Nhồi máu cơ tim vì bị ong đốt

12-12-2019 13:42 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân nam 35 tuổi, ở Phú Yên được đưa đến BV.Nhân dân 115 (TP.HCM) vì đau ngực, khó thở sau khi bị ong vò vẽ đốt.

2 ngày trước, người bệnh bị đàn ong vò vẽ tấn công và đốt nhiều vào vùng đầu và lưng. Khoảng 1 giờ sau bệnh nhân đau nhức toàn thân kèm đau ngực nhiều, cảm giác tim bị bóp nghẹt, vã mồ hôi, khó thở trong khoảng 10 phút. Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim sau ong đốt nên chuyển tuyến trên.

Tại BV. Nhân Dân 115, người bệnh tiếp tục có biểu hiện đau ngực nhiều kèm khó thở, tri giác tỉnh táo. Trong quá trình khám bệnh, các bác sĩ ghi nhận nhiều vết ong chích vùng đầu, lưng, cánh tay sưng nề nhẹ kèm đau. Siêu âm tim chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp sau ong đốt. Phải mất hơn 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh mới dần bình phục.

BS. Châu Minh Thông, Khoa Tim mạch Tổng quát BV. Nhân dân 115 cho biết, đây là bệnh nhân thứ 2 các bác sĩ ghi nhận có tình trạng nhồi máu cơ tim cấp sau ong đốt. Tham khảo y văn cho thấy, thế giới cũng có một số trường hợp khởi phát nhồi máu cơ tim sau ong đốt nhưng rất hiếm gặp.

Ong là loài côn trùng có cánh hoạt động khá phổ biến trong thiên nhiên, có hai họ, gồm ong mật (Apidae) và ong vò vẽ (Vespidae) thuộc loại Hymenoptera có chứa độc. Tại Việt Nam, những trường hợp bị ong vò vẽ đốt thường đến bệnh viện trong bệnh cảnh lâm sàng nặng nề với biến chứng khá trầm trọng do chủ quan từ phía nạn nhân và gia đình với thời gian để quá muộn. Nạn nhân cần phải được hồi sức, cấp cứu kịp thời, tích cực mới có thể thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Loài ong vò vẽ khi đốt người, nó có thể rút nọc kim đốt ra và đốt nhiều lần nên nguy hiểm hơn loài ong mật (Apidae) rất nhiều. Loài ong mật khi đốt người sẽ để lại nọc kim đốt chích trong da nạn nhân và nó sẽ bị chết sau đó. Người bị ong đốt thường có những tác hại trầm trọng, do nọc ong có tác dụng gây độc và do các phản ứng dị ứng của cơ thể. Vết đốt của ong vò vẽ nhìn thấy rất đặc hiệu với một vết quầng đỏ ở chung quanh một điểm hoại tử ở trung tâm.

Theo các bác sĩ, ong đốt là tai nạn thường gặp ở những vùng nông thôn và nhất là vào mùa hè. Biến chứng thường gặp là sưng, đau và phù nề nơi vết đốt, các biến chứng nặng hơn như suy thận cấp, tán huyết, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân, suy đa cơ quan.

Trong khi đó nhồi máu cơ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng là bệnh cảnh cấp tính, tỷ lệ tử vong cao, diễn tiến phức tạp. Bệnh thường xảy ra phần lớn ở các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao, nhiều bệnh lý nền tim mạch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xảy ra nhồi máu cơ tim do bị ong đốt ở bệnh nhân trẻ, nguy cơ tim mạch rất thấp đã được ghi nhận. Vì vậy đối với các trường hợp sau khi bị ong đốt, triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.


THẢO NGUYÊN
Ý kiến của bạn