Năm 2001, sau khi tốt nghiệp, cô Lý Thị Tấu người dân tộc Mông, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được phân về công tác tại điểm trường cắm bản xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà. Đây là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai với hơn 99% người dân là đồng bào dân tộc Mông.
Thời điểm đó nơi đây vô cùng khó khăn, chưa có điểm trường cố định mà mỗi thôn bản có một điểm trường riêng, giáo viên sẽ được phân về các điểm trường tại bản, mỗi bản có 3 giáo viên phụ trách từ 30- 40 em học sinh tiểu học, từ lớp 1-5.
"Nói là điểm trường cho "oai" chứ thực ra là vài ba lớp học được dựng tạm bằng những tấm gỗ mỏng, mùa đông gió lùa lạnh tê tái", cô Tấu nhớ lại.
Để đến được điểm trường nơi công tác, cô Tấu phải đi bộ 7km đường mòn từ trung tâm huyện đến xã, rồi lại đi thêm 8km đường rừng từ trung tâm xã vào bản. Vị chi để đến được trường cô phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ.
Thời điểm đó mặc dù có xe đạp nhưng tuyến đường đến trường có những đoạn dốc đá cao vút, đường gập ghềnh khó đi nên dù có phương tiện đi lại cũng đành chịu, để đến được bản cách duy nhất là đi bộ. Do vậy, một tuần cô Tấu chỉ về nhà một lần.
Để kịp giờ dạy cho buổi sáng thứ 2, chiều chủ nhật cô phải lên đường tới trường. Hành trang vào cắm bản gồm ít đồ ăn mặn như thịt, cá khô, lọ muối vừng, gói muối, chai nước mắm… rồi hòa vào dòng dân bản đi chợ về cô tới trường để chuẩn bị cho một tuần học mới. "Tuy có mệt nhưng mọi người vừa đi vừa trò chuyện, hát hò cũng rất vui, quãng đường đến trường dường như cũng gần hơn", cô Tấu kể.
Hôm nào gia đình có việc bận không vào bản được ngày chủ nhật, sáng hôm sau cô phải dậy từ 4 giờ sáng, khi đó trời còn tối, sương mù giăng khắp lối, đường trơn trượt, phải vừa đi vừa dò đường rất vất vả.
Đáng sợ nhất là những ngày mưa, đường lầy lội, con đường đến trường càng trở nên khó khăn hơn, đi bộ trên những con đèo dốc, trên vai lỉnh kỉnh đồ đạc, có những đoạn phải "bò" chứ không phải đi, cả quãng đường vừa đi vừa nín thở, cầu mong cho đến được điểm trường an toàn.
"Mặc dù trang bị áo tơi, ủng kỹ càng nhưng khi đến được lớp học mọi thứ rách tả tơi, người cũng như đồ ăn mang theo ướt nhẹp, bùn đất văng tận đầu…. Giờ nhớ lại vẫn còn ám ảnh", cô Tấu nói.
Năm 2005, khi cô sinh con đầu lòng, lúc đó đường xá vẫn chưa được mở rộng, con còn nhỏ cô phải địu con lên lớp. Đằng trước địu con, đằng sau cõng theo vô số những đồ đạc nào là thức ăn cho cả tuần, quần áo, tã, sữa của con…
Ngày nắng còn dừng nghỉ được dọc đường cho con bú, nhưng ngày mưa đường rừng không có chỗ trú, hơn 1 giờ đồng hồ đứa con nhịn đói khóc ngằn ngặt, tuy xót con nhưng vẫn phải cố gắng đến điểm trường mới dám cho con ăn.
Trong quá trình lên lớp, cô phải vừa địu con vừa dạy học. Đêm nằm trong căn nhà được ghép từ các miếng gỗ, sương mù vào ướt cả mẹ lẫn con.
Là người dân tộc Mông, đã quen với cuộc sống của đồng bào vùng cao, nhưng cô Tấu vẫn không thể tưởng tượng được con đường "gieo chữ" của mình lại gian nan như vậy.
Quãng đường tới trường đã gian nan, quá trình bám bản vận động học sinh đến lớp cũng vất vả không kém.
Đặc điểm ở vùng cao nhà ở rải rác, cùng thôn bản nhưng có khi cách nhau cả km, các con đường cây cối rậm rạp, um tùm, nhiều đoạn lại dốc đá gập ghềnh… Mặc dù nhiều gia đình cũng muốn con em được đến lớp nhưng do đường đi lại khó khăn, các em tuổi còn nhỏ, gia đình lại không có điều kiện đưa đón nên cho trẻ nghỉ học nhiều.
Để đảm bảo con số lên lớp, các giáo viên cắm bản phải đến từng nhà vận động, gia đình nào ở xa thì cho các em ở lại điểm trường, cuối tuần các thầy cô sẽ đảm nhiệm việc đưa các em về nhà.
Dù đã rất nỗ lực nhưng cô Tấu vẫn gặp không ít những trở ngại, nhiều gia đình khi thầy cô đến vận động đã dùng nhiều cách gây khó dễ, xua đuổi.
Khó khăn cỡ nào, các thầy cô vẫn kiên trì bám bản, có trường hợp các cô phải ròng rã cả tháng trời đến nhà thuyết phục gia đình mới đồng ý cho con đến trường.
Như trường hợp của em Quáng, người Mông. Em là con thứ 4 của một gia đình có 5 anh chị em, anh cả đã lấy vợ ở riêng, anh thứ 2 đang học THCS, em là con thứ 4, cha bị câm điếc, còn mẹ em là lao động chính trong gia đình.
Do gia cảnh khó khăn nên mẹ muốn để em ở nhà trông cha và phụ giúp các công việc gia đình, để người anh thứ 2 đi học.
Các cô phải đến nhà vận động rất nhiều, tuy nhiên em cứ đi học được một hai hôm lại nghỉ. Khi đến nhà chứng kiến cậu bé lớp 5 người nhỏ thó, nhanh thoăn thoắt cho người cha bệnh tật ăn uống, lau chùi, dọn dẹp công việc nhà rất gọn gàng, cô vô cùng xúc động. Thấy cô giáo đến em bẽn lẽn "em vẫn muốn đi học nhưng mẹ không cho", cố gắng vận động rất nhiều cuối cùng mẹ em cũng đồng ý cho em đến lớp học, nhưng lúc này bố đang bệnh nặng, sau đó ông qua đời, mẹ em cũng đi lấy chồng nên việc học bị gián đoạn. Hiện nay em đang tiếp tục lớp 5 để hoàn thành chương trình học.
Hay trường hợp của em Chênh cha mẹ ly hôn, mẹ em lấy chồng Trung Quốc, cha ở gần nhà nhưng không quan tâm, em sống với người cậu. Gia đình người cậu đông con, cũng khó khăn nên em ở nhà phụ công việc nhà, phải mất rất nhiều thời gian và công sức, người cậu đã đồng ý cho em đi học, hiện em đã học xong cấp 2.
Trong quá trình công tác của mình, cô Tấu thường dạy các học sinh rằng dù cuộc sống có khó khăn thế nào cũng phải cố gắng đến trường, không được bỏ học, có con chữ cuộc sống sau này mới đỡ vất vả hơn. Biết con chữ sẽ mang đến cho các em nhiều cơ hội, đưa các em biết đến nhiều vùng đất mới chứ không bó buộc tại thôn bản xa xôi này.
"Các buổi lên lớp cô thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Các em còn nhỏ, chưa biết có hiểu được những gì cô truyền đạt hay không, nhưng vẫn 'cần gieo cho các em những ước mơ, để ước mơ đó là động lực giúp các em thay đổi cuộc đời mình", cô Tấu tâm sự.
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của những con người nơi đây đã có những đổi thay, các gia đình đã quan tâm hơn đến việc học của các em, cùng với sự nỗ lực của các thầy cô, tỷ lệ học sinh đến trường đã đầy đủ.
Hiện nay tại xã Hoàng Thu Phố đã được xây dựng 2 điểm trường cố định gồm Trường PTDTBT Hoàng Thu Phố 1 và điểm trường Hoàng Thu Phố 2. Con đường vào Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 đã được đổ bê tông đi lại dễ dàng hơn, nhưng tại điểm trường Hoàng Thu Phố 2 ở cheo leo trên đồi dốc, đường vào trường vẫn là những con đường đất bụi, việc đi lại vẫn còn rất khó khăn. Nhiều người đã từng lên đây công tác, nhưng một thời gian sau đã lần lượt về xuôi hoặc tìm một công việc mới nhẹ nhàng hơn, mức thu nhập cũng cao hơn.
Hy vọng, thời gian tới Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của giáo viên bám bản, mức thu nhập sẽ được cải thiện phần nào để giáo viên có thể yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô Tấu tâm sự.