Không kể thời tiết nắng mưa hay đêm tối, cứ có người gọi hay điện thoại reo là Y Thuận lại tất tả chuẩn bị túi đồ nghề lên đường. Gọi là đồ nghề chứ thực ra chỉ gói ghém trong cái túi nhỏ mà chị đeo toòng teng bên mình: 1 gói đỡ đẻ sạch, 2 cái panh, 1 cái kéo, thước dây, ống nghe, huyết áp kế và găng tay. Nhìn cái dáng tất bật của chị mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của nghề “đỡ đẻ” vùng sâu.
Chúng tôi về xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum tìm gặp chị Y Thuận, nhân viên y tế thôn Tê Xô Ngoài trong cái nắng hanh hao. Đã hẹn với chị từ trước nhưng phải sau gần 1 giờ chờ tại trạm y tế, chúng tôi mới gặp được chị khi chị vừa đón một em bé chào đời. Thai phụ của chị sáng nay là bà mẹ trẻ Y Khan ở thôn Đăk Hnăng. Cả hai đứa con của Y Khan đều do một tay chị đỡ. Chị bảo: Bốn giờ sáng nay nghe người nhà kêu, chị phải gửi con cho ngoại để gấp gáp đi ngay. Đường khó đi nên Thuận phải đi bộ. Chị nhanh chân đi đường tắt, băng qua những cánh rừng cao su để đến với họ lỡ không kịp. Rồi như gặp được người để trải lòng, chị kể: Hồi cách đây mấy tháng, nghe tin chị Y Bria thôn Đăk Brông trở dạ, chị chuẩn bị dụng cụ đến ngay. Chị vừa thăm khám, nghe tim thai cho Y Bria xong, liền nói với người nhà: “Cháu bé khỏe lắm, đến ngày sinh nở rồi nhưng ngôi thai ngược, Y Bria không thể tự đẻ được đâu, mình cũng không đỡ được. Vì trường hợp này hơi đặc biệt nên Y Bria phải xuống Kon Tum để bác sĩ có chuyên môn đỡ”. Gia đình không đồng ý vì cho rằng 5 lần trước toàn đẻ ở nhà có sao đâu. Nhưng trước sự kiên nhẫn thuyết phục của chị Y Thuận, gia đình đã đồng ý chuyển thai phụ tới cơ sở y tế.
Nhà sản phụ thường ở xa, đường lại khó đi, nên Thuận thường phải đi bộ.
Tôi có dịp theo chân Y Thuận đi khám thai cho người dân nơi đây và cảm nhận rõ hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn trong công việc của những cô đỡ nơi vùng núi sâu ngút ngàn của cực Bắc Tây Nguyên. Vừa đi, cô gái trẻ 24 tuổi này vừa tâm sự: Trước đây, mẹ làm hộ lý ở Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô nên thường hay xem cán bộ y tế đỡ đẻ. Một lần trong thôn có người đẻ khó, nhà xa cơ sở y tế nên mẹ chị đã đỡ và kết quả là “mẹ tròn, con vuông”. Sau một trận ốm nặng, sức khỏe không đảm bảo, mẹ Y Thuận nghỉ làm hộ lý về làm rẫy và trở thành “mụ vườn”, cả 7 thôn trong xã ai cũng nhờ. Ngày còn nhỏ, Thuận thường theo mẹ đi và dần dần bén duyên với nghề “đỡ đẻ” của mẹ lúc nào không biết. Sau khi được cử đi học cô đỡ thôn bản 18 tháng ở Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh về, Thuận đã tìm đến bà con để tuyên truyền, giải thích, vận động, giúp đỡ mọi người hiểu được lợi ích của việc khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế là tránh được nguy hiểm. Do vậy bây giờ nhiều chị em phụ nữ trong xã đã biết ra trạm y tế để sinh con, số còn lại do nhà xa, không có phương tiện đi lại nên vẫn sinh tại nhà nhưng đều gọi Thuận tới đỡ chứ không tự đỡ, tự đẻ ngoài vườn, ngoài rẫy như trước nữa. Thuận còn vui vẻ khoe: “Bây giờ em có lương hàng tháng rồi không như mẹ em hồi xưa nữa. Lương mỗi năm một tăng. Năm 2011 được 365.000 đồng/tháng; năm 2012 được 525.000 đồng/tháng. Từ tháng 7/2013 đến nay được 575.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các chương trình như: sốt rét, dân số, truyền thông, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường cũng đều có hỗ trợ thêm nên cũng đỡ đi được phần nào”.
Đi cùng Thuận trên con đường dài chừng 3km tới thăm khám cho Y Quý mới sinh con được ít ngày ở thôn Đăk Năng với những con dốc dựng ngược, có lúc tôi tưởng chiếc xe máy cà tàng của chị như muốn khựng lại vì quá sức. Chị chỉ tay về phía có những nếp nhà sàn và bảo, nhà Y Quý kia rồi. Thuận dựng xe máy ở ngoài đường rồi dẫn tôi băng qua cánh rừng cao su đang mùa thay lá rồi lại men theo con suối nhỏ có những đoạn phải lội nước tới gần đầu gối. Thuận đi rất nhanh, đôi bắp chân chị khỏe quá, cứ lướt phăng phăng khi xuống dốc cũng như khi lên dốc, tôi cố lắm mới theo kịp. Với dáng người mảnh mai và nhanh nhẹn, vừa bước vào nhà Y Quý, Thuận đã niềm nở thăm hỏi: “Dạo này sức khỏe của hai mẹ con thế nào? Có đủ sữa cho bé bú không? Ngày 20 này nhớ cho bé lên trạm y tế tiêm phòng nhé”! Câu chuyện của hai người toàn tiếng Xê-đăng, thỉnh thoảng Thuận lại phải làm công việc của một phiên dịch viên, dịch vài câu hỏi của tôi để Y Quý trả lời. Khi được hỏi về lần sinh em bé vừa rồi, Y Quý không khỏi vui mừng, cho biết: “Đúng lúc mình đau đẻ thì gia đình đi vắng hết. Trong lúc đau đớn vô cùng, may mà mụ vườn Y Thuận tới giúp. Nhờ vậy con mình mới còn sống và khỏe mạnh như ngày hôm nay. Đỡ đẻ xong cho mình, Y Thuận còn ở lại suốt 2 giờ để chờ người nhà về và theo dõi sức khỏe cho 2 mẹ con; hướng dẫn cho mình cách chăm sóc con tránh bệnh tật và có đủ dinh dưỡng đấy”. Tôi đùa vui: “Thế vợ chồng có trả ơn gì cho Y Thuận không”? Y Quý cười giòn: “Ở thôn mình có tục lệ biếu một con gà, to nhỏ gì cũng được, luộc sẵn để cảm ơn mụ vườn mà. Tới khi con rụng rốn thì mời mụ vườn tới nhà uống rượu ghè. Vui lắm.”
Y Thuận đang khám thai định kỳ tại nhà thai phụ
Trên đường trở về, Thuận say sưa kể về những niềm vui và vất vả trong nghề. Khi được hỏi Thuận đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca rồi? Y Thuận cho biết, mỗi tháng trung bình cô đỡ khoảng 30 ca, còn từ khi vào “nghề” đến nay, chính bản thân cô cũng không nhớ đã đỡ được bao ca sinh nở, chỉ biết rằng rất may mắn chưa có một ca tai biến nào xảy ra. Khi được hỏi về ước mơ và những kế hoạch trong thời gian tới, Y Thuận nói: “Ngày trước em đang học ở Trường Hướng nghiệp dạy nghề ở dưới Kon Tum thì mẹ ốm nặng, bố xuống đón em về chăm sóc mẹ. Thế là đành dang dở việc học. Giờ em chỉ mong muốn được đi học lại bổ túc văn hóa và có cơ hội học thêm kiến thức ngành y để chữa bệnh và đỡ đẻ cho bà con quê mình”. Tôi ướm thử: Làm cô đỡ thôn bản vất vả thế, liệu bố mẹ và chồng Thuận có ủng hộ không? Chị cười buồn: Bố mẹ em cùng làm nghề y nên ủng hộ lắm nhưng chồng em thì không. Mỗi lần thấy em đi sớm về khuya một mình hay thấy người nhà tới tìm là chồng em lại nghĩ em đi với người khác, bỏ bê gia đình nên bỏ hai mẹ con em đi lấy vợ khác rồi. Giờ em và con nương nhờ ông bà ngoại”.
Cô đỡ thôn bản Y Thuận trao đổi, chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho chị em phụ nữ tại thôn Đăk Brông, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông.
Trao đổi cùng chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung - Trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: “Đăk Tờ Kan là xã đặc biệt khó khăn. Người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 97%, số hộ đói còn cao, phong tục tập quán lạc hậu, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Những công việc như cô đỡ Y Thuận đang làm trong 5 năm nay không mấy người làm được ở các vùng núi sâu của tỉnh miền núi Kon Tum. Thuận luôn nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ bà con nơi đây. Số liệu báo cáo kịp thời, chính xác nên cán bộ trạm rất yên tâm”.
Đằng sau những kết quả tích cực đó, mấy ai biết được sự vất vả, khó nhọc mà đội ngũ cô đỡ thôn bản từng ngày đóng góp cho xã hội, tôi thầm nghĩ: Nghề y là một nghề cao quý nhưng cũng là nghề đòi hỏi hy sinh và tận tụy. Sự hy sinh ấy đang diễn ra từng giờ từng phút, ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới đến hải đảo, từ thành phố đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mỗi mũi tiêm, mỗi viên thuốc, mỗi ánh mắt, mỗi bàn tay của người thầy thuốc đều chứa đựng tấm lòng nhân hậu. Khi sáng chói, lúc thầm lặng nhưng sự hy sinh của những người “từ mẫu” luôn luôn đáng quý, đáng trân trọng.
Thu Huyền