Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trong tháng 8, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm ở các ngành: công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, dịch vụ lưu trú ăn uống và nhóm lao động giản đơn. Các doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng ở nhóm vị trí nhân viên văn phòng, nhóm các lao động đã qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm hoặc không có nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành nghề thuộc lĩnh vực không thiết yếu, thì một số lĩnh vực khác như: công nghệ thông tin, ngân hàng… nhu cầu tuyển dụng vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn có nhiều cơ hội việc làm.
Thậm chí, nhu cầu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. Bởi lẽ doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến. Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn trong tháng 8, tuyển dụng thường xuyên ở một số vị trí kỹ sư, lập trình viên.
Mức lương doanh nghiệp sẵn sàng trả cho người lao động trong lĩnh vực này chủ yếu từ 9 - 11 triệu đồng/tháng, chiếm 50%; từ 13 - 15 triệu đồng/tháng, chiếm 40%. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn trong tháng 8 như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Dịch vụ viễn thông.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lực lượng lao động, nhân sự thiếu hụt là do dịch bệnh COVID-19. Nhân viên gặp dịch bệnh bỏ về quê, số khác tuân thủ giãn cách, nên không được đến công ty làm việc trực tiếp, số khác nhiễm bệnh…, khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông thiếu hụt lao động, không thể tổ chức sản xuất.
Theo bà Hồ Thị Tú Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Việt Nam, vấn đề ổn định lực lượng lao động để giữ vững sản xuất đang là mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp. Intel đang đề xuất cho phép tăng thêm 100 giờ làm ngoài giờ trong năm 2021 để đáp ứng sản xuất đang gặp khó khăn về lao động hiện nay, đồng thời tránh vi phạm Bộ luật Lao động. Cùng với đó, Intel đề xuất sớm triển khai cơ chế hộ chiếu vaccine để các chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể vào Việt Nam làm việc, đặc biệt là để đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật tại Việt Nam.
Theo Báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin và năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực công nghệ thông tin do nhu cầu thị trường tăng cao.
Còn Navigos Goup đánh giá, dù dịch COVID-19 khiến ngành công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nhân sự, nhưng dự kiến năm 2021, một số công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng 20 - 25%. Các yêu cầu tuyển dụng từ các công ty công nghệ thông tin thường tập trung vào các ứng viên người Việt.
Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập của FUNiX cho biết, các công việc trong ngành công nghệ thông tin tăng trưởng tới 47%/năm trong những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về công nghệ thông tin chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.
"Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự trầm trọng hiện nay, rất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phi truyền thống", ông Nam cho biết.
Trong các báo cáo nghiên cứu thị trường lao động gần đây, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội