Hà Nội

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét

23-01-2024 16:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Mưa phùn, kèm theo gió mạnh thổi đến cái lạnh tê tái, nhưng nhiều người lao động ở Hà Nội vẫn phải miệt mài mưu sinh trong giá rét.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt rét đậm, rét hại lần này sẽ kéo dài đến hết ngày 25/1, đồng bằng Bắc Bộ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi cao dưới 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024.

Từ đêm 22 đến rạng sáng 23/1, trời mưa phùn, từng đợt gió mạnh mang theo cái lạnh tê tái cứ thế thốc thẳng vào từng ngôi nhà, ngõ ngách của đường phố Hà Nội, nhưng nhiều người lao động vẫn phải tiếp tục mưu sinh trong giá rét.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 1.

Mặc tới 4, 5 lớp áo để giữ ấm cơ thể, nhưng khi làm ngoài trời chị Thanh và đồng nghiệp mới thấy thời tiết khắc nghiệt hơn mình tưởng.

Trùm kín áo mưa để quét rác, dọn dẹp quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị Vũ Thị Thanh (51 tuổi, quê Ba Vì, Hà Nội) cảm nhận rõ cái lạnh buốt của đợt rét nhất kể từ đầu đông tới nay.

Chị Thanh cho biết, chị cảm nhận rõ cái lạnh buốt kèm theo mưa kể từ sáng ngày 22/1. Buổi sáng chị Thanh dậy sớm mặc tới 4, 5 lớp áo để giữ ấm cơ thể. Thế nhưng khi làm ngoài trời chị và đồng nghiệp mới thấy thời tiết khắc nghiệt hơn mình tưởng.

"Mỗi ngày chúng tôi làm 8 tiếng, sáng từ 7h đến 11h giờ, chiều từ 12h đến 16h. Lâu lắm rồi mới cảm nhận cái lạnh thấu da thịt như đợt rét lần này. Gió rét lạnh quá nhưng vì công việc nên chị em cùng động viên nhau cố gắng hoàn thành, giữ gìn sạch sẽ quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm", chị Thanh cho hay.

Chị Hoa (35 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) sáng nào cũng phải dậy từ 2 giờ sáng để lấy hàng từ chợ đầu mối. Với mặt hàng là nông sản, các chợ đầu mối thường họp vào giữa đêm đến rạng sáng hôm sau nên dù có lạnh cắt da, cắt thịt, chị Hoa vẫn phải dậy sớm cho kịp chuyến chợ. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng là chị lại có mặt ở nơi bán hàng – một "mảnh" vỉa hè gần khu dân cư chị sinh sống.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 2.

Chị Hoa (áo đen, xanh) luôn phải dậy từ 2 giờ sáng để kịp chuyến chợ.

"Phải bán sớm vì bán muộn là chính quyền họ đi kiểm tra, thấy mình là họ "đuổi"… Rét thế này chứ rét nữa thì vẫn phải bán hàng thôi vì công việc chính mà. Không làm thì lấy gì mà ăn, chỉ mong hàng bán nhanh hết để được về nghỉ sớm", chị Hoa nói.

Theo chị Hoa mỗi ngày bán hàng, chị sẽ lãi được 200.000 -300.000 đồng. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để chi trả cho sinh hoạt trong ngày của cả gia đình.

Còn chị Nhung (34 tuổi, quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tối nào cũng làm thêm công việc rửa bát thuê cho một quán ăn ở Hà Đông. Ngày nào sớm thì 22h xong việc, muộn thì phải gần đến sáng ngày hôm sau chị mới được về nhà.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 3.

Trời lạnh nhưng đôi tay chị Nhung vẫn thoăn thoắt rửa bát.

Gần 22h đêm 22/1, nhiệt độ tại Hà Nội giảm sâu, lạnh đến buốt ruột gan nhưng chị Nhung vẫn cố gắng làm cho xong công việc đã nhận. Đôi tay vẫn rửa bát thoăn thoắt, cứ 1 giờ là được trả 25 nghìn đồng nên chị Nhung không ngại làm muộn, thêm được chút nào hay chút ấy.

0h sáng, anh Đinh Công Văn (26 tuổi, quê huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nằm co ro trong túp lều dựng tạm ở ven đường Nguyễn Chánh, Hà Nội. Gần 10 ngày nay, anh Văn tạm gác công việc xây dựng để tập trung bán đào quất. Công việc này khiến anh Văn phải dựng lều để phục vụ ăn ngủ luôn tại chỗ.

Anh Văn cho biết, đây là năm thứ 10 anh làm công việc này. Từng đó thời gian anh gần như đón Giao thừa ngoài đường.

"Công việc của tôi thường ngày là sửa chữa, cơi nới nhà cửa. Dịp tháng cuối năm công việc ít hơn nên tôi chuyển sang phụ bán đào quất cho anh chị thân thiết trong gia đình. Mọi năm thì từ ngày mùng 10/12 âm lịch bắt đầu bán nhưng năm nay bán sớm hơn.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 4.

Gần 10 ngày nay, anh Văn tạm gác công việc xây dựng để tập trung bán đào quất. Công việc này khiến anh Văn phải dựng lều và ăn ngủ luôn tại chỗ.

Thường ngày tôi sẽ phụ bán, bê vác đào, quất. Thậm chí kiêm nhiệm luôn dịch vụ chở đến tận nhà cho khách. Đêm đến, tôi nhận thêm việc trông nom và gần như phải thức trắng đêm. Tôi thường tranh thủ ngủ ban ngày lúc chưa đông khách hoặc đêm anh em thay nhau trực mỗi người ngủ một lát. Hai ngày nay trời lạnh quá khiến tôi gần như mất ngủ, thức trắng đêm", anh Văn tâm sự.

Anh Văn chia sẻ thêm, cũng vì muốn Tết "bánh chưng có nhân thịt" nên phải cố gắng. Càng về khuya trời càng rét buốt hơn, đêm nay anh phải che thêm tấm bạt chắn gió xung quanh "túp lều" của mình.

Một số hình ảnh người lao động mưu sinh trong giá rét của Hà Nội:

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 5.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 6.

Nhiều người lao động tranh thủ ăn bánh mì, nhóm lửa sưởi ấm giữa trời mưa lạnh ở đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 7.

Người lao động chở, bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân trong giá lạnh chiều 22/1.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 8.

Cô Hương (Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông) mỗi tối đều bán trên dưới 50 bắp ngô rồi mới về.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 9.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 10.

Anh Khánh (32 tuổi, quê ở Phú Thọ) 22 giờ đêm vẫn chưa xong công việc trong ngày, anh vẫn phải đi lấy hàng từ các shop cho kịp tiến độ.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 11.

Tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên co ro trong cái lạnh cắt da cắt thịt.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 12.

9h tối, cô bán hàng nước vẫn chưa nghỉ.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 13.

Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét- Ảnh 14.

Dù đã gần 22 giờ đêm, nhưng anh T (45 tuổi) trên đường đi làm về vẫn ghé vào các cửa hàng thức ăn nhanh, xin đồ ăn thừa về để nuôi gà.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Người phụ nữ nguy kịch sau khi làm đẹp da tại TMV Cao Kim.


Bài và ảnh Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn