Hà Nội

Nhọt ống tai ở trẻ nhỏ

04-11-2021 05:33 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Nhọt ống tai là bệnh lý khá thường gặp do tụ cầu khuẩn gây ra, làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong khi việc điều trị bệnh lý này ở người lớn là tương đối dễ dàng thì với trẻ nhỏ, đặc biệt với các trường hợp mới chỉ 1-2 tháng tuổi thì đây thực sự là một thử thách.

1. Nhọt ống tai ngoài là gì?

Nhọt ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, bệnh hay gặp ở một bên tai và vào mùa hè. Bệnh thường do nhóm tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến bã nhờn và nang lông ở ống tai ngoài.

2. Các giai đoạn của nhọt ống tai

- Giai đoạn 1-2 ngày đầu: Là giai đoạn khó nhất để chẩn đoán, bởi trẻ chỉ có duy nhất một triệu chứng là quấy khóc nhiều không dứt, thỉnh thoảng khóc thét lên. 

BS. Đỗ Duy Thanh – Khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, do không có các biểu hiện, triệu chứng đặc hiệu nên gia đình, người chăm sóc trẻ không phát hiện được bệnh lý nhọt ống tai ở trẻ. 

Thấy trẻ quấy khóc nhiều, gia đình chỉ biết dỗ dành, thậm chí có trường hợp còn mời thầy về "cúng mụ" cho trẻ. Chỉ đến khi thấy mủ chảy ra ở tai bé mới đưa bé đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng lên.

- Giai đoạn tiếp theo (1-2 ngày sau đó): Ống tai nề lên, khi soi ống tai thấy nhọt.

- Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, nhọt ống tai có thể diễn biến thành 2 dạng: hoặc tự vỡ và khỏi, hoặc tiếp tục lan tỏa ra ngoài phạm vi ống tai làm viêm hạch bạch huyết và mô mềm xung quanh. Đây cũng là giai đoạn nặng nhất của bệnh.

Nhọt ống tai ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Nhọt ống tai ở trẻ nhỏ.

3. Dấu hiệu trẻ bị nhọt ống tai

Theo BS. Đỗ Duy Thanh, để phát hiện sớm bệnh nhọt ống tai, cha mẹ, người chăm sóc cần chú ý quan sát trẻ. Khi trẻ quấy khóc liên tục một cách bất thường, hãy kiểm tra xem trẻ có khóc nhiều hơn khi va chạm vào tai không. 

Một phép thử đơn giản nhất là lúc trẻ đang tạm ngưng không khóc, ấn nhẹ vào vùng nắp tai của trẻ từng bên một, nếu trẻ khóc thét ngay lập tức thì có nghĩa là tai có vấn đề, khi đó hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ Tai Mũi Họng.

Một số triệu chứng phổ biển ở trẻ lớn hơn như:

  • Đau tai, đau toả lan ra vùng thái dương, gáy.
  • Đau khi há miệng, nhai hoặc khi ấn vào hoặc kéo vành tai.
  • Thính lực vẫn bình thường hoặc giảm nhẹ.
  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao khi viêm tấy, nhiễm trùng lan tỏa.
  • Nhọt nằm vùng cửa tai, ống tai phù nề, đỏ. Nếu nhọt bị vỡ gây chảy máu chảy mủ trong ống tai...

4. Điều trị nhọt ống tai

Khi bị nhọt ống tai, tùy vào mức độ, giai đoạn bệnh mà trẻ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh đường uống hay dùng thuốc nhỏ tai đơn thuần. 

Ở giai đoạn muộn, trẻ sẽ được chích rạch dẫn lưu mủ và dùng kháng sinh tiêm.

Nhọt ống tai ở trẻ nhỏ - Ảnh 3.

5. Cách phòng tránh nhọt ống tai ngoài

  • Không ngoáy tai bằng dụng cụ cứng và không được vô trùng.
  • Vệ sinh tai sạch sẽ hàng ngày, tránh để nước bẩn vào tai hoặc ứ đọng lại trong tai sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển.
  • Đi khám ngay nếu thấy xuất hiện triệu chứng bất thường về tai.
  • Không làm trầy xước ống tai.

  • Tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh. Hoặc khi vết thương sưng nóng đỏ đau, chảy dịch tiết nhiều.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý dùng thuốc khi bị sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn