Nhốn nháo các lò gạch thủ công

24-05-2017 9:49 AM | Xã hội

SKĐS - Đáng ra các lò gạch thủ công dựng lên từ công nghệ lạc hậu đã phải xóa sổ từ lâu theo kế hoạch của Chính phủ bởi lượng khí thải rất nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Đáng ra các lò gạch thủ công dựng lên từ công nghệ lạc hậu đã phải xóa sổ từ lâu theo kế hoạch của Chính phủ bởi lượng khí thải rất nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường khu vực nặng nề. Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực của một số địa phương, hiện còn nhiều nơi do buông lỏng quản lý, nể nang “tình làng nghĩa xóm” hay bế tắc về đầu ra cho lao động…  nên khói lò gạch vẫn tỏa nồng nặc…

Lò thủ công “nấn ná” bám trụ

Ngày 28/4/2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTG của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể là: Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Cũng vì lộ trình xóa bỏ dần dần nên các lò thủ công vẫn cố nấn ná hoạt động trong sự bức xúc và khó xử của cả địa phương lẫn người dân khu vực.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 13/3/2017, vẫn còn 191 lò gạch đang hoạt động. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UB về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, nội dung là không cấp phép đầu tư mới các lò thủ công, lò thủ công cải tiến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu (khoảng cách tính từ lò gạch đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 21/12/2014.Những lò gạch thủ công vẫn nhả khói, thể hiện sự thiếu quyết liệt và bế tắc trong giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương.

Những lò gạch thủ công vẫn nhả khói, thể hiện sự thiếu quyết liệt và bế tắc trong giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công vẫn mở rộng sản xuất. Xã Thái Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang hiện còn tổng số 80 lò sản xuất gạch thủ công của 43 hộ dân, đã hoạt động nhiều năm nay. Trung bình mỗi đợt nung một lò cho ra khoảng 10 - 15 vạn viên thành phẩm. Đốt lò cần 15 - 16m³ than và củi cho một đợt, thời gian kéo dài 2 ngày 2 đêm. Trong thời gian ấy, khói sẽ liên tục thải ra qua ống khói đơn sơ cao từ 7-10m, lan tỏa khắp vùng.

Người dân quanh đây cho biết, nhiều lần chính quyền xuống kiểm tra nhưng chưa có thay đổi gì. Khói bụi vẫn mù mịt đến rát cổ, bỏng họng. Nguyên liệu được thu mua từ đất đồi, thậm chí là cả đất sản xuất của người dân khiến hàng trăm hécta đất nông nghiệp bị hoang hóa. Cũng vì các chủ lò gạch ở đây đều là người địa phương, nhân công cũng chủ yếu là người của xã, thôn nên rất khó khăn cho việc phản ánh.

Không chỉ ở tỉnh xa, ngay Hà Nội, nhiều lò gạch thủ công ở 2 xã Long Xuyên và Võng Xuyên thuộc huyện Phúc Thọ vẫn ngang nhiên hoạt động. Những ngày hè nắng nóng, không khí tại các làng gạch càng trở nên ngột ngạt. Rất nhiều ống khói của các lò gạch thả những cột khói đen đặc quánh lên trời.

Lo… thất nghiệp, cố “gỡ gạc”

Nguyên nhân chính của sự chậm chạp trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở nhiều địa phương là nỗi lo việc làm cho người dân và lo thu hồi vốn đầu tư của các chủ lò.

Theo đại diện UBND xã Thái Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang - nơi đang có đến 80 lò thủ công hoạt động và “nuôi” được hơn 1.000 lao động, do địa phương chưa có phương hướng nào để chuyển đổi việc làm cho số nhân công này. Xã đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, tuyên truyền vận động để người dân ký cam kết ngừng hoạt động của lò thủ công nhưng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, xã rất lúng túng vì làm mạnh tay thì số lượng nhân công tại các cơ sở sản xuất trên sẽ không biết chuyển sang công việc gì.

“Đồng cảnh ngộ”, mặc dù thừa nhận sự tồn tại của những lò gạch thủ công là bất cập nhưng chính quyền các xã có lò gạch thủ công ở huyện Phúc Thọ cho biết vẫn đang chờ UBND TP. Hà Nội trả lời về yêu cầu gia hạn thêm thời gian ngừng hoạt động nên các chủ lò gạch cố hoạt động để sử dụng nốt quỹ đất, thu hồi vốn, tạm thời giải quyết công việc cho hàng trăm công nhân…

Đại diện các chủ lò gạch huyện Phúc Thọ bộc bạch, năm 2014, được sự phê duyệt của UBND huyện Phúc Thọ, các chủ cơ sở vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động theo công nghệ Bách khoa của Công ty Đức Chung. Tuy nhiên, chi phí trả lao động cao, nguyên vật liệu đắt, giá thành bán ra thấp. Do vậy, hầu hết các cơ sở không thu hồi được vốn, nếu xóa bỏ lò gạch ngay, hàng trăm công nhân có nguy cơ thất nghiệp.

Có thể thấy, do bám rễ quá lâu vào nền tảng cũ kỹ, lạc hậu cho nên lượng nhân công ở những nơi có lò gạch thủ công tồn tại đều là tay nghề thấp, quỹ đất dành cho nông nghiệp đã bị khai thác triệt để. Việc xóa bỏ lò và chuyển đổi nghề cho người dân là nỗi lo rất lớn của địa phương. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được. Bên cạnh sự quyết liệt, các lãnh đạo địa phương cần đề xuất những giải pháp hỗ trợ để các lò gạch chuyển đổi thành công nghệ cao, phù hợp với quy định và bảo vệ môi trường, đồng thời vẫn tạo công ăn việc làm cho người dân. Đây chính là lúc người dân trông đợi vào sự mạnh dạn, sáng suốt của đội ngũ lãnh đạo hơn cả.


Bình An
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH