Nhọc nhằn nghề “phu mía”

14-07-2018 07:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ cuối xuân là khoảng thời gian thu hoạch mía rộ nhất. Mía chuyển đi chế biến thành mật, thành đường. Mía mang về những vùng quê, đô thị làm nước uống. Để có những cân đường, cốc nước ngọt mát, ngoài sự vất vả của người trồng, còn có những giọt mồ hôi của người chặt mía thuê.

Nụ cười “phu mía”

Cữ này, ngược lên Tuyên Quang, hay đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hòa Bình đến Gia Lai, hay rẽ qua các huyện của tỉnh Khánh Hòa đều thấy không khí thu hoạch mía vô cùng hối hả. Người chặt, người bó, người khuân vác, người dọn ruộng và trên đường thì xe của thương lái đến thu mua, tất cả diễn ra trong không khí khẩn trương vì trời nắng nóng. Tuy nhiên các công việc nặng nhọc này do những người làm thuê thực hiện mà người ta quen gọi là “phu mía”.

Nghề chặt mía thuê gắn với bao nỗi nhọc nhằn.

Nghề chặt mía thuê gắn với bao nỗi nhọc nhằn.

Huyện Kbang và Đác-Pơ tỉnh Gia Lai là một trong những “vựa mía” của khu vực Tây Nguyên. Nơi đó cũng có nhiều người thâm niên gắn bó với nghề chặt mía lên đến 15 năm. Bà Lầu Mý Chí, ở xã Ya Hội (huyện Đác Pơ), chống bó mía, lấy nón quạt mồ hôi trên mặt, tâm sự: “Tôi và con gái đi làm bận rộn từ đầu hè, đến nay đã gần hai tháng. Công việc này tôi làm 15 năm rồi. Con tôi thì mới đi làm ba năm nay. Nếu làm cật lực thì một ngày cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Đàn ông có sức khỏe thì được nhiều hơn”.

Hỏi kỹ hơn về chuyện công xá, bà Chí cho hay, các chủ nương mía tính toán kỹ rồi. Họ có thể cho chặt khoán, thí dụ một héc-ta mía trả gần chục triệu đồng, hoặc tính bó, cứ chặt và bó 10 đến 12 cây thành một bó, rồi đếm bó trả tiền. 1.300 đồng/bó. Phụ nữ dẻo dai thì mỗi ngày cũng chặt được từ 150 đến 200 bó.

Một người chuyên chặt mía thuê khác là bà Đinh Hồng, người dân ở xã Lơ Ku (huyện Kbang), giơ đôi bàn tay của mình ra, cười chia sẻ: Ai mới làm thì phải đeo găng tay bảo hộ. Còn chúng tôi làm nhiều năm rồi, cả hai tay chai sạn, rồi phồng rộp. Nhưng mà đôi bàn tay này vẫn kiếm được tiền. Mà ở quê, việc ít, nương rẫy không sinh nhiều hoa trái thì phải đi làm thuê thôi.

Chung niềm tâm sự, ông Đinh Hòa Na, ở xã Lơ Ku, cho rằng tiền công lao động như hiện tại là cao. Ông cũng kể thêm hiện nay người trồng mía có việc tốt, do đã ký hợp đồng với Nhà máy Đường An Khê, nhờ đó cũng tạo cơ hội việc làm cho người làm thuê. “Chứ cứ như gia đình tôi, sinh nhiều con, mà nương ít ỏi, làm sao sống được. Vậy nên cứ đến mùa là gia đình tôi tản đi các huyện có trồng mía để làm thuê. Vợ chồng tôi đã 62 tuổi, nhưng vẫn còn sức, còn ham làm”. Theo những người chặt thuê, mỗi vụ thu hoạch họ phải đi xa nhà từ hai đến ba tháng ở mỗi huyện, ăn ở sinh hoạt tại lán trại của các chủ mía để tiện công việc. Chủ này hết việc thì được giới thiệu đến làm cho chủ khác. Nhiều tỉnh đã trồng mía xen ghép, nên có thu hoạch quanh năm, do đó cần nhân công chặt thuê quanh năm và có những người quanh năm làm nghề.

Đến khu vực trồng mía của huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh du mục của những người thu hoạch mía thuê. Ở đây, các chủ rẫy sẽ cấp dây, bạt và một số đồ dùng cần thiết để người làm thuê dựng lều tạm ngay cạnh những nương, bãi mía để tiện làm việc. Có gia đình hai vợ chồng và con cái đi theo luôn, gia đình không có người trông trẻ kéo theo ba bốn đứa con lít nhít đi cùng. Chị Cao Thị Huyền ở xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh), giãi bày: “Hai vợ chồng đi làm xa, có năm đi ba tháng, năm tháng liền mới về mấy ngày. Bởi có chủ sau khi thu hoạch xong còn thuê chúng tôi vun trồng và chăm sóc mía để mùa sau nữa. Mà để con ở nhà thì không ai chăm thay được. Có con cái đi cùng thì vui. Nhưng mà nheo nhóc lắm vì ở đây điều kiện rất thiếu thốn”. Nói rồi, chị chỉ vào cô gái 13 tuổi: “Cháu nó nghỉ hè nên tôi cho đi cùng luôn. Hết vụ thu hoạch và vào năm học thì lại đưa cháu về. Nhìn vậy thôi chứ cháu cũng khỏe lắm. Thu nhập mỗi ngày cũng được 120 nghìn đồng đấy! Không phải thực dụng đâu, chứ như thế là có tiền mua sách vở rồi”.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Có việc là tốt rồi

Điều cốt lõi nhất ở người trong nghề là đòi hỏi sức khỏe, sự cần cù, dẻo dai. Bởi công việc ở ngoài nương rẫy nóng bức, cường độ làm việc cao, nếu không có sức khỏe thì dễ bị ngã nắng dẫn đến ngất xỉu.

