Nhu cầu cấp thiết về kinh phí cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

22-11-2011 11:43 | Thời sự
google news

Công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) bao gồm nhiều hoạt động, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục để người hút thuốc lá thay đổi hành vi,

Công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) bao gồm nhiều hoạt động, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục để người hút thuốc lá thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng và tiến tới cai nghiện thuốc lá, thanh thiếu niên không hút thuốc lá, người dân biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, Quỹ còn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, cai nghiện thuốc lá; tổ chức các mô hình cai nghiện thuốc lá hiệu quả, mô hình cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác PCTHCTL& nâng cao sức khỏe cộng đồng (NCSKCĐ), hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá; nghiên cứu giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động ngành thuốc lá; vận động tài trợ cho công tác PCTHCTL&NCSKCĐ.

Ngoài nội dung PCTHTL, Quỹ còn hướng đến các hoạt động NCSKCĐ như truyền thông, tư vấn nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng cộng đồng, rèn luyện lối sống lành mạnh, góp phần hạn chế các bệnh do thói quen có hại cho sức khỏe như sử dụng thuốc lá, rượu bia, huy động sự tham gia của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe

Các giải pháp PCTHCTL đòi hỏi phải có các nguồn lực đủ lớn để trang trải. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nhu cầu thực tế chi cho công tác PCTHTL vào khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn kinh phí rất lớn mà Ngân sách nhà nước hiện không thể đáp ứng được. Trong điều kiện các nguồn lực tài chính còn eo hẹp, đặc biệt nguồn lực của Nhà nước còn phải dành cho các mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu như an ninh, quốc phòng, giáo dục, phát triển kinh tế xã hội,... nên thời gian qua, việc huy động nguồn lực cho công tác PCTHCTL hết sức khó khăn và phụ thuộc chủ yếu vào tài trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Do Việt Nam đã vượt ngưỡng nghèo trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên các nguồn tài trợ quốc tế sẽ ngày càng ít đi. Đồng thời, việc sử dụng nguồn tài trợ quốc tế có sự hạn chế do phải phụ thuộc vào sự lựa chọn mục tiêu và hành động của nhà tài trợ, dẫn đến sự thụ động trong công tác PCTHCTL của Việt Nam.

Do đó vấn đề cấp bách là cần thiết phải có lựa chọn mới về cơ chế tài chính để tăng cường đầu tư cho chương trình PCTHCTL. Việc PCTHCTL tuy là nhiệm vụ chung của toàn xã hội nhưng có nguyên nhân gốc rễ là do người sử dụng thuốc lá gây ra. Do đó người hút thuốc phải có trách nhiệm trực tiếp trong việc khắc phục hậu quả của hành vi hút thuốc dưới hình thức đóng góp tài chính cho công tác PCTHCTL. Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã áp dụng chính sách huy động bắt buộc sự đóng góp từ người hút thuốc trực tiếp gây ra tác hại để tạo lập nguồn quỹ PCTHCTL, từ đó thiết lập nền móng bảo đảm duy trì và phát triển công tác PCTHCTL và đạt kết quả tốt.

Thực tế một số quỹ đặc thù được thành lập tại Việt Nam phục vụ cho một mục tiêu xã hội cụ thể đã hoạt động thành công nhờ vào nguyên tắc xã hội hoá hoạt động trong huy động và sử dụng nguồn lực tài chính, điển hình là Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Do đó, để tổ chức hiệu quả hơn các biện pháp PCTHCTL thì nhu cầu tạo nguồn kinh phí đầy đủ, ổn định, thành lập một Quỹ riêng cho PCTHCTL là nhu cầu cấp thiết trong điều kiện PCTHCTL hiện nay của Việt Nam.

Nguyễn Thu


Ý kiến của bạn