Đọc một bài báo về nạn nhồi trâu, nhồi lợn, tự nhiên tôi lại nghĩ tới chuyện“nhồi chữ”trẻ con thành phố ở Việt Nam hiện nay. Ngoài cái sự khác nhau rõ ràng là một bên là nhồi nước, nhồi chất bẩn vào bụng, vào mạch máu con vật và một bên là nhồi chữ, nhồi số vào đầu con trẻ, thì sự giống nhau còn là sự vô tâm, vô cảm đến độc ác của người lớn và sự chấp nhận cũng đầy vô cảm của cộng đồng xã hội.
Với con vật là khi người ta độc ác nhét thẳng ống nhựa vào dạ dày, bơm cả nước sạch, nước bẩn, bơm đến mức có những con chết trước khi người ta làm thịt, tàn bạo nữa là người ta tiêm thẳng nước, thuốc mê vào mạch máu, vào bắp thịt nhằm tăng trọng lượng con vật và để thịt nhìn ngon hơn, qua đó mà thu được nhiều lợi nhuận. Với nhồi chữ, người nhồi ở đây chẳng phải mẹ mìn ba bị mà chính là bố mẹ, thầy cô, những người quan trọng nhất, những người luôn cho rằng mình yêu thương đứa trẻ nhất - Số đông những bậc phụ huynh vẫn nghĩ như vậy hoặc cố tự lừa dối mình rằng đây là cách thể hiện lòng thương yêu của bố mẹ, một số phụ huynh khác thực chất chỉ là sự ganh đua, ích kỷ tham lam, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của chính họ. Thay cho những trò chơi con trẻ, những nắng gió cát bụi, những tiếng khóc tiếng cười hồn nhiên là cuộc sống được “nhồi” bằng một thời gian biểu kín đặc, học chính khóa, quản lý ngoài giờ, bổ sung năng khiếu, quản lý theo yêu cầu, những từ ngữ khái niệm được đưa ra để đánh lừa nhau. Và tất nhiên phụ huynh phải ký vào giấy tự nguyện, đơn xin để hợp pháp hóa cho nguyện vọng “nhồi” con của mình. Lịch “nhồi” kín đặc, sáng trưa chiều tối, văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng sống, ngoại ngữ... Những đứa trẻ dần thích nghi, chai lỳ, để mặc cho người lớn làm gì thì làm. Xã hội lên án việc học thêm dạy thêm, nhưng chỉ lên án là không đủ khi mà đời sống thầy cô khó khăn, bệnh thành tích yêu cầu các chỉ tiêu hàng năm của trường phải đạt, cánh cửa tuyển sinh vào trường chật hẹp, cuộc chạy đua chỉ dựa vào kiến thức càng hẹp hơn khi còn nhiều suất vào bằng quan hệ, bằng tiền và các bậc phụ huynh không còn cách nào khác hơn là bắt đầu nghĩ ngay đến chiến thuật “nhồi chữ” cho các con.
Các giờ học chính, học thêm nối tiếp chiếm hết thởi gian nghỉ ngơi của trẻ.
Kết thúc của sự độc ác đó là con vật sẽ phải chết, cái chết bình thường của nó là sự cống hiến thân xác cho sự sống của những sinh vật khác, một ý nghĩa cao đẹp mà ngàn năm nay cuộc sống sinh vật vẫn là như vậy. Nhưng những con vật này khi bị bơm thuốc, bơm nước vào thân, người ta lại làm nó “chết” thêm một lần nữa, khi thân xác nó trở thành biểu hiện của lừa dối, không những thế hậu quả của việc này còn có thể gây độc hại cho người khác. Cái sự nhồi sọ, hay nhồi chữ nghĩa không gây hậu quả ngay sau đó bằng cái chết sinh học, nhưng nó là nguyên nhân cho cái chết của tuổi thơ ở những đứa trẻ ở độ tuổi lớp 1, lớp 2 và cả những lớp tiếp theo. Những đứa trẻ bị “nhồi” lớn dần lên hàng ngày về mặt thể chất mà thiếu đi, mất đi một giai đoạn tuổi thơ cần thiết để cảm nhận, học tập, hòa mình dần vào cuộc sống và xã hội, qua đó phát triển tâm hồn, phát triển nhân cách. Thay vào đó là kỹ năng học thuộc, nhớ đúng, chép đúng, trả lời đúng, làm đúng mẫu bất kể một câu chữ gì, kể cả những câu văn, tiếng Việt lủng củng, những lời giải thích cưỡng bức kiểu “món canh gà Thọ xương”, hoặc những bài toán đố khủng khiếp kiểu như: “Một bàn tay bị cắt một ngón hỏi còn mấy ngón”. Tôi quan niệm đây là một sự đầu độc đối với quá trình phát triển tư duy con người. Và sự nhồi chữ này vẫn tiếp tục ở tất cả các cấp học tiếp theo, kể cả cấp bậc đại học. Tôi không tin rằng những đứa trẻ không có tuổi thơ mà lại có thể phát triển thành những con người phát triển toàn diện về văn hóa, thẩm mỹ và công nghệ. Chúng chỉ có thể phát triển phù hợp cho một xã hội mà ở đó người ta cần và yêu quý những người chỉ có khả năng suy nghĩ và tư duy dựa trên những gì được “nhồi sọ”.
Thăm một lớp học thêm, hình ảnh những cô bé cậu bé đeo kính cận, ngồi san sát nhau trong khoảng diện tích 15m2 được xếp bởi những chiếc bàn có chiều rộng chỉ vừa quyển sách, những chiếc ghế dài có bề ngang to hơn chiếc hộp bút được xếp sít nhau thành 4, 5 dãy bàn ngang dọc nhằm tiết kiệm diện tích, miệt mài bên trang sách, khuôn mặt cháu nào cũng lộ vẻ mệt mỏi, ám ảnh tôi về nỗi vất vả của các cháu. Ám ảnh hơn nữa khi tôi hỏi một cháu trai 10 tuổi có đôi mắt giấu sau cặp kính cận to dày, rằng cháu đang học cái gì đấy. Một sự tự tin đến mức như vô thức đi kèm với ánh mắt xa lạ nhìn tôi khi cháu bật hỏi lại tôi bằng tiếng Anh khá lưu loát: “What do you mean?” (ý anh là gì?), “What do you want?” (anh muốn gì?). Cháu hỏi tôi hay cháu hỏi chúng ta? Ai có thể trả lời cho các cháu đây?