Trò chuyện cùng người dân, họ cho biết công việc thường khởi động từ lúc 3 giờ sáng. Họ dậy nấu cơm ăn cho chắc dạ, 4 giờ bắt đầu công việc. Buổi trưa được nghỉ từ 1 đến 2 tiếng, tùy thời tiết nóng hay mát. Sau đó lại làm việc đến tối. Để tiện giúp đỡ nhau, những người chặt mía thuê thường kéo theo anh em, họ hàng cùng đi theo mối, theo đợt. Họ cũng sẽ cử người có sức khỏe kém nhất vừa làm việc nhẹ, vừa lo cơm nước hoặc trông trẻ con.

Ở xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), người dân rất nể ông Cao Văn Nguyện, dân tộc Ragiai - người thuần thục không chỉ chặt mía mà mùa trồng lại mía ông cũng luôn được thuê với giá cao. Có thời điểm ông thu nhập 500 nghìn đồng/ngày. Cái nắng nóng chưa bao giờ đánh gục được ông. Song để đạt “trình độ” như ông phải là người ham và dấn thân. Bởi chính ông từng cho hay đây là công việc lắm nỗi nhọc nhằn. Tôi hỏi, vậy sao ông không tính nghề khác? Ông Nguyện nhìn mấy người ngồi nghỉ, rồi nói rằng với những người thiếu công ăn việc làm, thì có việc làm là tốt lắm rồi. Chỉ mong có người thuê thôi. Đầu năm 2018 ở Khánh Hòa đã có máy thu hoạch mía. “Sau này rộ máy, một chiếc thu hoạch mấy héc-ta/ngày, lúc đó máy móc nó cướp hết việc của người dân chứ chẳng chơi!”, ông Nguyện cảnh báo.

Nhiều người khác cho biết để làm được việc phải có tính chịu đựng, vì nhiều khi lá mía cứa vào người, lông mía rụng vào người rất ngứa và còn có cả kiến đen kiến đỏ cắn chích. Không ít người đi làm rồi không chịu được cực nhọc, dị ứng với lông mía đã phải bỏ về. Nhưng cũng phải khẳng định, khoản thu nhập từ 300 đến 400 nghìn/người/ngày đã hấp dẫn rất nhiều đàn ông. Họ sẵn sàng tranh thủ thời gian để đi làm. Một gia trình tranh thủ một vụ có khi được cả trăm triệu đồng.

Chia sẻ với người lao động, Chủ tịch UBND xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa) - Hoàng Kỳ Vũ, cho hay chia sẻ, đến mùa số người làm thuê từ nơi khác đến đăng ký tạm trú trên địa bàn tăng cao. UBND xã đã chỉ đạo công an xã tạo điều kiện thuận lợi cho thợ làm thuê được đăng ký tạm trú và lập danh sách quản lý, bảo đảm an ninh trật tự.

Đôi khi cũng phải kỳ kèo

Kinh nghiệm của “phu mía” cho thấy, cứ thời tiết ẩm thì lông mía sẽ đỡ rụng. Nếu làm việc vào lúc trời mát thì sướng không gì bằng. Vậy nên nhiều người đã tránh chặt mía vào buổi trưa bởi càng nắng khô thì lông càng rụng nhiều. Song nếu chẳng may làm việc mà gặp mưa hoặc sau mưa lớn cũng... rất mệt. Lúc đó mặt đất dễ lầy lội, xe chở mía không vào sâu trong ruộng được, thợ chặt mía phải vác lên đường lớn, vừa tốn sức vừa mất thời gian. Chị Lê Thị Hồng nói: “Nếu vất vả quá, chúng tôi cũng thường xin chủ hỗ trợ thêm chút mắm muối, ít rau xanh để động viên. Có chủ thì dễ, nhưng có những người kiệt, chúng tôi vẫn phải kỳ kèo thêm bớt đó”.

Hiểu nỗi vất vả của người làm thuê, ông Nguyễn Văn Hảo, thuộc xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) cho rằng, người trồng mía cũng cần có lãi. Ai cũng muốn trả công cao cho lao động để họ nhiệt tình, nhưng giá mía thất thường, nếu quản lý không chặt thì sẽ lỗ.

Mấy năm nay, trong nghề chặt mía thuê có hình thức cai thầu. Tức là một người sẽ đứng ra tìm thuê thợ cho các chủ bãi mía, thống nhất giá, chịu trách nhiệm lấy tiền công chia cho người làm thuê và bảo đảm không bị quỵt. Có cai thầu quản 20 người, đi hết nơi này đến nơi khác làm việc, mang theo cả con cái. Trong số đó có không ít em phải bỏ học. Đây là điều mà chính quyền cấp xã đã không can thiệp được, bởi tập tính làm việc thời vụ, du mục của bà con. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp tốt để giúp nhiều em nhỏ tránh phải nghỉ học sớm, theo gia đình mưu sinh.


Thụy Oanh - Văn Bảo
Ý kiến của bạn