Sau 4 năm hoạt động kể từ năm 2011, Nhóm y sinh đã tổ chức thành công Hội thảo đầu tiên tại Đại học Tsukuba vừa qua. Hội thảo này không chỉ đánh dấu bước đi chuyên nghiệp về mặt hoạt động mà đây còn là một sự kiện khẳng định sự lớn mạnh của nhóm trí thức trẻ trong lĩnh vực chuyên sâu về y và sinh học tại Nhật Bản. Các nội dung chia sẻ không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật bao gồm các nghiên cứu ứng dụng và cả nghiên cứu về y tế cộng đồng, mà còn cho thấy sự gắn kết mạnh mẽ và trưởng thành của Nhóm y sinh.
Các nhà nghiên cứu Việt đã chia sẻ những nghiên cứu ứng dụng của mình tại hội thảo, rất nhiều trong đó có giá trị cao về mặt khoa học và ứng dụng như nghiên cứu về "Cơ chế tự tưỡng và dị dưỡng của loại vi khuẩn hydro-oxi hóa ưa nhiệt Hydrogenophilus thermoluteolus TH-1" của TS. Nguyễn Hữu Trí, ĐH Tokyo có tiềm năng trong tương lai để sản xuất tổng hợp dưỡng chất từ vi khuẩn. Hoặc "Nghiên cứu ứng dụng cơ chế và vật liệu nano vào việc điều trị bệnh viêm ruột và ung thư đại tràng" của TS. Vòng Bính Long có ý nghĩa trong việc áp dụng điều trị bệnh nhân ung thư. Những nghiên cứu ở cấp độ tế bào, phân tử về ung thư, tim mạch như Nghiên cứu sử dụng hệ thống CRISPR/Cas9 để tạo ra chuột bạch tạng C57BL/6J bằng đột biến Nucleotide đơn (TS. Đinh Thị Hương Trà) hay nghiên cứu phân tích chức năng của các túi vi thể chiết xuất từ tế bào màng để kích thích sự hình thành màng mạch (TS. Trần Cẩm Tú) là những đóng góp về khoa học, giúp cho con người hiểu biết cơ chế phân tử ung thư, góp phần hỗ trợ điều trị trong tương lai. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về những công nghệ, vật liệu mới như vật liệu nano cũng là một trong những tâm điểm nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu về về ruthenium bipyridine - Ru(bpy)32 có thể ứng dụng trong sinh học và y học (NCS TS. Trần Thị Thanh Thỏa).
Lắng nghe, trao đổi các nghiên cứu của các nhà khoa học Việt.
Bên cạnh các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là các các nghiên cứu về lâm sàng do chính các nghiên cứu viên của Việt Nam thực hiện, như nghiên cứu dùng chỉ số Natri niệu có trong huyết tương não (BNP) để chẩn đoán tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân chạy thận nhân tạo do TS. BS Phạm Nguyên Quý thực hiện tại Nhật, hay nghiên cứu về các nguy cơ phát triển của học sinh trước tuổi đi học của của TS. Nguyễn Hữu Châu Đức thực hiện tại Việt Nam. Đến tham gia hội thảo còn có các nhà nghiên cứu và các báo cáo viên quốc tế, chẳng hạn như TS. Dr. Adam F. Izzeldin đến từ Sudan với nghiên cứu về "Tác động của tư vấn gia đình trong việc sử dụng ké hoạch hóa gia đình ở các vùng chịu ảnh hưởng của nội chiến tại Dafur, Sudan" hay của TS. Mosiur Rahman từ Nepal về "các hành vi sinh sản có nguy cơ cao của bà mẹ và nguy cơ thiếu dinh dưỡng trường diễn của trẻ dưới 5 tuổi tại Ấn Độ, Bangladesh, và Nepal".
Sở dĩ Nhóm y sinh thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các du học sinh, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tại Nhật Bản là do đáp ứng được nhu cầu và mong muốn chia sẻ về chuyên môn, tạo mạng lưới liên kết nhằm hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho các du học sinh, người làm nghiên cứu tại khu vực Tokyo, Tsukuba và các vùng lân cận. Nhóm không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ thành viên trong thời gian ở Nhật Bản mà nhiều thành viên ở Việt Nam cũng được mọi người giúp chia sẻ các bài báo nghiên cứu, giới thiệu những cuốn sách chuyên ngành hay hướng nghiên cứu mới và quan trọng là giải đáp, tìm cách khắc phục những thắc mắc trong nghiên cứu.
Số lượng thành viên của nhóm đã lên tới 390 thành viên và không ngừng tăng lên. Đây là ngôi nhà chung quy tụ các nghiên cứu sau tiến sĩ, các nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học và không chỉ giới hạn ở Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác. Hàng tháng, nhóm thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn với tên gọi thân mật là "Họp mặt nhóm Y Sinh". Tại các buổi sinh hoạt, có những lúc tranh luận nảy lửa vì chuyên nghành của thành viên rất gần nhau nhưng cũng nhờ đó mà các vấn đề được mổ xẻ nghiêm túc, những ý tưởng mới được hình thành. Đó cũng là cơ hội cho nhiều thành viên ”tập dượt” bài báo cáo của mình trước một ban bệ khó tính trước khi tham dự hội thảo hay kì báo cáo tốt nghiệp.
Tại buổi hội thảo
Nhóm có những thành viên đã có những công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí hàng đầu của thế giới như TS. Trần Huy Thịnh, TS. Nguyễn Thanh Bình, TS. Lê Tiến Dũng…..hay có những đóng góp cho việc phổ biến kiến thức đến cộng đồng. Có các thành viên của nhóm như ThS. Đỗ Đăng An, TS. Đỗ Thuận An,...nay đã về nước và đang góp sức cho công tác mới hay có những thành viên đang tiếp tục làm việc ở bệnh viện, viện nghiên cứu tại Nhật như TS.BS . Phạm Nguyên Quý, TS. Ngô Xuân Kiên, TS. Vòng Bính Long ...cũng có những thành viên đã đi sang nước khác để tiếp tục nghiên cứu như ThS. Hoàng Huy Dũng, TS. Nguyễn Hữu Quân. Tất cả vẫn kết nối cùng nhau tạo nên một mạng lưới liên kết và tham gia cùng sinh hoạt nhóm online. Từ khi sinh hoạt chung trong Nhóm Y Sinh mà các thành viên đã thành lập nên các nhóm khác như Tổ chức Betoaji vừa quảng bá cho ẩm thực Việt Nam vừa gây quỹ hỗ trợ hơn 1 triệu Yên cho trẻ em nghèo Việt Nam tại Easup năm 2014.
Với giao lưu quốc tế lần đầu tiên này, Nhóm Y Sinh muốn đặt nền móng cho những lần tổ chức tiếp theo và duy trì như hoạt động thường niên của Nhóm cũng như mở rộng phạm vi hoạt động và tạo mối liên kết với nhiều thành viên hơn. Tôi cảm nhận Hội thảo lần này còn có nhiều đặc biệt hơn nhiều hội thảo tôi có dịp tham dự. Ở hội thảo chúng tôi không chỉ nhìn thấy những nhà khoa học trẻ đang hào hứng chia sẻ những nghiên cứu của mình mà còn nhen nhóm một hy vọng về nhóm những người nghiên cứu trẻ người Việt sẽ kết nên một sức mạnh cộng đồng và đóng góp không nhỏ cho những nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh.
TS.BS. Phạm Nguyên Quý cho biết: " Trong nhóm có khá nhiều thành viên đang là bác sĩ tại các bệnh viện lớn, nên rất hy vọng chúng ta sẽ có thể cùng nhau thực hiện các nghiên cứu y sinh kết hợp (translational research), giúp nghiên cứu bám sát tình hình thực tiễn và giúp đưa các kết quả nghiên cứu cơ bản thành ứng dụng lâm sàng trong thời gian sớm nhất”.
Trần Thị Thanh Thỏa (Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Riken)