Sáng ngày 27/10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM đã giám sát tình hình triển khai đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030" tại Bệnh viện Nhân dân 115.
BS.CK2 Trần Văn Sóng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình khám chữa bệnh là vấn đề rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Nhận thấy được các lợi ích mà công nghệ thông tin mang cho bệnh nhân và bệnh viện nên Bệnh viện Nhân dân 115 luôn xác định việc triển khai đề án y tế thông minh là một trong những điểm trọng tâm trong công cuộc cải cách, nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện".
Thời gian qua, bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong quá trình điều trị ngoại trú và nội trú như tăng cường công tác số hóa, chuyển đổi thanh toán điện tử; ứng dụng công nghệ trong đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; triển khai áp dụng các phần mềm quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và các phần mềm chuyên sâu như: phần mềm quản lý giường bệnh, quản lý kê đơn, phần mềm quản lý người nuôi bệnh...
Đặc biệt, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đột quỵ hiệu quả khi ứng dụng phần mềm RAPID- đại học Standford, Hoa Kỳ.
Theo Phó Giám đốc bệnh viện, Bệnh viện Nhân dân 115 bắt đầu triển khai phần mềm RAPID vào giữa năm 2019, đơn vị cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam triển khai phần mềm này. Tới nay, bệnh viện cũng đã cho thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin khi hỗ trợ thực hiện can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Sau khi ứng dụng phần mềm, 50% bệnh nhân đột quỵ trong số những bệnh nhân đột quỵ được đưa tới bệnh viện sau thời gian vàng (6-24 giờ đầu) được can thiệp nội mạch thì có tới 48% người bệnh được can thiệp thành công và có thể quay trở lại vận động như bình thường.
Theo bác sĩ Sóng, chỉ trong vòng 3 năm ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID đã có 2.215 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm này. Nhiều ca đột quỵ được chuyển từ Lâm Đồng, Cà Mau... đến viện khi đã quá giờ vàng nhưng vẫn can thiệp hiệu quả. Nhờ vào phần mềm, các ca bệnh nhồi máu não do tắc mạch máu đến viện muộn trong vòng 24 giờ cũng có thể được cứu sống, thoát cảnh tàn phế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án y tế thông minh bệnh viện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó giám đốc Bệnh viện, lương của các nhân viên công nghệ thông tin hiện nay rất cao, trong khi chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp với họ.
Vậy nên, cũng giống với các bệnh viện khác, Bệnh viện Nhân dân 115 rất khó trong việc tuyển được nhân lực công nghệ thông tin có năng lực. Đồng thời, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện cũng đang không được đồng bộ, phát triển riêng lẻ, thiếu đồng bộ giữa các đơn vị, khó tích hợp và tương thích theo xu hướng phát triển phần mềm.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn thiếu các hướng dẫn triển khai các thông tư về các ứng dụng cũng như các hướng dẫn về kết cấu chi phí công nghệ thông tin tính vào chi phí dịch vụ y tế.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội thuộc HĐND TPHCM ghi nhận, biểu dương kết quả tích cực của quá trình triển khai Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030" của Bệnh viện Nhân dân 115. Ông bày tỏ rất mong các sở, ngành quan tâm, hỗ trợ để tìm ra giải pháp giải quyết các đề xuất của bệnh viện để công tác triển khai Đề án y tế thông minh của Bệnh viện Nhân dân 115 cũng như các bệnh viện trên địa bàn đạt được nhiều thành công hơn nữa.