Nhồi máu não và thuốc điều trị

09-07-2009 08:28 | Dược
google news

Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ, nhũn não) xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khu vực tưới bởi mạch đó bị thiếu máu và hoại tử. Ở Pháp, nhồi máu não chiếm khoảng 80 - 85% trong tổng số các bệnh nhân tai biến mạch máu não (TBMMN)

Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ, nhũn não) xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khu vực tưới bởi mạch đó bị thiếu máu và hoại tử. Ở Pháp, nhồi máu não chiếm khoảng 80 - 85% trong tổng số các bệnh nhân tai biến mạch máu não (TBMMN); Việt Nam, nhồi máu não chiếm khoảng 60%. TBMMN là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, đồng thời là một bệnh gây tàn phế mắc phải đứng hàng thứ nhất ở người trưởng thành, là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và xã hội.

Điều trị nhồi máu não cần điều trị triệu chứng, điều trị bệnh ở giai đoạn cấp và điều trị dự phòng tái phát

Điều trị triệu chứng

Mạch máu bị tắc nghẽn gây nhồi máu não.

- Nhập viện và nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường ở giai đoạn cấp để giữ tưới máu não tốt.

- Bảo đảm thông thoáng đường hô hấp để tránh những biến chứng phổi liên quan đến hít vào hoặc ứ tiết phế quản: Ngừng cho ăn bằng đường miệng trong trường hợp rối loạn ý thức và rối loạn nuốt; Hút đờm rãi; thở ôxy qua ống thông mũi nếu cần; đặt nội khí quản hoặc thở máy khi cần thiết; vỗ rung phổi; tư thế nửa nằm - nửa ngồi sau 2 - 3 ngày khi tình trạng huyết động học cho phép.

- Bảo đảm huyết áp (HA) động mạch: Tăng HA gặp khoảng 85% trong nhồi máu não, đó là tăng HA thứ phát hay gặp do phản ứng thực vật để giữ lưu lượng máu não, vì vậy khi hạ HA sẽ gây nhồi máu não nặng lên, nhất là trong những trường hợp hẹp động mạch nặng; phải theo dõi HA nhiều ngày, nếu có thể với monitoring trong trường hợp tăng HA không ổn định; hạ HA phải hạ từ từ, vừa phải; không dùng những thuốc hạ HA nhanh (adalate dưới lưỡi).

Bảo đảm tốt chức năng của tim: Theo dõi qua monitoring tim trong thời gian ít nhất 48 giờ; điều trị thuốc chống loạn nhịp nếu có; điều trị triệu chứng của suy tim.

- Bảo đảm thăng bằng nước, điện giải và dinh dưỡng: Truyền G5% điện giải trong những ngày đầu (cần kiểm soát tốt đường máu và natri máu); ăn bằng đường miệng nếu tình trạng ý thức cho phép hoặc cho ăn bằng ống thông dạ dày khi bệnh nhân có rối loạn ý thức hay rối loạn nuốt.

- Điều trị dự phòng các biến chứng tắc mạch: thuốc chống đông với liều dự phòng.

- Chỉ điều trị thuốc chống động kinh khi có chẩn đoán chắc chắn.

- Điều trị chống phù não: không đặt ra vì ngày đầu phù não do ngộ độc tế bào không tác dụng với mannitol, hơn nữa còn có nguy cơ gây phù não thứ phát.

- Chăm sóc: nằm đệm nước, thay đổi tư thế nằm 4giờ/lần, xoa bóp vùng tì đè, chăm sóc mắt và miệng, đặt ống thông bàng quang nếu cần.

- Tập phục hồi chức năng: Tập vận động thụ động lúc đầu sau đó chủ động; Tập phục hồi chức năng ngôn ngữ sớm trong trường hợp nói khó.

- Theo dõi: Theo dõi sát mạch, HA, ý thức, tần số thở, tình trạng thần kinh 4giờ/lần; theo dõi nhiệt độ và lượng nước tiểu 8 giờ/lần; phát hiện rối loạn nuốt để đặt ống thông dạ dày; phát hiện và điều trị sớm viêm phổi và đường tiết niệu.

Điều trị thuốc chống đông ở giai đoạn cấp

Thuốc chống đông không có tác dụng làm tan cục huyết khối nhưng làm hạn chế phát triển và phòng tái phát.

Heparine (bơm điện) được chỉ định trong giai đoạn cấp với liều lượng vừa phải, mục đích đạt TCA 1,5 - 2 lần so với chứng tùy thuộc từng trường hợp với kiểm soát hằng ngày tình trạng cầm máu.

Chỉ định: Nhồi máu não thứ phát sau bệnh tim gây tắc mạch (trừ trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và u nhầy tiểu nhĩ trái); thiếu máu não cục bộ hình thành đang tiến triển nặng lên; bóc tách ĐM vùng cổ ngoài sọ.

Chống chỉ định: Loét dạ dày tá tràng hoặc các bệnh chảy máu khác; nhồi máu não rộng; nhồi máu xuất huyết; rối loạn ý thức.

- Sau giai đoạn thuốc chống đông có thể dùng thuốc kháng vitamin K hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Trong trường hợp nặng lên khi dùng thuốc chống đông cần chụp cắt lớp vi tính sọ não lần 2 để tìm biến chứng nhồi máu xuất huyết.

Điều trị dự phòng tái phát

Điều trị tốt các yếu tố nguy cơ của TBMMN: kiểm soát tốt HA; ngừng hút thuốc lá; kiểm soát tốt đường máu; chế độ ăn kiêng mỡ động vật và điều trị tăng cholesterol máu; bóc lớp áo trong của ĐM cảnh khi hẹp trên 70%.

Điều trị thuốc chống ngưng tập tiều cầu: aspirin 100 - 300mg/ngày x 3 tháng trong trường hợp nhồi máu não lần đầu hoặc thiếu máu não cục bộ thoảng qua; 6 tháng trong trường hợp nhồi máu não tái phát (cần tuân thủ chống chỉ định).

Điều trị thuốc kháng vitamin K trong trường hợp nhồi máu não có nguồn gốc từ tim.

BS. Khúc Thị Nhẹn


Ý kiến của bạn