Nhóm thuốc nitrat trong phòng ngừa và điều trị cơn đau thắt ngực

03-11-2015 10:25 | Dược
google news

SKĐS - Nhóm thuốc nitrat là những thuốc được sử dụng chủ yếu trong phòng ngừa và điều trị cơn đau thắt ngực. Khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc, giúp phòng tránh các tác hại mà nhóm thuốc này có thể gây ra!

Nhóm thuốc nitrat

Nhóm thuốc nitrat gồm có các thuốc sau:

- Glyceryl trinitrat (nitroglycerin).

- Isosorbid dinitrat.

- Isosorbid mononitrat.

Phân loại:

Các thuốc nhóm nitrat được chia làm 2 loại tùy theo mức độ phóng thích hoạt chất: loại tác dụng nhanh và loại tác dụng kéo dài.

Loại tác dụng nhanh: hoạt chất phóng thích nhanh giúp cắt cơn đau thắt ngực hoặc phòng ngừa cơn đau thắt ngực trước một hoạt động gắng sức.

- Glycerin trinitrat: được sử dụng ở dạng thuốc viên ngậm hay thuốc xịt dưới lưỡi, hoạt chất phóng thích nhanh nên có tác dụng nhanh chỉ sau một vài phút sử dụng.

- Isosorbid dinitrat và isosorbid mononitrat (chất chuyển hóa chính của isosorbid dinitrat) được sử dụng ở dạng thuốc ngậm hay thuốc xịt dưới lưỡi có tác dụng nhanh (nhưng chậm hơn so với glycerin trinitrat).

Loại tác dụng kéo dài: hoạt chất phóng thích chậm có tác dụng kéo dài, thường được sử dụng mỗi ngày để phòng ngừa cơn đau thắt ngực trong các hoạt động hàng ngày.

- Glycerin trinitrat: được sử dụng ở dạng thuốc viên uống hay thuốc dán, thuốc mỡ, có tác dụng chậm và kéo dài trong ngày.

- Isosorbid dinitrat và isosorbid mononitrat: được sử dụng ở dạng thuốc viên uống (viên nén, viên nang), có tác dụng chậm và kéo dài trong ngày.

Cơ chế hoạt động:

Đau thắt ngực xảy ra khi động mạch vành bị hẹp (do xơ vữa động mạch) nên không cung cấp đủ máu và oxy cho hoạt động của cơ tim.

Nhóm thuốc nitrat có tác dụng giãn mạch vừa ở động mạch, vừa ở tĩnh mạch, nên làm tăng lưu lượng máu qua tim và làm giảm lượng máu về tim. Do đó, các thuốc này góp phần làm giảm áp lực lên tim, cung cấp đủ máu và oxy cho hoạt động của cơ tim.

Các chỉ định của nhóm thuốc nitrat:

Đối với bệnh đau thắt ngực, nhóm thuốc nitrat thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

- Điều trị cơn đau thắt ngực.

- Phòng ngừa cơn đau thắt ngực trước một hoạt động gắng sức có thể gây ra đau thắt ngực (tập thể dục, leo cầu thang, hoạt động tình dục…). Thuốc được sử dụng ngay trước khi bắt đầu thực hiện hoạt động này.

- Phòng ngừa đau thắt ngực trong các hoạt động hàng ngày. Thuốc được sử dụng mỗi ngày.

Ngoài ra, nhóm thuốc nitrat còn được sử dụng trong điều trị suy tim, nhồi máu cơ tim.

Những lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc nitrat

Glycerin trinitrat ở dạng thuốc viên rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng nên cần được bảo quản trong lọ kín tránh ánh sáng, đặt nơi khô mát. Khi lọ thuốc đã mở ra, không nên sử dụng quá 6 tháng, nên thay bằng một lọ thuốc mới khác.

Khi sử dụng thuốc viên ngậm dưới lưỡi glycerin trinitrat để làm ngưng cơn đau thắt ngực, nếu sau 5 phút không thấy hiệu quả nên tiếp tục sử dụng viên thuốc khác. Nếu sau 15 phút vẫn không thuyên giảm, cần nhanh chóng nhập viện để cấp cứu!

Các thuốc nhóm nitrat nên được uống trong tư thế ngồi để tránh hạ huyết áp đột ngột. Với dạng thuốc ngậm dưới lưỡi, nên để viên thuốc từ từ hòa tan dưới lưỡi. Với dạng thuốc phóng thích chậm tác dụng kéo dài, thuốc phải được uống nguyên viên không được bẻ hay nhai viên thuốc.

Tuyệt đối không được ngưng sử dụng các thuốc nhóm nitrat một cách đột ngột mà giảm liều một cách từ từ, do gây ra hiệu ứng ngược làm gia tăng các cơn đau thắt ngực đe dọa đến tính mạng!

Nhóm thuốc nitrat thường gây ra tác dụng phụ nhức đầu, hạ huyết áp, choáng váng, chóng mặt, đỏ bừng mặt, khô miệng…

Không sử dụng nhóm thuốc nitrat cho phụ nữ mang thai hay đang cho con bú, người bị huyết áp thấp, tăng nhãn áp, tăng áp lực nội sọ, thiếu máu nghiêm trọng, viêm màng ngoài tim thất, hẹp van hai lá…

Không được sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5) như: sildenafil, tadalafil… vì gây tác hại nguy hiểm trên tim.

Nhóm thuốc nitrat là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng và phải tuân theo chỉ định điều trị của thầy thuốc!

DS. MAI XUÂN DŨNG


Ý kiến của bạn