Hà Nội

Nhóm sơ cứu miễn phí giúp đỡ hàng nghìn người gặp tai nạn giao thông ở Hà Nội

18-04-2022 15:20 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - “Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn, vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi”, người sáng lập nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội chia sẻ.

Sáng 12/4, tại khu vực ngã năm Phan Chu Trinh - Lò Đúc (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến cô gái 17 tuổi co giật tại chỗ. Trong tình thế nguy cấp, một nhóm cứu hộ đã kịp thời có mặt ở hiện trường kịp thời để sơ cứu cho nạn nhân. Thời điểm ấy trời mưa to, rất nhiều người đi đường chứng kiến đã dùng áo mưa che cho nạn nhân và nhân viên cứu hộ. Hành động đẹp trên được ví như làn gió ấm giữa cơn mưa phùn Hà Nội và được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, những người tham gia cứu hộ tai nạn giao thông nói trên là nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí (FAS Angel) do anh Phạm Quốc Việt (SN 1987) lập ra từ tháng 9/2019. Hiện nhóm có trên 100 thành viên, hầu hết là các xe ôm công nghệ, trong đó có 10 thành viên "cứng", 24 thành viên hoạt động thường xuyên, số còn lại là những người tham gia hỗ trợ.

Chuyện chưa kể về hơn 100 người tham gia nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 1.

Bức ảnh người dân che mưa cho nạn nhân bị tai nạn và đội cứu hộ được chia sẻ trên mạng xã hội.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập nhóm, anh Việt cho biết, vào cuối năm 2016, khi đang lưu thông trên đường tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, anh bị một xe máy tông trúng và bất tỉnh trên đường. Cơ thể anh khi ấy bị đông cứng bởi những vết thương, anh ngóng đợi người qua đường cứu giúp, nhưng đáp lại chỉ là những ánh mắt e dè, rồi vội vàng đi qua...

Anh Việt lấy hết chút sức lực còn lại để giơ cánh tay lên, ra hiệu cho người đi đường là mình còn sống. Cuối cùng, cũng có 1 người phụ nữ dừng lại và gọi xe cứu thương. Cái cảm giác cô độc, bị bỏ rơi đó vẫn cứ ám ảnh anh mãi về sau. Vậy nên anh quyết định lập ra nhóm Hỗ trợ sơ cứu miễn phí để tham gia cứu giúp mọi người khi gặp những tình huống cần thiết.

Nhóm sơ cứu miễn phí giúp đỡ hàng nghìn người gặp tai nạn giao thông ở Hà Nội - Ảnh 2.

Một buổi thực hành sơ cứu dành cho các thành viên mới tham gia FAS Angel.

Chuyện chưa kể về hơn 100 người tham gia nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hàng tuần, FAS Angel tổ chức những buổi chia sẻ về kiến thức sơ cứu hiện trường.

Anh Việt cho biết, gia đình anh có nhiều người công tác trong ngành y tế, bản thân anh cũng được học sơ cứu trong quân ngũ và trước khi lập nhóm đã đi học thêm một khoá đào tạo sơ cứu người gặp nạn.

Để việc sơ cứu người bị nạn đúng cách, hàng tháng anh đều cùng chuyên gia mở các lớp tập huấn cho các thành viên; hàng tuần mọi người lại họp chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi thành viên trung bình phải hỗ trợ, tham gia sơ cứu cho trên 50 trường hợp thì mới được phân công tại 1/10 điểm chốt trực trong TP Hà Nội.

"Thông thường sau khi tiếp nhận cuộc gọi cần hỗ trợ, các thành viên trong nhóm sẽ kết nối zalo, yêu cầu người có mặt ở hiện trường gửi hình ảnh nạn nhân để đội đánh giá sơ qua về tình trạng và lựa chọn phương pháp sơ cứu phù hợp. Với những ca nặng, bên cạnh việc nhanh chóng đến hiện trường để hỗ trợ, các thành viên sẽ liên lạc với bệnh viện gần nhất để tiếp nhận bệnh nhân", anh Việt chia sẻ thêm.

Chuyện chưa kể về hơn 100 người tham gia nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 2.

Anh Việt và các thành viên FAS Angel đều mong muốn - con người quan tâm tới con người và chúng ta có niềm tin vào nhau.

