Hà Nội

Nhồi máu cơ tim cần xử trí thế nào?

29-01-2024 13:31 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh lý tim mạch không còn là bệnh lý của riêng nhóm bệnh nhân lớn tuổi, mà có thể gặp ở những người trẻ tuổi, thậm chí rất trẻ.

Ở nhóm bệnh nhân nhồi máu cơ tim trẻ tuổi thường ít liên quan đến các bệnh lý mạn tính, mà hay gặp liên quan đến tình trạng thừa cân, ít vận động, stress, lạm dụng thuốc lá, rượu bia.

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đang trẻ hóa

Gần đây nhất, bệnh nhân nam, 33 tuổi sau khi uống rượu có cơn đau ngực đột ngột xuất hiện, kèm theo đó là mệt, khó thở, vã mồ hôi, được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, biến chứng choáng tim, rối loạn nhịp tim chậm. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó không ghi nhận tiền căn bệnh lý gì đặc biệt, thỉnh thoảng có cơn đau ngực ngắn, nhưng nhanh chóng hết và tiền sử bệnh nhân có sức khỏe tốt, trẻ và chưa từng có bệnh lý mạn tính nên chủ quan không đi khám.

Ngay lập tức, bệnh nhân được ổn định huyết áp và đưa đến phòng can thiệp mạch, ê-kíp tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để giữ nhịp tim. Sau đó, bệnh nhân được chụp mạch vành, kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn giữa động mạch vành phải, ê-kíp tiến hành hút huyết khối và đặt stent thành công. Sau thủ thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định được cho ra viện sau 5 ngày điều trị.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp được các bác sĩ cứu chữa. Trước đây các biến cố tim mạch nguy hiểm thường xảy ra trên các đối tượng trung niên, có kèm các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... Tuy nhiên, gần đây tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đang dần trẻ hóa.

Nhồi máu cơ tim cần xử trí như thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương do nhồi máu cơ tim.

Các biểu hiện của nhồi máu cơ tim

Khi bị nhồi máu cơ tim sẽ có các biểu hiện như:

- Đau thắt ngực là dấu hiệu nguy hiểm hay gặp nhất, thường xuất hiện ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, có thể lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái hoặc cả hai tay, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau thông thường.

- Khó thở, mệt mỏi, toát mồ hôi, chóng mặt, choáng váng, lo lắng.

- Đau bụng thượng vị, buồn nôn, nôn mửa ở 1 vài trường hợp (nhồi máu cơ tim thành dưới).

Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim bị tắc nghẽn hoàn toàn khiến tế bào cơ tim dần dần bị hoại tử, người bệnh có thể ngừng tim và tử vong hoặc nếu may mắn qua khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề khó phục hồi.

Sau nhồi máu cơ tim, chức năng tim bị suy yếu dần và có thể tiến triển thành suy tim. Thực tế ghi nhận, nhiều người bệnh mạch vành có mảng xơ vữa không ổn định có thể vỡ ra và tạo cục máu đông gây tắc mạch vành bất cứ lúc nào, kể cả khi nghỉ ngơi.

Thậm chí có những trường hợp người bệnh không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trước khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra dẫn đến đột tử không rõ nguyên nhân. Chính vì vậy, bên cạnh việc cấp cứu kịp thời thì việc ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim từ sớm là rất quan trọng giúp người bệnh sống khỏe và lâu hơn.

Nhồi máu cơ tim cần xử trí như thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa phương pháp ép tim ngoài lồng ngực.

Việc cần làm khi bị nhồi máu cơ tim

Người bị nhồi máu cơ tim cần được đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, nhằm giảm thiểu tổn thương cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng. Những việc cần làm bao gồm:

- Sơ cứu tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc nằm theo tư thế nửa ngồi, nới rộng quần áo, bình tĩnh, gọi xe cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.

- Người bệnh cần buông lỏng phần vai và hai cánh tay, nhắm mắt lại và hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu, không nín hơi để tránh bị căng thẳng và tim bị mệt.

- Nếu người bệnh được bác sĩ cho uống aspirin hoặc nitroglycerin... trong đơn thuốc hàng ngày hoặc thuốc cấp cứu đã chỉ định trước, hãy cho họ dùng thuốc theo hướng dẫn. Không tự ý thay đổi các thuốc đang dùng.

Mọi người xung quanh cần phải giữ bình tĩnh, cố gắng động viên, trấn an tinh thần cho người bệnh. Nếu quá lo lắng hoặc kích động, tinh thần của người bệnh có thể bị ảnh hưởng, tình trạng bệnh diễn biến xấu đi.

Nếu bệnh nhân rơi vào trạng thái bất tỉnh, cách sơ cứu tốt nhất đó là thực hiện ép tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo.

- Ép tim ngoài lồng ngực: Để người bệnh nằm lên một mặt phẳng cứng, quỳ gối phía bên trái của người bệnh sau đó chồng 2 bàn tay lên và đặt trước tim (khoảng giữa 2 núm vú - khoang liên sườn 4 – 5 bên trái), dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lặp lại động tác này liên tục 60 lần/phút để tăng co bóp tim.

- Hô hấp nhân tạo: Đặt người bệnh nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo, kiểm tra dị vật trong miệng, rồi kê cao cổ để đầu hơi ngửa ra phía sau. Sau đó bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng của mình lấy hơi và thổi vào miệng người bệnh nhiều lần.

Tại cơ sở y tế người bệnh được cung cấp oxy nếu cần thiết; thuốc chống đông và thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc giãn mạch vành; thuốc ổn định nhịp tim và huyết áp thuốc; điều trị suy tim và phù phổi (nếu có).

Tóm lại: Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu nội khoa rất nặng, đe dọa tính mạng nếu không tái thông kịp thời dòng chảy trong động mạch vành. Tuổi của của bệnh nhân tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim, đột quỵ đang trẻ hóa làm thay đổi mô hình bệnh tật chung. Dự phòng nhồi máu cơ tim cần loại bỏ hoặc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh như chế độ ăn, luyện tập, giảm cân nặng, tránh các stress, kiểm soát tốt tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà

SKĐS - Sức khỏe tim mạch là một phần quan trọng của cuộc sống, việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề và giảm nguy cơ bệnh tim.

BSCK1 Đỗ Kiều Anh
Ý kiến của bạn