Hà Nội

Nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trẻ

17-10-2019 13:55 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân nam (35 tuổi) nhập viện vào BV Quận Bình Thạnh (TP.HCM) với triệu chứng đau ngực cấp.

Bệnh nhân mô tả cơn đau ngực xuất hiện trước nhập viện khoảng 2 giờ 30 phút khi đang xem ti vi với tính chất thắt nặng lan ra hai tay, đau dữ dội kèm vã mồ hôi, cơn đau kéo dài khoảng 30 phút không giảm khiến bệnh nhân phải nhập viện. Tiền căn của bệnh nhân không ghi nhận gì đặc biệt ngoại trừ hút thuốc lá 1 gói/ngày suốt 20 năm.

Tại BV Quận Bình Thạnh, bệnh nhân tỉnh táo nhưng ghi nhận huyết áp khó đo và điện tâm đồ có hình ảnh rối loạn nhịp thất. Với chẩn đoán: Theo dõi nhồi máu cơ tim cấp - Loạn nhịp thất, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Thời gian bệnh nhân từ lúc nhập BV Quận Bình Thạnh cho đến lúc chuyển sang BV Nhân dân Gia Định là 30 phút. Tại Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, bệnh nhân vẫn còn đau ngực nhiều, mạch nhẹ và huyết áp khó đo. Siêu âm tim cấp cứu cho thấy tim đập nhanh… Bệnh nhân được chuyển vào khoa Tim mạch Can thiệp với chẩn đoán: Choáng tim - Theo dõi nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3.

Trong lúc bệnh nhân được chuẩn bị để chụp mạch vành cấp cứu, đột ngột mất tri giác, co gồng người và tím tái. Bệnh nhân tỉnh sau khử rung và được khẩn trương chuyển vào phòng thông tim để đặt stent và điều trị nội khoa. Sau 5 ngày điều trị nội trú không xảy ra biến cố quan trọng, bệnh nhân được xuất viện và được theo dõi ngoại trú. 2 tuần sau tái khám, bệnh nhân không đau ngực, bắt đầu thực hiện các hoạt động thường ngày vừa sức và ngưng thuốc lá.

Nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trẻ

Hút thuốc lá, rối loạn lipid: Nguy cơ cao

Theo BS. Nguyễn Văn Sĩ, ĐH Y Dược TP.HCM, nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng này nhưng vẫn còn có khoảng trống trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi rất cần được quan tâm bởi tác động bất lợi xảy ra rất lớn về khả năng lao động, sang chấn tâm lý và gánh nặng kinh tế xã hội.

Hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất về định nghĩa “người trẻ” trong nhồi máu cơ tim cấp. Khoảng dao động trong các nghiên cứu thường là 45 - 55 tuổi.Ngưỡng tuổi 45 thường được sử dụng và một số tác giả còn khảo sát ở nhóm bệnh nhân < 35 tuổi. Theo nhiều ghi nhận của y văn thế giới, nguy cơ 10 năm của nhồi máu cơ tim cấp ở người < 55 tuổi là 51,5/1.000 ở nam và 7,4/1.000 ở nữ.

Đa số hút thuốc lá, tiền căn gia đình có bệnh tim mạch sớm và rối loạn lipid máu

Về yếu tố nguy cơ tim mạch, đa số những bệnh nhân trẻ tuổi là nam giới và đều có một trong các yếu tố nguy cơ chính, nổi bật là hút thuốc lá, tiền căn gia đình có bệnh tim mạch sớm và rối loạn lipid máu. Đái tháo đường và tăng huyết áp có tần suất thấp hơn so với nhóm dân số lớn tuổi.

Các chuyên gia khuyến cáo, hút thuốc lá được cho là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ở người trẻ.Đáng ghi nhận là người trẻ có tỷ lệ hút thuốc lá rất cao với tần suất dao động từ 51% - 81%. Rối loạn lipid máu xuất hiện ở khoảng 50% số người trẻ có nhồi máu cơ tim cấp.

Định nghĩa rối loạn lipid máu cũng thay đổi tùy theo nghiên cứu bao gồm LDL-cholesterol > 130mg/dL, cholesterol toàn phần/HDL-cholesterol > 4,5, non-HDL-cholesterol > 160 mg/dL, tiền căn có rối loạn lipid máu hoặc đang điều trị rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu có tính gia đình cũng được ghi nhận xuất hiện nhiều hơn với tỷ suất lưu hành là 38% ở dân số người trẻ có nhồi máu cơ tim cấp theo nhiều nghiên cứu.

Biểu hiện lâm sàng của nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ thường là nhồi máu cơ tim cấp không có đoạn ST chênh lên với 2/3 trường hợp. Đa số các tác giả đều có cùng nhận định sang thương mạch vành ở nhóm dân số này đơn giản hơn so với nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh nhân nói trên có biểu hiện đau ngực điển hình của hội chứng mạch vành cấp.Biểu hiện điện tâm đồ ở BV tuyến dưới gợi ý nhiều đến chẩn đoán này với rối loạn nhịp thất nguy hiểm.

Việc điều trị sau can thiệp của bệnh nhân cũng không thể thiếu vai trò của điều trị nội khoa với các biện pháp thay đổi lối sống và dùng thuốc. Bệnh nhân được hướng dẫn bỏ thuốc lá và tuân thủ điều trị thuốc. Ở bệnh nhân trẻ có kỳ vọng sống lâu dài, việc theo dõi sau can thiệp được đặt ra với đánh giá phục hồi chức năng tim sau can thiệp, phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch, bên cạnh đó vai trò không thể thiếu của điều trị nội khoa nhằm giúp tái hòa nhập tích cực với xã hội.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn