Nhọc nhằn làm mẹ đơn thân

26-10-2013 07:26 | Xã hội
google news

Nuôi con có đủ bố, mẹ đã biết bao nhọc nhằn, vậy mà không ít phụ nữ đã vượt qua khó khăn, cộng thêm những định kiến khắt khe của xã hội để chấp nhận làm mẹ đơn thân.

Nuôi con có đủ bố, mẹ đã biết bao nhọc nhằn, vậy mà không ít phụ nữ đã vượt qua khó khăn, cộng thêm những định kiến khắt khe của xã hội để chấp nhận làm mẹ đơn thân.

"Vầng trăng khuyết"

Căn nhà nhỏ của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa, 44 tuổi ở xã Cẩm Lý (Lục Nam, Bắc Giang) nằm hiu quạnh bên một góc rừng, có lẽ lâu nay vắng bàn tay đàn ông nên cửa nhà, vườn tược hiện rõ sự tuềnh toàng, lạnh lẽo. Đi ra từ bếp, người phụ nữ gầy xanh xao như cành củi không giấu được sự e dè, khắc khổ. Hơn bốn mươi tuổi mà nom chị Hoa như đã thành bà lão. Chị phân trần: "Anh em trong họ vừa tập trung đảo lại giúp hai mẹ con mái ngói, năm nay mưa nhiều nên bị dột quá, nhà không có đàn ông khổ thế đấy, lắm khi chỉ thay cái bóng điện cũng phải nhờ người giúp". Số phận chị Hoa không được may mắn như bao phụ nữ khác bởi sự thua kém về nhan sắc, mỗi tuổi đuổi xuân đi, hơn 30 tuổi vẫn chẳng có ai nhòm ngó để chị thành "quá lứa nhỡ thì".
 
Nhỡ nhàng, ế ẩm nhưng khát khao được làm mẹ đã thôi thúc chị chủ động "kiếm" cho mình một mụn con với người đàn ông giấu mặt để thủ thỉ những lúc vui buồn. Rồi ngày hạnh phúc ấy cũng đến cách đây hơn 10 năm khi một bé gái kháu khỉnh chào đời trong sự đàm tiếu, xì xào của làng trên xóm dưới. Cuộc sống khuyết đi một nửa, cùng những lo toan cơm, áo, gạo, tiền vốn đã rất khó khăn nay lại càng bi đát hơn vì phải thêm gánh nặng của búa rìu dư luận khiến tinh thần chị như sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, vì tình mẫu tử, nghĩ tới tương lai của con nên chị đã phải gồng mình chịu đựng.
 
Nhọc nhằn làm mẹ đơn thân 1
 Nguồn vui duy nhất của những người mẹ này là các con.
Ngần ấy năm trời vừa đóng vai người cha, vừa diễn vai người mẹ chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ dạy bảo con đã làm cho chị Hoa lầm lũi và ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Nỗi lo về kinh tế đã đè nén lên bờ vai gầy guộc của người phụ nữ ngoài 40 tuổi này. Ngoài 5 sào ruộng, chị còn nuôi thêm đàn lợn, bò, gà, chắt chiu từng đồng cho con ăn học. Chị Hoa chia sẻ: "Biết là vất vả nhưng đứa con chính là niềm vui, niềm an ủi lớn lao nhất mà cuộc đời đã dành tặng cho tôi".

Sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, chị Huyền, phường Ngô Quyền (TP. Bắc Giang) đã quyết định ở vậy nuôi con gái một mình. Mỗi ngày niềm vui lớn của chị là thức giấc từ rất sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, sách vở và quần áo cho con đến trường rồi lên cơ quan. Mặc dù kinh tế khá giả, lại là người có học thức cao và dành hết mọi tình thương yêu cho con, nhưng theo chị Huyền, tình thương của mẹ có bao la đến đâu, sự chăm sóc có chu đáo đến mấy cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi của con. "Lắm lúc thấy tủi thân vô cùng vì mỗi khi cơ quan tổ chức đi du lịch hay các hoạt động gặp mặt... người ta thì có đôi, có cặp, mình thì chỉ thui thủi một mình, cô con gái cũng lớn dần nên khá nhạy cảm, các bạn cùng lớp chỉ cần hơi bông đùa bóng gió là cháu buồn mấy ngày" - chị Huyền tâm sự.

Gánh nặng cần sẻ chia

Chân dung cuộc đời chị Nguyễn Thị Nhung, xã Đồng Sơn (TP. Bắc Giang) là một phác họa khá đầy đủ những nỗi cực khổ của cuộc sống làm mẹ đơn thân. Như một sự sắp đặt của số phận, hơn 10 năm trước, chồng chị Nhung mất vì bệnh hiểm nghèo, để lại cho chị một đứa con trai (đến nay đã học lớp 11). Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi bản thân chị cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhìn bề ngoài chị khá mạnh mẽ, cứng cỏi nhưng dù chị có tỏ ra mạnh mẽ đến đâu thì nhiều người vẫn có thể nhận ra đằng sau đó là cả một chuỗi những nốt trầm. Lẽ thường, trong gia đình có cả bố lẫn mẹ nuôi con ăn học đã rất vất vả, đằng này chị phải thân đơn gối chiếc khổ sở trăm bề. Tủi phận cũng lắm mà thương con cũng nhiều, hơn chục năm nay chị đã vững vàng một mình nuôi dạy con khôn lớn và hằng đêm, những nỗi niềm thầm lặng cứ ùa về, rồi chị lại khóc đầm đìa ướt gối. Chị Nhung cho hay: "Con càng lớn càng hiểu biết và hỏi mẹ những câu hỏi khó trả lời, có vất vả đến mấy tôi cũng cố lo được cho con bằng chúng bạn nhưng tình cảm và sự thiếu vắng người cha thì không gì bù đắp được". Thu nhập từ chỗ làm được khoảng 2 triệu đồng/tháng, chẳng đủ chi tiêu với trăm thứ bà rằn, rồi tiền mua thuốc chữa bệnh, tiền đóng học cho con... tất cả đều đè nén nên vai người phụ nữ chưa đầy 40 tuổi này. Trách nhiệm phải gánh vác quá nặng nề nhưng hơn ai hết, chị Nhung mong muốn tạo cho con một tổ ấm đầy tình yêu thương làm chỗ dựa vững chắc cho con vững bước trên đường đời. Mỗi tối chị nhận thêm việc về làm may ở nhà, nuôi thêm đàn lợn, đàn gà có tiền cho con ăn học nhưng cũng rất bấp bênh...

Nhọc nhằn làm mẹ đơn thân 2
 Tần tảo nuôi con.

Xu hướng làm mẹ đơn thân ngày nay trở nên phổ biến, một phần do tình trạng ly hôn, chồng mất, sinh con ngoài giá thú. Phần khác do phụ nữ ngày càng tự chủ được về kinh tế và công việc không muốn kết hôn mà vẫn muốn nuôi con. Thống kê của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang) hiện trên địa bàn tỉnh có gần 27 nghìn bà mẹ đơn thân. Trong đó, ở vùng nông thôn chiếm đa số với hơn 25 nghìn người. Theo các chuyên gia về tâm lý, những đứa trẻ không cha rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Lúc nhỏ các em hay tủi thân khi mình không có bố chăm sóc, đưa đón đi học. Lớn hơn trẻ thường mặc cảm, tự ti với bạn bè vì không biết bố mình là ai. Vì vậy, trước khi quyết định làm mẹ đơn thân, phụ nữ cần lường trước những khó khăn sẽ gặp phải trên đường đời phía trước, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần cũng như về vật chất cho tương lai.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang cho biết: Làm mẹ là quyền lợi thiêng liêng của mỗi phụ nữ và xã hội cần bảo vệ, nhưng đã là mẹ đơn thân thì kiểu gì cũng bị thiệt thòi, thiếu thốn không chỉ kinh tế mà cả về tình cảm. Ngoài ra, sự thiếu hụt sự che chở của người cha còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của con sau này. Thực tế cho thấy, đa số mẹ đơn thân trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thường yếu thế, đặc biệt nhiều chị có hoàn cảnh rất éo le. Cũng theo bà Liên, những năm qua, mẹ đơn thân là một trong những đối tượng được Hội Phụ nữ tỉnh dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện để vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý để phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức; tập huấn kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Qua đó sẽ phần nào chia sẻ những khó khăn, vơi bớt nhọc nhằn của các chị. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục có những chương trình hỗ trợ, xây dựng mô hình giúp đỡ hội viên nói chung và mẹ đơn thân nói riêng...

Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa

Nguyễn Hưởng


Ý kiến của bạn