Hà Nội

Nhộn nhịp từ chợ truyền thống đến online trong dịp Rằm tháng Giêng

03-02-2023 14:36 | Thị trường
google news

SKĐS - Sát rằm tháng Giêng, không chỉ ở các khu chợ truyền thống mà tại các nhóm chợ trên mạng xã hội facebook cũng nhộn nhịp buôn bán. Đặc biệt là dịch vụ đặt cỗ hay các loại bánh, xôi, gà online.

Người xưa vẫn có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Bởi vậy mà từ lâu, trong tâm thức người Việt, ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, ngay từ những ngày mùng 10 tháng Giêng, nhiều gia đình đã rục rịch chuẩn bị cho ngày rằm.

 - Ảnh 1.

Trong tâm thức người Việt, ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Ảnh: Quỳnh Mai

Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội, nhiều tiểu thương cho biết, khoảng 1-2 ngày trở lại đây, khách hàng đã bắt đầu đi mua gạo nếp, rau củ… hay đặt trước gà ngon, thịt lợn ngon, để chuẩn bị cho mâm cỗ. Mức tiêu thụ các loại thịt, cá cũng tăng hơn so với những ngày trước đó.

Với mặt hàng gia cầm, đặc biệt là gà, sẽ có giá bán từ 130.000 - 190.000 đồng/kg tùy loại; Mặt hàng thịt lợn như sườn, thịt mông, móng giò, chân giò… sẽ dao động ở mức 110.000 - 140.000 đồng/kg; Các loại cá như cá lăng, cá tầm, cá chép giòn dao động từ 170.000 - 310.000 đồng/kg…

 - Ảnh 2.

Mức tiêu thụ các loại thịt, cá cũng tăng hơn so với những ngày trước đó.

Ngoài các loại thực phẩm tươi sống, các loại rau củ và hoa quả cũng có mức tiêu thụ lớn. Hiện tại, giá xoài Cát Chu dao động từ 58.000 - 75.000 đồng/kg; roi đỏ đường 60.000 - 70.000 đồng/kg; các loại táo có giá từ 50.000 - 140.000 đồng/kg, thanh long 50.000 - 70.000 đồng/kg; cam Canh 40.000 - 70.000 đồng/kg;… Đối với các loại rau củ, do thời tiết khá thuận lợi để phát triển nên rau củ có mức giá tương đối ổn định.

 - Ảnh 3.

Ngoài các loại thực phẩm tươi sống, các loại rau củ và hoa quả cũng có mức tiêu thụ lớn.

Các loại hoa cũng có mức tiêu thụ cao trong những ngày này nhưng giá bán lại giảm so với thời gian trước Tết. Giá hoa hồng ở mức 50.000 - 80.000 đồng/chục, hoa cúc giá 35.000 - 70.000 đồng/chục, hoa dơn có giá 80.000 – 90.000 đồng/chục, giảm sâu nhất là hoa ly lùn, giá chỉ khoảng 45.000 – 50.000 đồng/chậu 5 cây….

Thị trường online sôi động không kém trước ngày rằm tháng Giêng

Không chỉ các khu chợ truyền thống, tại các tài khoản cá nhân hay nhóm chợ trên mạng xã hội facebook cũng nhộn nhịp không kém. Đặc biệt là dịch vụ đặt cỗ hay các loại bánh, xôi, gà online.

Chị Hà Minh (Hà Đông, Hà Nội) nhiều năm nay đã trở thành một cái tên được nhiều gia đình nhớ đến vào những ngày rằm, mùng một hay những ngày lễ. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Rằm tháng Giêng: Nhộn nhịp từ chợ truyền thống đến online - Ảnh 4.

Thị trường thực phẩm bán online sôi động trong những ngày sát rằm tháng Giêng. Nguồn ảnh: Facebook

Chị Minh cho biết, bản thân đã làm dịch vụ nấu mâm cỗ cúng từ nhiều năm nay nên có nhiều khách quen. Rằm tháng Giêng năm nay chị cũng đã có nhiều khách đặt mâm cỗ cúng từ cách đây cả tuần. Trung bình giá cho mỗi mâm cỗ từ 1,2 triệu đồng – hơn 2 triệu đồng tùy vào số lượng các món ăn. Vì giá thành hợp lý nên với những gia đình bận rộn, hoặc không khéo trong khoản nấu nướng thì việc "nhờ" vào chị Minh là một lựa chọn đáng tin cậy.

Chị Thanh Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong những ngày gần đây chị cũng tích cực đăng bài về các loại bánh cho ngày rằm sắp tới. Với kinh nghiệm làm bánh nhiều năm, việc bán bánh online giúp chị có được lượng khách ổn định hơn. Đặc biệt vào những ngày lễ Tết, chỉ ở nhà làm bánh và chốt đơn cho khách cũng khiến chị phải "hoa mắt, chóng mặt", thậm chí không có thời gian dành cho con cái hay bản thân.

Rằm tháng Giêng: Nhộn nhịp từ chợ truyền thống đến online - Ảnh 5.

Bánh bao cam và bánh bao đào tiên nhân kim sa là hai loại bánh chủ đạo chị Thủy sẽ bán trong dịp rằm tháng Giêng năm nay.

"Mình hướng đến những loại bánh độc, lạ, đẹp mắt, vị thanh nên được lòng khá nhiều khách hàng. Nhất là với những loại bánh để ban thờ vào các ngày lễ Tết hay rằm tháng Giêng thì càng cần phải cầu kỳ về hình thức nhiều hơn. Năm nay vào ngày rằm tháng Giêng mình chỉ tập trung chủ yếu là hai bánh, bánh bao cam vàng và đào tiên nhân kim sa vì nếu làm quá nhiều loại thì sẽ "loãng" và mình cũng không thể có đủ thời gian", chị Thanh Thủy chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài những mâm cỗ truyền thống thì nhiều năm trở lại đây, xu hướng ăn chay vào những ngày rằm, mùng một khá phổ biến nên thị trường sản phẩm chay ngày càng đa dạng. Đặc biệt dịch vụ cỗ chay vào những ngày này cũng phải chạy "hết công suất".

Nhiều chủ cửa hàng đồ chay cho biết, vì các món chay chủ yếu được làm từ rau, củ, quả tươi như nấm, rau cải, cà rốt, cải thảo, khoai tây… nên giá thành sẽ thấp hơn so với mâm cỗ truyền thống, chỉ từ 600.000 – 1 triệu đồng. Với những ngày rằm hay lễ Tết thì giá cả cũng không thay đổi nhiều, chỉ có điều khách hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn so với ngày thường.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Danh tính tài xế ô tô tông bé trai sinh năm 2021 tử vong thương tâm tại TP Phú Quốc .


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn