Hà Nội

Nhọc nhằn trên những cánh đồng muối

04-12-2021 07:25 | Xã hội
google news

SKĐS - Khó nhọc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cuộc đời của mỗi diêm dân như thu nhận cả vào mình những mặn chát, lo âu. Nhưng rồi, nghề làm muối vận vào thân, dần dà những cánh đồng muối trở thành một phần đời sống của họ.

"Yêu" muối, khó bỏ đồng muối

Trải qua nhiều ngày mưa lại ảnh hưởng dịch bệnh nên lao động nghề làm muối ở Khánh Hòa càng thêm nhọc nhằn. Những cánh đồng muối từ Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy (thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ảm đạm hơn trước.

Nhọc nhằn trên những cánh đồng muối - Ảnh 2.

Nghề làm muối nhọc nhằn, những đồng muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Bước lên từ ruộng muối, diêm dân Lê Văn Bảy (Ninh Diêm) xót xa: "Hàng trăm gia đình nơi đây mấy đời đều gắn bó với nghề làm muối. Mấy năm nay làm không đủ ăn, cơ cực trăm bề. Tôi và nhiều diêm dân khác đi làm nghề phụ để "nuôi" lại nghề muối. Một số ruộng muối còn bị nhiễm ngọt, xử lý rất khó, nhất là sau những ngày mưa bão. Có thời điểm nước ngọt và nước mưa ngập trắng đồng nên có được hạt muối rất gian nan.

Đứng bên cánh đồng muối Ninh Hải, diêm dân Nguyễn Lánh (tổ Đông Hải 1, phường Ninh Hải) nhẩm tính: "Làm mười năm thì bội thu được vài năm. Đây vốn là vùng đất nổi tiếng với nghề làm muối nên dẫu có thế nào cũng phải giữ lấy nghề. Sợ nhất là muối rớt giá. Năm 2021 này, giá muối không cao, dao động ở mức 7-900 đồng/kg, tiêu thụ lại chậm".

Nhọc nhằn trên những cánh đồng muối - Ảnh 3.

Nghề làm muối nhọc nhằn nhưng "yêu" rồi khó bỏ đồng muối.

Diêm dân Nguyễn Thị Hậu (Ninh Diêm) suốt bao ngày qua cũng cứ thẫn thờ ra vào đồng muối như cầu mong "thời vàng son" trở lại. Bà Hậu bộc bạch rằng: "Hai đời làm muối rồi. Vui buồn đều là hạt muối mà ra. Ở đây có khoảng trên 300 hộ dân với trên 1.000 người làm muối. Dù không giàu lên nhưng cũng ổn định cuộc sống, trung bình mỗi ngày cũng được 180.000 đồng. Nhưng vài năm trở lại đây thì chỉ đủ tiền mua gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết. Thế mà yêu nghề làm muối rồi, bỏ không được.

Được biết, nghề làm muối sau khi trừ mọi chi phí, tiền công của diêm dân chẳng được bao nhiêu. Có hộ tiền thuê thêm người gánh muối vừa đủ tiền bán muối nhưng vẫn phải tìm cách động viên nhau giữ lấy nghề để tìm một hướng đi phù hợp hơn trong tương lai.

Theo thống kê, tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng trên 900 ha ruộng sản xuất muối, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy (Ninh Hòa) với trên 700 ha, nổi tiếng nhất là đồng muối Hòn Khói.

Muối từ tỉnh Khánh Hòa không chỉ phục vụ cho nhu cầu người dân trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trong khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Vậy nên, nghề muối cần được đẩy mạnh theo hướng phát triển bền vững.

Tìm hướng đi cho những cánh đồng muối

Hiện rõ nỗi khắc khoải trên khuôn mặt buồn, ông Trần Văn Minh (phường Ninh Thủy) lo lắng: "Gia đình làm 3ha muối, mất 19 triệu đồng mới đủ chi phí thu hoạch được muối. Tổng số tiền bán muối được 26 triệu đồng. Coi như 4 lao động quần quật làm việc suốt 2 tháng trời mới được 7 triệu đồng".

Nhọc nhằn trên những cánh đồng muối - Ảnh 5.

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều đồng muối làm ra nhưng tiêu thụ chậm.

Phải làm thêm nghề thợ hồ để lo toan cuộc sống nhưng mỗi lần thấy ai khen "muối Hòn Khói" ngon, cảnh đồng muối đẹp, diêm dân Lê Tùng (Ninh Hải) lại trỗi dậy niềm tự hào, quay về bám trụ ở đồng muối. Những ngày nhộn nhịp không khí lao động, đồng đồng muối Hòn Khói còn là điểm tham quan hấp dẫn của các tour du lịch đến Khánh Hòa.

Bao năm gắn bó với nghề làm muối là bấy nhiêu năm buồn vui lẫn lộn, diêm dân Nguyễn Thị Lam chia sẻ: "Từ khi bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lượng muối tiêu thụ rất chậm. Ngay cả hợp tác xã cũng bán không được bao nhiêu. Có khi muối chất cao thành núi, chờ người đến thu mua. Hết trông ngóng thời tiết nắng nhiều rồi lại đến mong cho muối được tiêu thụ, rất vất vả. Bởi vậy nên nỗi mong mỏi lớn nhất của hàng ngàn diêm dân là chính quyền có chính sách thu mua muối ổn định để diêm dân yên tâm bám ruộng, giữ nghề".

Nhọc nhằn trên những cánh đồng muối - Ảnh 6.

Nhiều cánh đồng muối truyền thống chuyển đổi sang làm muối trải bạt.

Tại vựa muối Ninh Diêm có hai đơn vị chính phụ trách thu mua mua muối là Xí nghiệp muối xuất khẩu Hòn Khói và HTX 1-5. Thời gian trước, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó nhưng hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng.

Để tìm hướng đi mới, nhiều người chuyển sang làm muối trải bạt. Cuộc sống bớt gian khó nhờ làm muối bạt, ông Nguyễn Hữu Tiến (vựa muối Ninh Diêm) đúc rút: "Nghề truyền thống giờ cũng phải học. Công nghệ làm muối trải bạt cho ra sản phẩm tinh khiết, dễ bán hơn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe hơn nên sẽ chiếm ưu thế. Gia đình tôi đã chuyển đổi hẳn ruộng muối đất truyền thống rộng 1,5ha sang sản xuất muối bạt. Trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm lãi hơn 90 triệu đồng. Nhiều gia đình khác như cũng phấn khởi không còn đắng chát từ khi chuyển sang làm muối bạt..".

Xem thêm video được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


Đông Hưng - Thanh Ngọc
Ý kiến của bạn