong một nhân cách nghệ sĩ tài trí, nhân hậu. Đã thỏa nguyện trần gian, có lẽ thế bà chọn ngày sinh nhật của mình để ra đi, như thêm một lần chứng minh cho dự “tuệ minh” của mình. Bà đã như một ánh sáng lưu lại trần gian một khoảng thời gian vừa đủ để về lại với thế giới của an lạc thanh nhàn, nơi ấy bà sẽ gặp lại người chồng tài hoa Nguyễn Đình Thi.
Tôi nhớ mãi câu bà nói khi chia tay ở lần gặp sau cùng: “Mong ước lớn nhất nhất của người nghệ sĩ chính là chỗ đứng xứng đáng của họ trong lòng khán giả”. Bà đã làm được điều đó. Kính chúc bà an vui để ra đi.