Những người phụ nữ có dáng ngồi chệch về một bên hoặc hơi gù về phía trước, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm chiếc áo bạc phếch vì sương gió. Họ đi chiếc xe đạp cà tàng, mang đôi giày bata bệt cũ rách, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Không ai biết mặt mũi họ ra sao, chỉ biết rằng họ là những người mưu sinh lúc nửa đêm với một nghề không kém phần đặc biệt giữa khuya ấy. Họ là những người bới đồng nát về đêm ở TP. Huế.
Đồng nát lúc nửa đêm
Dạo quanh các con đường của TP. Huế vào nửa khuya về sáng, điểm nhìn của chúng tôi bị níu lại bởi những người phụ nữ đi trên những chiếc xe đạp cà tàng chở theo đằng sau là lỉnh kỉnh những thứ người ta mang vứt bỏ. Đêm nào cũng thế, họ hết đi ngõ ngách này đến ngõ ngách khác theo chiếc xe thu gom rác của công ty môi trường đô thị. Khi chiếc xe thu gom rác vừa dừng, lập tức một tốp phụ nữ lao đến bới, xới tìm những vật phế liệu còn dùng được ở các thùng rác đã được chuyển lên xe bằng tay không và một chiếc móc nhỏ. Một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, một bàn tay chỉ còn 3 ngón thấy tôi chụp ảnh liền cười: “Nghề ni cực lắm! Bới xe rác cả đêm tìm thứ họ bỏ đi mà chụp ảnh làm gì!”. Chị là Hoàng Thị Sen với thâm niên làm nghề bới rác này cũng hơn 20 năm rồi. Con mắt trũng sâu vì mệt mỏi, chị Sen bảo rằng cái nghề “bới móc” này cũng chẳng sung sướng gì. Vì thứ “cơm từ rác” của thiên hạ ấy mà các chị đã lao vào vòng xoáy mưu sinh mê mệt từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ. Và cũng vì thứ “cơm rác” lúc nửa đêm này mà nhiều nỗi cơ cực và cả những câu chuyện đời, chuyện nghề của các chị cứ thế được bộc bạch ra.
Bữa lót dạ giữa đêm để tiếp tục mưu sinh
Nhìn các chị nhanh tay thu nhặt tất cả những gì có thể bán lại được trước khi xe rác chuyển bánh, tôi ái ngại hỏi vì sao các chị không đi nhặt, mua đồng nát vào ban ngày, để đêm về nghỉ ngơi? Các chị chỉ cười, điệu cười của người nghèo khổ và chấp nhận. Bởi đa phần những người phụ nữ nhặt đồng nát về đêm ấy đều có những hoàn cảnh éo le. Người thì chồng mất, người thì quá nghèo khổ, người thì bệnh tật nên thất nghiệp triền miên. Họ đến từ khắp các vùng ven của TP. Huế như Phú Vang, Hương Thủy, Thuận An. Ngày nào cũng vậy, các chị phải đạp chiếc xe đạp cà tàng lên TP. Huế từ 5 giờ chiều để bắt đầu công việc, đến khi chiếc xe chất đầy những thứ nhặt nhạnh thu vén được thì đồng hồ cũng đã điểm 1-2 giờ sáng. Thấy tôi nhìn ổ bánh mì đang ăn dở treo trên ghiđông xe đạp, chị Sen cười hiền: “Khi nãy đang ăn thấy xe chở rác tới phải lao vào làm, đợi khi làm xong tui mới ăn tiếp, chứ ngồi ăn thì xe đi mất rồi, lấy đâu mà làm nữa!”. Không chỉ với chị Sen, mà với nhiều người phụ nữ làm công việc này, mỗi đêm với họ chỉ dám lót dạ bằng ổ bánh mì không, nếu sang hơn thì có chút thịt, chút rau trong đó và giá cả không quá 3 ngàn đồng. Mỗi đêm nhặt nhạnh cũng chỉ được chừng 30-40 ngàn đồng, họ không dám tiêu pha phung phí, vì sau lưng họ vẫn là một gia đình với những đứa con mơ được đến trường, là người chồng bệnh tật với những đơn thuốc lên đến tiền triệu mỗi tháng, là người mẹ già mong tấm áo ấm mùa đông.
Cũng là nghề đồng nát nhưng những người phụ nữ đồng nát về đêm cực khổ gấp nhiều lần công việc đồng nát ban ngày, chỉ bởi vì họ không có vốn để mua phế liệu nên tối đến họ phải bới tìm từ các thùng rác, xe rác, nhặt nhạnh những thứ gì khả dĩ còn sót lại lấy công làm lời. Chính vì thế, đời họ gắn với những chiếc thùng rác, xe rác. Một chị cười gượng gạo: “Đời rác mà! Đâu có rác là có chúng tôi thôi! Làm nghề ni “đêm cấy, sáng gặt” sau khi thu gom xong thì tụi tui chở về nhà phân loại làm xong cũng tới 3-4 giờ sáng mới ngủ, sáng ra thì bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống. Làm thì cực nhọc rứa đó mà thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu!”.
Những hiểm nguy lúc nửa đêm
Làm việc trong điều kiện không có những vật dụng bảo hộ, lại ở ngoài trời vào ban đêm, vậy nên những người phụ nữ ấy phải chịu nhiều nguy cơ do tai nạn nghề nghiệp mang lại như các bệnh về da do tiếp xúc với các chất độc hại. Nhìn bàn tay chỉ còn lại 3 ngón của mình, chị Sen ứa nước mắt kể với tôi: “Cách đây cũng hơn tháng, tui bới rác chẳng may bị tôn cắt vào tay, nhưng lúc ấy ham việc, lại nghĩ không có chuyện gì nên chỉ băng bó sơ sài lại rồi làm tiếp, ai ngờ mấy ngày sau đang làm phát sốt đến ngất xỉu, may được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu tỉnh dậy thấy bàn tay mình bị cắt mất 2 ngón do vết thương bị nhiễm khuẩn rồi hoại tử không chữa được phải cắt bỏ!”. Đó chỉ là một trong những tai nạn đơn giản mà các chị gặp phải. Hỏi các chị có sợ không, ai nấy cười gật đầu đồng tình, nhưng không có cái gì ăn thì phải lăn ra làm.
Chị Hoa trong đêm mưu sinh
Nhưng những tai nạn nghề nghiệp ấy chỉ là một phần, còn những hiểm nguy của bóng tối mới đáng sợ. Đời đồng nát về đêm phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, thậm chí một số người còn bị “yêu râu xanh” hãm hại khi đi làm về quá khuya. Chị Sen kể: “Nhiều đêm tui đi làm về còn bị bọn say rượu sàm sỡ, châm chọc, lạng lách rồi tông vào làm tui té lăn trầy trụa hết, còn bọn chúng phóng ga bỏ chạy, chẳng ai đỡ dậy nên phải tự lết về nhà. Như tui còn đỡ, có chị còn bị mấy thằng hư hỏng nó chặn đường rồi giở trò xằng bậy nữa! Tủi cực lắm mà lúc ấy chỉ có một mình thì biết kêu ai!”. Có khi các chị còn bị lầm tưởng là gái bán dâm đi đêm tìm mối. Chị Nguyễn Thị Vân kể rằng, cách đây mấy tháng, chị vừa đạp xe từ Hương Thủy lên ngang qua đoạn đường Nguyễn Huệ rồi dừng lại, bỗng đâu có hai gã đàn ông uống rượu say tưởng chị là gái bán dâm nên đứng lại trả giá. Mặc dù chị đã thanh mình rằng chị không phải là “gái”, nhưng hai gã đàn ông kia vẫn cho là chị chê ít tiền nên cứ kéo tay chị lên xe cho bằng được. Chị Vân phải kêu to rồi vùng chạy mới thoát được. Từ bữa đấy trở đi, chị cảnh giác hơn khi đi trên những đoạn đường vắng như thế.
Thế nhưng, bên cạnh những hiểm nguy rình rập ấy, các chị vẫn có một niềm tin để hy vọng, đó là gia đình nhỏ bé của mình, là những đứa con với tương lai rạng ngời. Chị Đỗ Thị Hòa, người cùng làng với chị Sen cười gượng gạo chia sẻ: “Nhờ nghề này mà tui nuôi được 2 đứa con học đại học. Từ khi các con lên TP. Huế học đại học, tối đến tui cũng lên đây kiếm sống để kiếm tiền lo cho sắp nhỏ. Đến nay tui vẫn nói cười với con tôi rằng nhờ đời đồng nát mà các con ăn học nên người cả đấy! Nghĩ cũng tủi thân lắm khi tối tối thấy nhà người sum họp, còn mình phải đi bới rác kiếm ăn mà tủi thân ứa nước mắt, nhưng nghĩ lại thôi kệ, hy sinh đời mình để đời con có tương lai. Nghĩ thế cũng thấy đỡ tủi!”. Không chỉ chị Hòa, chị Sen mà với nhiều chị em khác, chính những đồng tiền chắt chiu từ đống phế liệu kia đã nuôi biết bao người con khôn lớn, đứa vào đại học, đứa thành tài, đứa lập nghiệp, đứa dựng vợ gả chồng. Nhờ đó mà họ càng nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống hơn. Theo mỗi vòng bánh xe, trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ngày hôm nay, bỏ đằng sau những vất vả, bẩn thỉu của phế liệu, mỗi người phụ nữ đồng nát về đêm vẫn tìm thấy niềm vui. “Hạnh phúc là được nhìn thấy con cái trưởng thành, dù có phải làm bất cứ công việc gì, miễn là chính đáng bằng mồ hôi, công sức, khó khăn gian khổ đến mấy rồi cũng sẽ vượt qua!”, các chị đều tâm sự như thế. Chia tay với chị Sen, chị Hòa, chị Hạnh và nhiều chị em khác khi đồng hồ điểm 2 tiếng, các chị chỉ kịp nói lời chào và không quên để lại nụ cười đằng sau đống phế liệu nặng oằn mưu sinh. Màn đêm ngày càng tĩnh mịch, cuộc đời của người phụ nữ đồng nát về đêm tuy cực nhọc nhưng vẫn nhen nhóm những tương lai. Đêm bớt lạnh hơn khi cuộc mưu sinh một ngày kết thúc bằng những giọt mồ hôi nhễ nhại chảy trên khuôn mặt đen nám vì bụi bẩn của những người phụ nữ đồng nát về đêm, tôi vẫn thấy các chị cười, nụ cười rực sáng dưới ánh đèn khuya...
Bài, ảnh: Văn Mến