Trao đổi cùng phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng Khoa Sinh Hóa – Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, trong quá trình cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý về máu, bệnh viện gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiểu cầu.
"Công tác cấp cứu và điều trị tại viện, nhu cầu về máu và các chế phẩm máu là rất cao. Trong đó nhu cầu về tiểu cầu khối cũng không nhỏ.
Trung bình mỗi tháng cần 30-40 khối tiểu cầu, thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát số lượng cần tăng gấp 3 lần.
Vì không thể bảo quản trong thời gian dài nên khi chế phẩm tiểu cầu được điều chế từ người hiến phải dùng ngay cho bệnh nhân", BS. Hồ Hoàng Thị Kim Huệ cho biết.
Theo BS. Huệ, máu gồm có nhiều thành phần với chức năng riêng biệt. Hồng cầu là thành phần có số lượng lớn nhất với nhiệm vụ vận chuyển khí oxy từ phổi đến các mô và nhận khí CO2 từ các mô tới phổi để đào thải.
Bạch cầu bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các tác nhân lạ gây bệnh cho cơ thể. Còn tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia quá trình đông, cầm máu.
Trong cơ thể, hồng cầu có đời sống trung bình là 120 ngày, bạch cầu sống từ 1 tuần đến vài tháng, tiểu cầu có đời sống chỉ khoảng 7 – 10 ngày.
Đối với tiểu cầu, thành phần này rất quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…
Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác kêu gọi hiến tiểu cầu, BS. Huệ cho biết, trong khi việc hiến máu toàn phần trung bình chỉ mất khoảng 5 phút thì khi hiến tiểu cầu cần 60 – 100 phút.
Khi hiến tiểu cầu, máu từ tĩnh mạch sẽ được đưa trực tiếp vào trong hệ thống máy gạn tách. Máy này có nhiệm vụ tách tiểu cầu ra đưa vào túi trữ, các thành phần máu còn lại sẽ được chuyển trả lại cơ thể. Quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi máy tách đủ lượng tiểu cầu nên thời gian hiến sẽ dài hơn.
"Phần lớn các tình nguyện viên hiến máu đều trong độ tuổi lao động nên việc thu xếp khoảng 2 tiếng để thực hiện các xét nghiệm ban đầu và chạy máy tách chiết tiểu cầu là khá khó khăn", BS. Huệ cho biết.
Khối tiểu cầu thường có thời hạn sử dụng 3 – 5 ngày nên không thể thu số lượng lớn rồi bảo quản mà cần thường xuyên có tình nguyện viên hiến tiểu cầu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị với chế phẩm này.
Khi bệnh nhân cần mà lượng tiểu cầu từ người nhà và tình nguyện viên không đáp ứng đủ, các cán bộ y tế sẵn sàng tham gia hiến tiểu cầu.
BS Huệ cho biết, để đảm bảo an toàn cho người hiến tiểu cầu, mỗi người sẽ được sử dụng một bộ gạn tách riêng.
Toàn bộ quá trình lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể là vòng tuần hoàn khép kín trong bộ lọc riêng nên rất an toàn. Thời gian tái tạo của tiểu cầu là khá ngắn nên chỉ cần 3 tuần là tình nguyện viên có thể hiến máu hoặc tiểu cầu lần tiếp theo.
"Khi hiến tiểu cầu, người hiến cần có sức khỏe tốt, đảm bảo lượng tiểu cầu trong máu, nhóm máu phù hợp và tĩnh mạch có kích thước phù hợp. Ngoài một số tác dụng phụ có thể gặp phải tức thời như mỏi cơ, tê môi, tụt huyết áp thì việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", BS. Huệ thông tin.
Tiểu cầu là chế phẩm máu rất quan trọng trong công tác cấp cứu, điều trị, BS. Huệ mong người dân hiểu hơn về việc hiến tiểu cầu và tham gia hiến khi bệnh nhân cần.
"Không có nguồn dự trữ nên khi bệnh nhân cần tiểu cầu để cấp cứu, điều trị rất mong các tình nguyện viên có thể nhanh chóng đến hiến.
Các tình nguyện viên có thể gửi thông tin các nhân, số điện thoại tại ngân hàng máu sống của bệnh viện để việc liên lạc được nhanh chóng", Trưởng Trưởng Khoa Sinh Hóa – Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới chia sẻ.
PHẬT GIÁO HÀ NAM HIẾN MÁU VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT