Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

25-10-2024 09:08 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Nhồi máu não còn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn, dẫn đến thiếu cung cấp máu lên não. Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vị trí và kích thước của vùng não bị nhồi máu.

Nhồi máu não nếu không được khắc phục kịp thời có thể gây ra tình trạng hoại tử não do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Thời gian cấp cứu bệnh nhồi máu não càng chậm trễ thì nguy cơ dẫn đến hoại tử càng cao. Phần não nếu đã bị hoại tử do nhồi máu không còn khả năng hồi phục.

Tiên lượng sau nhồi máu khác nhau giữa các bệnh nhân, tùy thuộc vào mức độ nhồi máu và những bệnh lý kèm theo, tuổi, cũng như các biến chứng sau nhồi máu.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

Nhồi máu não là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ.

 1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu não

1.1. Các nguyên nhân chính gây nhồi máu não:

Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Xơ vữa động mạch làm hẹp và cứng các thành động mạch, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành và gây tắc nghẽn dòng máu lưu thông đến não. Xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn chiếm 50%, gồm 45% mạch máu lớn ngoài sọ và 5% mạch máu lớn trong sọ.

Huyết khối từ tim: Các cục máu đông hình thành trong tim, thường ở những người bị rung nhĩ, bệnh van tim, hoặc suy tim, có thể di chuyển lên não và gây tắc mạch. Huyết khối từ tim như bệnh van tim, rung nhĩ,… chiếm 20%.

Tắc mạch máu nhỏ: Các mạch máu nhỏ trong não bị tắc nghẽn, thường do tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các bệnh lý mạch máu khác. Tắc các mạch máu nhỏ trong não chiếm 25%.

Các nguyên nhân khác: Chấn thương đầu, viêm mạch máu, rối loạn đông máu, sử dụng thuốc tránh thai, ma túy...

1.2. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhồi máu não:

Tuổi cao: Nguy cơ nhồi máu não được chứng minh là tăng dần theo tuổi.

Huyết áp cao: Huyết áp cao được cho là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nhồi máu não.

Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm tổn thương mạch máu.

Mỡ máu cao: Mỡ máu cao là nguyên nhân hàng đầu hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến đột quỵ não.

Hút thuốc: Làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch toàn thân trong đó có mạch mãu não.

Rung nhĩ: Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Béo phì: Liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao.

Ít vận động: Giảm khả năng làm sạch các mạch máu.

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị nhồi máu não, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ nhồi máu não.

2. Triệu chứng nhồi máu não

Trường hợp điển hình, các triệu chứng xuất hiện đột ngột, thời gian tiến triển có thể từ vài phút, vài giờ đến vài ngày. Trên lý thuyết, các triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với khu vực tưới máu của động mạch bị tổn thương. Tuy nhiên, trên thực tế, do các động mạch thông nối với nhau nên có sự cấp máu bù bởi các động mạch không bị tắc nghẽn, làm các triệu chứng xuất hiện không rõ ràng.

Triệu chứng của nhồi máu não đa dạng và tùy thuộc vùng mạch máu não bị tắc nghẽn. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Liệt nửa người: Người bệnh bị liệt một bên mặt, tay hoặc chân yếu hoặc liệt hoàn toàn.
  • Tê bì, mất cảm giác ở một bên mặt, tay hoặc chân.
  • Khó khăn khi đi lại, mất thăng bằng. Vận động bất thường, vụng về.
  • Khó nói, nói ngọng, hoặc không nói được. Khó hiểu lời nói của người khác.
  • Khó đọc hoặc viết.
  • Mờ mắt, nhìn đôi, hoặc mất một phần thị trường.
  • Nhìn thấy các chấm đen, vầng sáng.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Khó khăn khi thực hiện các động tác phối hợp.
  • Đau đầu đột ngột, dữ dội, thường không giống với các cơn đau đầu thông thường.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Lú lẫn, khó tập trung.
  • Rối loạn hoặc mất ý thức.

3. Biến chứng của nhồi máu não

Nhồi máu não nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Các biến chứng này có thể xuất hiện ngay sau cơn nhồi máu hoặc phát triển dần theo thời gian, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và mức độ tổn thương não.

Liệt là biến chứng phổ biến nhất của nhồi máu não. Người bệnh có thể liệt nửa người, hay liệt chân, tay ở mức độ khác nhau, điều này ảnh hưởng tới khả năng vận động, dẫn tới việc không tự chủ được sinh hoạt hằng ngày, phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

Rối loạn ngôn ngữ là một di chứng nhồi máu não thường gặp. Người bệnh có thể nói ngọng, hạn chế về ngôn từ, nghiêm trọng hơn là không nói được (thất ngôn).

Người bị nhồi máu não còn có nguy cơ suy giảm nhận thức, thậm chí là mất trí nhớ. Rất nhiều trường hợp phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, người bệnh khó có thể hoàn toàn quay trở lại làm những công việc yêu cầu trí tuệ minh mẫn, với độ phức tạp cao như trước đây.

Khi xảy ra nhồi máu não, nhiều người có dấu hiệu bị mờ một bên hoặc cả hai bên mắt. Đây được gọi là hiện tượng rối loạn thị giác sau tai biến.

Rối loạn nuốt ở người nhồi máu não gây khó khăn trong ăn uống, tăng nguy cơ sặc, viêm phổi.

Người bệnh nhồi máu não cũng có thể gặp tình trạng đại tiện, tiểu tiện không tự chủ. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách, rất có thể dẫn tới tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu và viêm loét ngoài da.

4. Phòng ngừa bệnh nhồi máu não

Nhồi máu não là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách điều chỉnh lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol, muối; Tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; Uống đủ nước.

Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng. Các chuyên gia khuyến cáo, nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, bơi lội...

Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.

Nói không với thuốc lá, rượu, bia, chất kích thích.

Giảm căng thẳng: Tìm những hoạt động thư giãn như yoga, thiền định, nghe nhạc...; Ngủ đủ giấc.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện và điều trị triệt để các bệnh lý nền như: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, béo phì…

Tuân thủ phác đồ điều trị các bệnh lý mạn tính theo chỉ định của bác sĩ như dùng thuốc chống đông khi bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao.

Lưu ý những dấu hiệu nhận biết đặc trưng của nhồi máu não, nhằm sớm phát hiện và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Những hoạt động thư giãn như yoga, thiền định, nghe nhạc, giúp giảm căng thẳng, hạn chế nguy cơ nhồi máu não.

5. Điều trị nhồi máu não

Nhồi máu não là một tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải được điều trị kịp thời. Mục tiêu của việc điều trị là làm tan cục máu đông, phục hồi dòng máu đến não và giảm thiểu tổn thương não.

Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

5.1. Tiêu sợi huyết:

Điều trị tiêu sợi huyết là phương pháp điều trị đặc hiệu đối với các trường hợp nhồi máu não.

Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch: Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất nếu được thực hiện trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc tiêu sợi huyết sẽ giúp làm tan cục máu đông.

Tiêu sợi huyết đường động mạch: Phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp không đáp ứng với tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc khi cục máu đông nằm ở vị trí đặc biệt

5.2. Can thiệp mạch:

Lấy cục máu đông: Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để lấy cục máu đông ra khỏi mạch máu.Có thể thực hiện đến 24 giờ sau khi nhồi máu não tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Đặt Stent: Đặt một ống kim loại nhỏ vào mạch máu để giữ cho mạch máu mở giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

5.3. Phẫu thuật: 

Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các trường hợp nhồi máu não. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, như điều trị biến chứng nặng của nhồi máu não, ví dụ hội chứng nhồi máu não giữa ác tính, phẫu thuật có thể được chỉ định.

5.4. Điều trị các bệnh lý có thể gây nhồi máu não:

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây nhồi máu não. Do đó, việc điều trị là cần thiết đối với bệnh nhân tăng huyết áp chưa xảy ra đột quỵ và bệnh nhân đã bị nhồi máu não.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường bị nhồi máu não, các chuyên gia khuyến cáo nên được điều trị song song để duy trì mức đường huyết ở trạng thái bình thường.

5.5. Phục hồi chức năng:

Sau khi tình trạng cấp tính ổn định, người bệnh sẽ được tập luyện để phục hồi các chức năng bị ảnh hưởng như vận động, ngôn ngữ, nhận thức. Phục hồi chức năng sau đột quỵ đã được chứng minh là một biện pháp rất hiệu quả giúp khôi phục từ một phần đến hoàn toàn chức năng sau nhồi máu não.

Lưu ý, đối với tình trạng nhồi máu não, thời gian được điều trị càng sớm, khả năng phục hồi của người bệnh càng cao. Chính vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu của nhồi máu não, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện một cách khẩn trương nhất.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 4.

Phục hồi chức năng là biện pháp hiệu quả giúp khôi phục chức năng sau nhồi máu não.

Tóm lại, nhồi máu não xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn, làm gián đoạn dòng máu đến một phần của não, gây thiếu hụt oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, khiến các tế bào não bị tổn thương. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào não bị tổn thương có thể chết đi, gây ra các di chứng thần kinh vĩnh viễn như liệt, mất khả năng nói, rối loạn nhận thức. Trong một số trường hợp nặng, có thể tử vong.

Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là phát hiện và điều trị nhồi máu não càng sớm càng tốt. Khi thấy bản thân và những người xung quanh có các triệu chứng của nhồi máu não, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Ai có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não?Ai có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não?

SKĐS - Đột quỵ nhồi máu não (hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não cục bộ) phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não. Theo thống kê tình trạng đột quỵ nhồi máu não chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ.


BS. Nguyễn Đức Trung
Ý kiến của bạn