Ban đầu, FAS Angel được thành lập với chỉ vỏn vẹn 5 thành viên và tự góp tiền mua trang thiết bị hỗ trợ người bị tai nạn. Về sau khi việc tốt được lan toả, số lượng người sát cánh cùng mình đã tăng dần nên anh Việt đã phân nhiệm vụ rõ ràng và chia đội, khu vực trực cụ thể cho các nhóm để hoạt động hiệu quả.

Là một trong năm thành viên đầu tiên của đội, anh Đỗ Tiến Dũng (sinh năm 1991, quê ở Hà Nội) cho biết: "Như nhiều thành viên khác, tôi cũng có những khó khăn trong cuộc sống. Song mỗi ngày đồng hành cùng đội để cứu giúp những người bị nạn, tôi càng thêm trân trọng những giá trị của cuộc sống, rằng không có món quà nào trao gửi đến người khác có ý nghĩa hơn là sự hy vọng".

Chuyện chưa kể về hơn 100 người tham gia nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 3.

Dụng cụ sơ cứu mang theo bên mình của các thành viên FAS Angel.

Theo anh Phạm Quốc Việt, FAS Angel luôn cố gắng duy trì 10 chốt trực trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Sẵn sàng trong mọi tình huống khẩn cấp và linh hoạt ứng phó với các trường hợp được lực lượng chức năng yêu cầu hỗ trợ.

"Bất cứ ai thuộc FAS Angel đều có khả năng sơ cứu cơ bản và sẵn sàng để làm điều đó. Chúng tôi cũng chỉ tập trung vào công tác sơ cứu, duy trì tình trạng cho nạn nhân chứ không can thiệp sâu. Trong mọi tình huống, lực lượng thành viên, tình nguyện viên đều sẵn sàng, không để ai đã gọi điện cầu cứu phải chờ đợi quá lâu (tối đa trong 10 phút).

Sau đó tùy vào mức độ của nạn nhân, nếu nạn nhân quá nặng, cần đưa đi khẩn cấp thì sẽ tính mọi phương án để đưa nạn nhân đi một cách an toàn, còn không thì sẽ chờ xe cấp cứu của 115 đến và bàn giao lại. Sau đó sẽ cắt cử một đến hai người ở lại để bảo vệ hiện trường cho đến khi cơ quan chức năng đến tiếp nhận", anh Việt nói và cho biết - trung bình mỗi năm đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông có mức độ khác nhau.

Chuyện chưa kể về hơn 100 người tham gia nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí ở Hà Nội - Ảnh 4.

Sau 3 năm hoạt động, FAS Angel đã hỗ trợ các nạn nhân trong hàng nghìn vụ tai nạn, từ những xây xước nhẹ nhất đến nguy kịch.

Hiện nay đội của anh đã phát đi 22 nghìn con tem trong thành phố Hà Nội để khi cần mọi người dân có thể liên hệ hỗ trợ.

"Cuối năm 2021, chúng tôi mua được 1 chiếc xe cứu thương cũ từ tiền ủng hộ của mạnh thường quân. Chúng tôi hy vọng sau này sẽ có thêm nhiều chiếc xe nữa túc trực ở các địa điểm khác nhau trên toàn TP Hà Nội để hỗ trợ người gặp nạn kịp thời hơn", anh Việt chia sẻ.

"Trong quá trình hoạt động, vui nhất không phải là khi người dân hay người nhà nạn nhân ủng hộ mình thứ gì mà chính là người được mình sơ cứu đã tai qua, nạn khỏi. Có thể họ không biết mình, nhưng họ biết đã có người giúp họ lúc nguy nan và bản thân họ cũng nên làm như vậy khi có cơ hội", người đàn ông quê Nam Định bày tỏ.

Không chỉ thành lập ra đội để hỗ trợ người khác, các thành viên FAS Angel còn rất tích cực hiến máu, hiến tiểu cầu để góp phần duy trì sự sống cho các bệnh nhân cần truyền máu. Hiện nay nhóm đã kêu gọi được khoảng 20 thành viên đã tham gia hiến máu và đang tiếp tục tìm kiếm thêm những tình nguyện viên khác để tham gia hoạt động ý nghĩa này.


Thành Long
Ý kiến của bạn